(FDI Việt Nam) Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2024” do VCCI công bố đã chỉ ra 4 dòng chảy chính trong hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật kinh doanh. 

Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2024” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố đã chỉ ra 4 dòng chảy chính trong hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật liên quan đến môi trường kinh doanh.

Báo cáo ghi nhận nhiều chuyển động tích cực trong cải cách thể chế và quy định pháp lý. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với không ít rào cản, từ sự chồng chéo trong quy định pháp luật, thủ tục hành chính phức tạp cho đến việc thực thi thiếu nhất quán giữa các địa phương.

Ngày 22/4 tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo công bố Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2024”.

Năm qua, Quốc hội ban hành 31 luật, Chính phủ ban hành 182 nghị định và các Bộ ban hành 629 thông tư cho thấy cường độ lập pháp tăng mạnh mẽ so với năm trước. Tuy nhiên, việc số lượng tăng không đồng nghĩa với chất lượng và hiệu quả thực thi cũng được cải thiện tương ứng.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, đánh giá tổng thể bức tranh kinh tế năm 2024 với điểm sáng là tăng trưởng GDP đạt 7,09%. Song song với kết quả này, các doanh nghiệp vẫn đang vật lộn với hàng loạt khó khăn như đơn hàng sụt giảm, tiêu dùng nội địa chưa hồi phục, chi phí sản xuất tăng cao, lao động và vốn tiếp tục là bài toán nan giải.

Chính trong bối cảnh đó, cải cách thể chế và pháp luật được xem là chìa khóa để mở đường cho doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng. Tổng Bí thư Tô Lâm từng nhấn mạnh: “Thể chế đang là điểm nghẽn của các điểm nghẽn” và Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu chuyển từ tư duy “không quản được thì cấm” sang “vừa quản lý, vừa khơi thông, thúc đẩy”.

Thực tế, năm 2024 chứng kiến nhiều luật, nghị định, thông tư được ban hành, sửa đổi theo hướng cải cách. Song, theo VCCI, quy trình lập pháp vẫn còn tồn tại nhiều bất cập từ khâu lựa chọn vấn đề, soạn thảo văn bản đến quá trình lấy ý kiến và ban hành các quy định dưới luật. Nhiều ý kiến cho rằng, không ít văn bản còn mang tính hình thức, thời gian chuẩn bị gấp gáp, không phản ánh đúng thực tiễn.

Một trong những điểm đáng chú ý là cộng đồng doanh nghiệp đã thể hiện vai trò ngày càng rõ nét trong việc góp ý và phản biện chính sách. Dù vậy, vẫn có nhiều chính sách được xây dựng mà thiếu đi sự tham gia thực chất của người thụ hưởng chính các doanh nghiệp.

dòng chảy pháp luật
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Ảnh: VGP/HT

Theo lãnh đạo VCCI, năm 2024 tiếp tục ghi nhận sự sôi động trong công tác xây dựng pháp luật- với nhiều Luật, Nghị định, Thông tư được sửa đổi, ban hành theo hướng cải cách. Thông qua việc theo dõi, phân tích các văn bản được ban hành và lấy ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, VCCI nhận thấy 4 “dòng chảy” chính trong hệ thống pháp luật kinh doanh năm 2024.

Thứ nhất, cải cách thủ tục hành chính và giảm chi phí tuân thủ tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.

Theo ông Phạm Tấn Công, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn. Nhiều quy định đã được sửa đổi theo hướng đơn giản hóa, minh bạch và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

“Một tín hiệu tích cực là cộng đồng doanh nghiệp ngày càng chủ động hơn trong việc góp ý, phản biện chính sách. Nhiều chính sách ban hành trong năm 2024 đã thể hiện rõ dấu ấn từ thực tiễn doanh nghiệp”, Chủ tịch VCCI nêu rõ.

Thứ hai, một số chính sách cải cách vẫn chưa thực sự thuận lợi trong thực thi. Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Tấn Công cho rằng, dù có nhiều nỗ lực, nhưng một số chính sách vẫn chưa tạo được chuyển biến thực chất. Nguyên nhân chính là do tư duy quản lý cũ chưa được thay đổi triệt để. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại quy định thiếu linh hoạt, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.

Thứ ba, chính sách tài chính – thuế có nhiều chuyển động tích cực nhưng vẫn còn băn khoăn. Cụ thể, chính sách thuế và tài chính tiếp tục được xem là công cụ hỗ trợ đắc lực cho phục hồi kinh tế. Nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí được triển khai. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phản ánh một số bất cập trong thực thi như áp lực chi phí, thời gian tuân thủ và sự thiếu đồng bộ trong các quy định pháp luật về thuế.

dòng chảy pháp luật
Chính sách tài chính – thuế có nhiều chuyển động tích cực nhưng vẫn còn băn khoăn – Ảnh minh họa.

Thứ tư, chính sách thương mại điện tử đã có những điều chỉnh tích cực nhưng chưa đồng bộ. Theo ông Phạm Tấn Công, thương mại điện tử phát triển nhanh chóng và đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế số. Nhiều chính sách mới đã được ban hành kịp thời để đáp ứng yêu cầu quản lý.

Tuy nhiên, vẫn còn những quy định chưa bao quát hết thực tiễn. Theo đó, việc hoàn thiện khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi các bên liên quan, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, minh bạch là rất cần thiết.

Trong tham luận với Hội thảo, LS Nguyễn Thanh Hà – Phó Giám đốc Công ty Luật Vietthink cho biết: Riêng về lĩnh vực xử lý chất thải phát điện, đặc biệt là các dự án điện rác, cũng đang gặp nhiều vướng mắc về mặt pháp lý.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, để thúc đẩy hiệu quả công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cần sớm bổ sung các cơ chế đặc thù cùng văn bản hướng dẫn cụ thể cho phép thực hiện hình thức đặt hàng dịch vụ công trong lĩnh vực này. Đồng thời, việc ban hành hợp đồng mẫu phù hợp là cần thiết nhằm đảm bảo tính minh bạch, nhất quán và hiệu quả kinh tế.

Ngoài ra, ông nhấn mạnh sự cấp thiết của việc hoàn thiện quy hoạch quản lý chất thải ở cả cấp tỉnh, cấp vùng và liên vùng. Điều này không chỉ giúp phân bổ hợp lý các cơ sở xử lý mà còn đảm bảo nguồn rác đầu vào ổn định cho các dự án điện rác – một hướng đi đang được quan tâm. Việc thiếu vắng một khung pháp lý đồng bộ đang khiến nhiều nhà đầu tư e dè và cản trở quá trình xã hội hóa xử lý rác – một nhu cầu ngày càng cấp thiết.

Nguồn: Báo Chính phủ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *