(FDI Việt Nam) – Các chuyên gia đánh giá kinh tế tư nhân là động lực quan trọng giúp Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, đồng thời tạo tiền đề cho mức tăng trưởng bền vững và cao hơn trong tương lai.
Kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của Việt Nam, khi đóng góp gần 45% GDP và chiếm hơn 40% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tại buổi tọa đàm “Bứt phá tăng trưởng 2025, động lực từ đâu?” diễn ra ngày 12/3, các chuyên gia nhấn mạnh rằng việc thúc đẩy khu vực này không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là ưu tiên hàng đầu để đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC KINH TẾ TƯ NHÂN – ƯU TIÊN SỐ MỘT CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Ông Phan Lê Thành Long, Chủ tịch AFA Group, nhận định rằng năm 2024 mang đến không ít thách thức cho kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, khi bước sang năm 2025, với sự điều chỉnh kịp thời của Đảng và Chính phủ, cùng những cải cách thể chế và chính sách hỗ trợ phù hợp, khu vực kinh tế tư nhân đang có cơ hội lớn để phát triển mạnh mẽ.

Cụ thể, các doanh nghiệp lớn tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt khi tận dụng quy mô để tiên phong trong những lĩnh vực chiến lược như công nghệ bán dẫn, phần mềm… Trong khi đó, năm 2025 được xem là giai đoạn quan trọng để các doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện tái cấu trúc, đổi mới cách tiếp cận thị trường.
Thay vì chỉ tập trung vào thị trường nội địa, họ cần mở rộng ra quốc tế với sự hỗ trợ của công nghệ, đặc biệt là Internet và AI – những yếu tố đang làm mờ đi các ranh giới địa lý.
“Để tận dụng cơ hội này, điều quan trọng nhất đối với doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, là nâng cao năng lực quản trị và xây dựng mô hình kinh doanh bền vững. Một cấu trúc quản trị vững chắc, từ Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc điều hành đến các quy trình kiểm soát nội bộ, sẽ giúp doanh nghiệp tư nhân chèo lái vững vàng và phát triển đúng hướng,” ông Long nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc AFA Capital, nhấn mạnh rằng khu vực kinh tế tư nhân không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của tiêu dùng nội địa.
Theo ông, sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân không chỉ kích thích nhu cầu tiêu dùng mà còn tạo ra nguồn vốn để tái đầu tư vào nền kinh tế, qua đó hình thành một chu kỳ tăng trưởng bền vững và lành mạnh.
“Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% và tiêu dùng nội địa đạt 12% vào năm 2025, việc xác định động lực tăng trưởng là yếu tố then chốt và chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy khu vực kinh tế tư nhân cũng sẽ đóng vai trò không thể thiếu trong việc hiện thực hóa những mục tiêu này”, ông Tuấn nói.
Bên cạnh đó, công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng hiệu quả kinh doanh, góp phần thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn.
Ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT, nhận định rằng trong tương lai, cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ không chỉ phụ thuộc vào các ngành truyền thống như dệt may, da giày, mà còn mở rộng sang các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là xuất khẩu phần mềm.

FPT đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 5 tỷ USD vào năm 2030, và thế hệ doanh nhân trẻ hoàn toàn có thể nâng con số này lên hơn nữa trong tương lai. Tuy nhiên, để tạo ra sự bứt phá, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy.
“Nếu chỉ dựa vào nguồn nhân lực, FPT cần đến 100.000 nhân viên để đạt mục tiêu xuất khẩu 5 tỷ USD. Nhưng với sự hỗ trợ của công nghệ, năng suất có thể tăng lên gấp nhiều lần, và trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã nhận ra điều này”, ông Tiến chia sẻ.
Ông Tiến cũng cho biết AI và chuyển đổi số mang lại lợi thế lớn cho Việt Nam. Trong khi các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số và lo ngại về những công nghệ mới, thì thế hệ trẻ Việt Nam lại đang nắm bắt nhanh xu hướng này.
“Xu thế chuyển đổi số, tận dụng AI, dữ liệu càng lan rộng thì Việt Nam sẽ càng được hưởng lợi”, ông Tiến nhấn mạnh.
PHÂN BỔ ĐẦU TƯ HỢP LÝ
Ngoài việc khuyến khích đầu tư tư nhân, một yếu tố then chốt giúp Việt Nam đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững vào năm 2025 là chiến lược phân bổ vốn đầu tư hợp lý.
Theo ông Tuấn, trong tình hình hiện nay, việc xây dựng danh mục đầu tư cần được tính toán cẩn trọng nhằm tối ưu hóa dòng tiền và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Dựa trên phân tích vĩ mô, AFA Capital đã xác định bốn nhóm tài sản tài chính quan trọng để đầu tư.
Nhóm đầu tiên là tài sản thanh khoản, bao gồm tiền mặt, tiền gửi, ngoại tệ và chứng chỉ tiền gửi, giúp nhà đầu tư duy trì sự chủ động về dòng vốn. Tiếp theo là nhóm tài sản có lợi suất cố định, điển hình như chứng chỉ quỹ trái phiếu, mang lại mức lợi tức ổn định từ 7,5 – 8% mỗi năm.
Bên cạnh đó, nhóm tài sản phòng thủ, với đại diện tiêu biểu là vàng, đã khẳng định vai trò bảo toàn giá trị khi ghi nhận mức tăng trưởng trung bình gần 20% mỗi năm trong ba năm qua. Cuối cùng là nhóm tài sản tăng trưởng, trong đó cổ phiếu được đánh giá là kênh đầu tư tiềm năng, mở ra cơ hội sinh lời hấp dẫn trong dài hạn.

Bàn về xu hướng phân bổ đầu tư, ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc SGI Capital, cho rằng những năm gần đây đã chứng kiến nhiều thay đổi đáng kể trong cách dòng vốn được dịch chuyển. Đặc biệt, sau những biến động lạm phát, bất động sản ngày càng khẳng định sức hút khi thu hút lượng lớn dòng tiền từ các nhà đầu tư.
Ông Phúc chia sẻ rằng trong danh mục đầu tư của nhiều khách hàng, có thời điểm bất động sản chiếm tới 70% tổng giá trị đầu tư – một xu hướng mang tính lịch sử, trong khi cổ phiếu chỉ chiếm khoảng 30%. Đáng chú ý, tỷ trọng vốn dành cho cổ phiếu vẫn khá thấp, ngay cả với các nhà đầu tư trẻ, khi chỉ dao động từ 10 – 15%.
“Nếu danh mục đầu tư của mọi người được phân bổ hợp lý hơn, với tỷ trọng cao hơn dành cho cổ phiếu thì đây cũng được xem là nguồn vốn trực tiếp chảy vào các doanh nghiệp tư nhân, từ đó chúng ta sẽ có cơ hội xây dựng một nền kinh tế vững mạnh hơn, giảm bớt sự phụ thuộc vào tín dụng như hiện nay”, ông Phúc nhấn mạnh.
Nguồn: VN Economy