(FDI Việt Nam) – Mức thuế đối ứng 46% mà Mỹ áp dụng đang gây lo ngại lớn cho nhiều doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.
Mức thuế đối ứng của Mỹ không chỉ tạo áp lực nặng nề về chi phí và khả năng cạnh tranh, quyết định này còn đe dọa trực tiếp đến sinh kế của hàng trăm nghìn nông dân, ngư dân đang bám nghề trên khắp cả nước.
Rạng sáng 3/4/2025 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ công bố mức thuế nhập khẩu đối ứng áp dụng với hơn 180 quốc gia, trong đó Việt Nam nằm trong nhóm bị áp thuế cao nhất – lên đến 46%. Động thái này được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là ngành thủy sản.
Theo số liệu sơ bộ từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện có khoảng 37.500 tấn thủy sản đang trên đường tới Mỹ và thêm khoảng 31.500 tấn dự kiến sẽ được xuất khẩu trong tháng 4 và 5/2025. Ngoài ra, khoảng 38.500 tấn hàng khác đã được các doanh nghiệp thủy sản ký kết hợp đồng giao trong năm nay.
Mối lo lớn nhất hiện nay là sự thiếu rõ ràng trong hướng dẫn thực thi chính sách thuế của phía Mỹ. Nếu Hải quan Mỹ lựa chọn áp thuế theo thời điểm hàng cập cảng – dự kiến sau ngày 9/4 – thì toàn bộ lô hàng đang vận chuyển sẽ phải chịu mức thuế mới 46%.
Đáng nói, phần lớn doanh nghiệp thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ theo phương thức DDP (giao hàng tận kho), nghĩa là doanh nghiệp phải chịu toàn bộ chi phí vận chuyển, bảo hiểm và thuế trước khi hàng được giao và thanh toán. Các hợp đồng này được ký dựa trên mức thuế hiện hành – thường từ 0% đến 7%.
Việc đột ngột tăng thuế lên tới 46% khiến nhiều doanh nghiệp thủy sản đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng nề, thậm chí vỡ kế hoạch tài chính.
“Một lô tôm 500.000 USD, trước đây chịu thuế 5% (25.000 USD), giờ có thể chịu thuế 46% (230.000 USD), tăng thêm 205.000 USD, chi phí quá lớn và không thể lường trước”, văn bản của VASEP cho biết.

Bên cạnh nguy cơ chịu thiệt hại tài chính trực tiếp, mức thuế đối ứng mới từ Mỹ còn đẩy ngành thủy sản Việt Nam vào tình thế mất thị trường và suy giảm khả năng cạnh tranh.
Trong khi Việt Nam bị áp thuế tới 46%, các quốc gia xuất khẩu thủy sản khác có mức thuế thấp hơn đáng kể như Ecuador (10%), Ấn Độ (26%), Indonesia (32%) hay Thái Lan (36%). Điều này khiến thủy sản Việt dễ bị lép vế ngay tại thị trường Mỹ – vốn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành.
Hiện mỗi năm, Mỹ chi khoảng 2 tỷ USD để nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Đặc biệt, Mỹ đang là thị trường số 1 của các mặt hàng chủ lực như tôm và cá ngừ, đồng thời đứng thứ hai về nhập khẩu cá tra từ Việt Nam.
Có hơn 400 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang xuất khẩu sang Mỹ hoặc có kế hoạch giao hàng trong năm 2025. Trong số đó, khoảng 70% sản phẩm là thủy sản nuôi trồng – như tôm, cá tra, nhuyễn thể – gắn trực tiếp với sinh kế của hàng trăm nghìn hộ nông dân tại các vùng đồng bằng, ven biển. Phần còn lại là hải sản khai thác, vốn là nguồn thu nhập chính của hàng trăm nghìn ngư dân trên cả nước.

Trước những rủi ro lớn đang cận kề, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) kêu gọi Chính phủ khẩn trương vào cuộc. VASEP đề nghị Thủ tướng và các Bộ, ngành liên quan nhanh chóng tiến hành đàm phán với phía Mỹ nhằm xác định rõ mốc thời gian áp dụng chính sách thuế mới, đồng thời kiến nghị điều chỉnh mức thuế về ngưỡng hợp lý hơn.
VASEP cũng kỳ vọng Mỹ có thể cân nhắc không áp đồng loạt thuế 46% cho toàn bộ mặt hàng thủy sản, mà thay vào đó phân loại và áp dụng mức thuế khác nhau tùy theo từng nhóm sản phẩm cụ thể.
Đáp lại, Việt Nam có thể chủ động đề xuất giảm thuế nhập khẩu thủy sản từ Mỹ xuống 0%, đặc biệt là với các mặt hàng có sản lượng nhập khẩu còn hạn chế như tôm và cá ngừ – tạo cơ hội để hai bên cân bằng lợi ích và duy trì quan hệ thương mại bền vững.
Nguồn: Báo đầu tư