(FDI Việt Nam) – Đến năm 2035, quy mô phát triển điện gió ngoài khơi đạt 17.000 MW, chia thành 3 trung tâm điện gió ngoài khơi là Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ.
Bộ Công Thương vừa có văn bản giải trình liên quan đến các chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn về việc hoàn thiện nội dung điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.
Theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, cần nghiên cứu việc hình thành các trung tâm điện gió ngoài khơi và tiến hành rà soát lại danh mục các dự án liên quan. Trong đó, ưu tiên xem xét bổ sung những dự án có nhà đầu tư cam kết triển khai ngay trong nửa đầu năm hoặc chậm nhất đến tháng 9/2025.
Các dự án cần đảm bảo nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Đồng thời, hạn chế đưa vào quy hoạch những dự án mang tính dự phòng, thiếu tính khả thi về tiến độ và thời gian triển khai.

Theo Bộ Công Thương, việc điều chỉnh Quy hoạch điện VIII đã tính toán và xác định danh mục các dự án điện gió ngoài khơi (ĐGNK) trên phạm vi toàn quốc, với mục tiêu hình thành các trung tâm điện gió ngoài khơi tại những khu vực có tiềm năng phát triển. Mục tiêu đến năm 2035 là đạt tổng công suất 17.000 MW. Cụ thể:
Khu vực Bắc Bộ: tổng công suất 11.200 MW, trong đó Hải Phòng dự kiến tiếp nhận 7.200 MW và Quảng Ninh 4.000 MW.
Khu vực Nam Trung Bộ: tổng công suất 4.300 MW, với điểm đấu nối tại Bình Thuận.
Khu vực Nam Bộ: tổng công suất 1.500 MW, dự kiến đấu nối tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre và Trà Vinh.
Bên cạnh đó, các địa phương đã đề xuất phát triển 61 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất lên tới 122.310 MW. Trong số này, có 48 dự án (67.610 MW) dự kiến vận hành trong giai đoạn 2026–2030, phần còn lại đăng ký đưa vào khai thác sau năm 2030.
“Các dự án điện gió ngoài khơi kiến nghị đưa vào quy hoạch mới dừng ở mức khảo sát sơ bộ và đề xuất đầu tư, chưa có các cam kết thực hiện. Để đánh giá tính khả thi và khả năng triển khai ngay của các dự án cần có đủ thông tin về khung giá, kết quả khảo sát ý kiến quan tâm của nhà đầu tư sau khi nghiên cứu hướng dẫn về trình tự, thủ tục đầu tư phát triển dự án theo Luật Điện lực”, Bộ Công thương nêu.
Theo quy định của Luật Điện lực, Thủ tướng Chính phủ giao các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ triển khai các dự án điện gió ngoài khơi (ĐGNK). Thường trực Chính phủ cũng đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đóng vai trò đầu mối, chủ động thúc đẩy phát triển các dự án điện gió nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng.

Bộ Công Thương đánh giá, EVN và PVN có đủ năng lực để triển khai sớm các dự án điện gió ngoài khơi sau khi Quy hoạch điện VIII điều chỉnh được phê duyệt, nếu có cơ chế phù hợp.
Trong giai đoạn quy hoạch, chưa xác định nhà đầu tư cụ thể. Việc xác định công suất dự án chủ yếu dựa trên đề xuất từ các doanh nghiệp và địa phương. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ do các cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư và đấu thầu.
Theo Nghị định 58/2025 hướng dẫn thi hành Luật Điện lực sửa đổi, Chính phủ cho phép doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án điện gió ngoài khơi (ĐGNK). Tuy nhiên, các doanh nghiệp này phải đáp ứng điều kiện có kinh nghiệm thực hiện ít nhất một dự án điện gió ngoài khới trước đó.
Doanh nghiệp nước ngoài có thể tham gia theo hai hình thức: đầu tư trực tiếp hoặc góp vốn tối thiểu 15% tổng mức đầu tư của dự án. Trong trường hợp góp vốn, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên phần vốn góp phải đạt tối thiểu 20%. Nếu không tham gia góp vốn, doanh nghiệp phải có kinh nghiệm trong một trong các lĩnh vực như quản lý dự án, thiết kế hoặc thi công xây dựng.
Đối với các liên danh nhà đầu tư, yêu cầu về kinh nghiệm sẽ được xét trên tổng kinh nghiệm của tất cả thành viên trong liên danh.
Nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia dự án điện gió ngoài khơi (ĐGNK) tại Việt Nam phải cam kết sử dụng nhân lực, hàng hóa và dịch vụ từ các nhà cung cấp trong nước, trên nguyên tắc đảm bảo cạnh tranh về giá, chất lượng và tiến độ.
Ngoài ra, mỗi dự án điện gió ngoài khơi triển khai tại Việt Nam bắt buộc phải có doanh nghiệp trong nước góp ít nhất 5% vốn điều lệ. Doanh nghiệp nội địa này phải là công ty nhà nước hoặc có trên 50% vốn nhà nước, đồng thời đã từng tham gia đầu tư ít nhất một dự án năng lượng đang vận hành ở Việt Nam hoặc quốc tế.
Theo ước tính từ các chuyên gia, chi phí đầu tư cho một dự án công suất 3.500 MW có thể vượt 10 tỷ USD. Việc hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài được xem là giải pháp giảm thiểu rủi ro trong giai đoạn thí điểm.
Cũng theo Nghị định 58/2025, điện gió ngoài khơi được áp dụng cơ chế bao tiêu sản phẩm ở mức 80% sản lượng điện, kéo dài tối đa 15 năm đối với các dự án bán điện lên lưới điện quốc gia.
Nguồn: Báo xây dựng