Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, ông Vinnie Lauria – nhà sáng lập quỹ đầu tư Golden Gate Ventures – vẫn giữ cái nhìn lạc quan về dòng vốn FDI vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu, nhiều người lo ngại vốn FDI vào lĩnh vực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tại buổi họp báo về Diễn đàn Đầu tư Đổi mới Sáng tạo Việt Nam 2025 (VIPC Summit 2025), ông Vinnie Lauria – Thành viên Hội đồng Tổ chức Phát triển Đầu tư Vốn Tư nhân (VPCA), Nhà sáng lập Quỹ Golden Gate Ventures – nhận định rằng vốn FDI cho hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự kiện này và vẫn duy trì sự ổn định, thậm chí có tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới.

Ông Lauria cho rằng, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc không phải là điều mới, nhưng Việt Nam đang có lợi thế chiến lược trong bối cảnh này và có thể thu hút thêm dòng vốn FDI – vốn đầu tư từ quốc tế. Ông dự báo nhiều startup Việt Nam sẽ nổi lên nhờ môi trường đầu tư thuận lợi, đồng thời cam kết sẽ dành 1/3 nguồn vốn đầu tư của Golden Gate Ventures cho thị trường Việt Nam trong giai đoạn tới.
Chia sẻ quan điểm trên, ông Vũ Quốc Huy – Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) – nhấn mạnh, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục hút vốn FDI vào lĩnh vực khởi nghiệp, từ môi trường kinh tế – chính trị ổn định đến nguồn nhân lực trẻ, năng động và chất lượng cao.

Theo Báo cáo Đầu tư công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024, gần 100 quỹ đầu tư đã tham gia rót vốn vào các công ty khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam. Đáng chú ý, các nhà đầu tư đến từ Singapore là nhóm hoạt động sôi nổi nhất, với tổng số vốn lên tới 529 triệu USD – dù giảm 17% so với năm 2023.
Tuy nhiên, so với mức sụt giảm trung bình 35% của dòng vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu, mức giảm nhẹ của Việt Nam cho thấy thị trường vẫn đang giữ được sự ổn định và sức hấp dẫn trong bối cảnh nhiều biến động toàn cầu.
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang tập trung thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, các chính sách ưu đãi và hỗ trợ dành cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ chiến lược đang được Quốc hội và Chính phủ triển khai khẩn trương thông qua các quy định pháp luật liên quan đến tài chính và hợp tác công tư. Việc hoàn thiện khung pháp lý là một bước đi quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Trong tinh thần triển khai chủ trương lớn về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, Diễn đàn VIPC Summit 2025 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp cùng Tổ chức Phát triển đầu tư vốn tư nhân (VPCA) tổ chức vào ngày 22/4 tới đây chính là hành động cụ thể, thể hiện sự chủ động và quyết tâm của Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn FDI và tạo dựng môi trường đầu tư bền vững cho các doanh nghiệp công nghệ.
Một trong những yêu cầu được Nghị quyết 57 đặt ra là cần thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt khuyến khích nguồn vốn đầu tư tư nhân.
Ông Vũ Quốc Huy cho biết để thực hiện hóa được định hướng này, một trong những yếu tố mang tính quyết định là thu hút nguồn lực đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư tư nhân. Vì vậy, chủ đề của diễn đàn lần này được lựa chọn là “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khơi thông nguồn vốn tư nhân, đưa Việt Nam vào kỷ nguyên vươn mình”.