(FDI Việt Nam) – Ngành thủy sản Việt Nam đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn trong năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng 4,35% và kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 11 tỷ USD.
Ổn định sản xuất từ đa dạng hóa sản phẩm trong ngành thủy sản
Tôm và cá tra tiếp tục giữ vai trò là hai ngành hàng chủ lực trong ngành thủy sản Việt Nam. Trong quý I/2025, xuất khẩu tôm ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 37,8% về kim ngạch, trong khi cá tra duy trì đà tăng trưởng ổn định, khẳng định vị thế vững chắc trên thị trường quốc tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến, sản lượng tôm hiện đạt khoảng 1,3 triệu tấn mỗi năm, mang lại kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,3 tỷ USD. Trong khi đó, cá tra đạt sản lượng khoảng 1,65 triệu tấn, với giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD. Những con số này cho thấy sức mạnh của hai ngành hàng chủ lực, nhưng cũng đặt ra bài toán về việc khai thác “kịch trần” năng suất.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư, cho biết việc duy trì ổn định nguồn nguyên liệu là yếu tố then chốt để đảm bảo chuỗi cung ứng ngành thủy sản vận hành hiệu quả. Với đặc thù thời gian nuôi dài – tối thiểu 3 tháng đối với tôm và 7-8 tháng với các loài khác – bất kỳ biến động nào trên thị trường đều có thể ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch sản xuất.
Việc Mỹ – thị trường tiêu thụ 18-20% kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam – thông báo áp thuế đối ứng đã khiến nhiều hộ nuôi và doanh nghiệp lo lắng, dẫn tới hiện tượng thu hoạch sớm ở một số địa phương. Trước tình hình này, Cục Thủy sản và Kiểm ngư đã nhanh chóng ra văn bản khuyến cáo người dân không nên thu hoạch ồ ạt hoặc tạm ngưng thả giống để giữ ổn định sản xuất. Đồng thời, Cục cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng thủy sản không bị đứt gãy, từ đó giúp ngành thủy sản ứng phó linh hoạt và duy trì đà tăng trưởng.
Mặc dù tôm và cá tra đang đóng vai trò chủ lực trong ngành thủy sản Việt Nam với giá trị xuất khẩu cao, nhưng việc phụ thuộc quá lớn vào hai loài này đang bộc lộ những rủi ro nhất định – từ biến động thị trường đến nguy cơ dịch bệnh. Theo ông Trần Đình Luân, để đảm bảo đạt mục tiêu tăng trưởng 4,35% trong năm 2025, ngành thủy sản cần đẩy mạnh đa dạng hóa đối tượng nuôi, hướng đến các loài mới có tiềm năng như cá rô phi, lươn, nghêu, sò, hàu, rong biển, bào ngư và hải sâm.
Những loài thủy sản này không chỉ phù hợp với điều kiện sinh thái ở nhiều vùng miền mà còn có giá trị kinh tế cao và khả năng cạnh tranh tốt trên thị trường quốc tế. Chẳng hạn, cá rô phi đang dần trở thành đối tượng nuôi nổi bật tại miền Bắc nhờ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tăng mạnh. Các mô hình nuôi ghép như cá – nhuyễn thể – rong biển cũng đang chứng minh tính hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí, giảm phát thải và góp phần bảo vệ hệ sinh thái biển.
Cục Thủy sản và Kiểm ngư dự kiến trong quý II/2025 sẽ phối hợp cùng các đơn vị chuyên môn để xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi cải tiến. Mục tiêu là giảm hệ số chuyển đổi thức ăn, nâng cao tỷ lệ sống và tối ưu hóa chi phí sản xuất, từ đó tạo đột phá trong phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam.
Bám đuổi mục tiêu gỡ “thẻ vàng” IUU và phát triển thị trường
Quý I/2025, ngành thủy sản Việt Nam ghi nhận kết quả tích cực với tổng sản lượng đạt gần 2 triệu tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt hơn 1,1 triệu tấn (tăng 5,1%) và khai thác đạt gần 880.000 tấn (tăng nhẹ 0,1%). Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,29 tỷ USD, tăng mạnh 18,1%, phản ánh nhu cầu thị trường toàn cầu phục hồi tích cực.
Dù vậy, để duy trì đà tăng trưởng và đạt mục tiêu cả năm, ngành thủy sản cần tiếp tục đa dạng hóa đối tượng nuôi, giảm phụ thuộc vào hai loài chủ lực là tôm và cá tra. Bên cạnh đó, việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và kiên quyết phòng chống khai thác IUU là nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang nỗ lực gỡ bỏ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC).

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư ngày 10/4/2024, duy trì chế độ báo cáo hàng tháng, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác. Cục Thủy sản và Kiểm ngư cũng đang tích cực phối hợp với Vụ Pháp chế để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, rà soát và điều chỉnh các thông tư, nghị định và quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo tuân thủ các tiêu chí mà EC đề ra trong quá trình đánh giá và tháo gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam.
Theo Quy hoạch Bảo vệ và Khai thác nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2021-2030, việc bảo vệ các khu vực bãi đẻ và bãi con non của thủy sản là một trong những ưu tiên quan trọng. Cục Thủy sản và Kiểm ngư dự kiến sẽ đề xuất Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo các địa phương áp dụng lệnh cấm khai thác tại những khu vực này trong thời gian tới. Ông Trần Đình Luân nhấn mạnh rằng, ngành thủy sản sẽ chỉ đạt được hiệu quả và tính bền vững lâu dài khi chuyển từ khai thác bừa bãi sang bảo vệ nghiêm ngặt các khu vực sinh sản của thủy sản.
Để thúc đẩy sự phát triển bền vững, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đã đề xuất các giải pháp chiến lược như mở rộng đối tượng nuôi, phát triển các sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng và tăng cường xúc tiến thương mại tại các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi và Đông Nam Á. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế.
Đầu tư vào công nghệ nuôi thâm canh, siêu thâm canh, công nghệ tuần hoàn và tiết kiệm năng lượng sẽ giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm thủy sản. Ngoài ra, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phòng trị bệnh và phát triển các sàn giao dịch thương mại điện tử cho sản phẩm thủy sản cũng được xem là những hướng đi tiềm năng cho ngành.
Các mô hình nuôi hữu cơ, sinh thái và kinh tế tuần hoàn cần được nhân rộng để giảm thiểu phát thải khí nhà kính và bảo vệ hệ sinh thái biển. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống, thức ăn và hóa chất trong nuôi trồng thủy sản cũng là yếu tố quyết định để duy trì chất lượng sản phẩm.
Để hỗ trợ ngư dân chuyển từ khai thác sang nuôi trồng, Chính phủ cần tiếp tục duy trì các gói tín dụng ưu đãi và các chính sách hỗ trợ cụ thể. Việc xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp sẽ không chỉ đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm mà còn nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thủy sản Việt Nam.
Nguồn: Báo chính phủ