(FDI Việt Nam) – Nhà ở xã hội là “cứu cánh” của người thu nhập thấp. Tuy nhiên, để có được suất mua, họ có thể sẽ phải cạnh tranh với những người đi ô tô, ở biệt thự, thậm chí là người quen của chủ đầu tư.
Khi việc cạnh tranh suất mua nhà ở xã hội không cân bằng
Trong khi nhiều chung cư cũ đã xuống cấp, bong tróc tường, tróc sơn nhưng vẫn được rao bán với giá lên tới 50 triệu đồng/m², thì tại các dự án mới, phân khúc khách hàng mục tiêu cũng không còn dành cho người lao động phổ thông.
Trong bối cảnh giá nhà đất liên tục leo thang, nhà ở xã hội với mức giá dao động từ 18 – 25 triệu đồng/m² được xem là “cứu cánh” cho người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, giấc mơ sở hữu một căn nhà ở xã hội cũng không dễ dàng hiện thực hóa.
Nguồn cung hạn chế, trong khi nhu cầu ngày càng lớn khiến cuộc cạnh tranh để mua nhà ở xã hội trở nên khốc liệt – đặc biệt tại các dự án nằm trong nội thành. Đơn cử, khi dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (Nam Từ Liêm) mở bán vào năm 2023, chỉ có 1 trong 9 người đăng ký đủ điều kiện mua được nhà.

Cạnh tranh suất mua nhà ở xã hội đã không dễ, nhưng nếu có tiêu cực xảy ra, thì cơ hội sẽ càng thu hẹp. Khi tham gia các hội, nhóm trên mạng xã hội, phóng viên Báo Đầu tư chứng kiến những người đi ô tô, đã sở hữu nhà, thậm chí cả doanh nghiệp, vẫn lên mạng hỏi cách mua nhà ở xã hội. Có người còn “vô tư” hỏi về lợi suất khi “đầu tư” phân khúc này.
Năm 2016, dư luận có một phen xôn xao khi bố của tổng giám đốc doanh nghiệp B. lọt vào danh sách khách hàng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội tại khu Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội). Chưa hết, doanh nghiệp B. chính là chủ đầu tư của dự án nhà ở xã hội này và đã chấm điểm hồ sơ cho bố của tổng giám đốc đạt 96/100 điểm. Ngoài ra, còn có 2 người khác cũng thuộc diện “người nhà” của ban lãnh đạo công ty B. được xét duyệt mua nhà ở xã hội.
Hy vọng, kịch bản “người nhà” giám đốc được mua nhà ở xã hội sẽ không lặp lại ở những dự án được mở bán trong thời gian tới, người ở biệt thự sẽ không còn đi “tranh suất” mua nhà ở xã hội với người nghèo.
Liệu có bàn tay “thao túng” phía sau?
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, giám đốc một công ty bất động sản cho biết, trong quá trình phân phối nhà ở xã hội, chủ đầu tư có thể tận dụng một số kẽ hở để giữ lại một lượng căn hộ nhất định.
Cụ thể, theo quy định hiện hành, có 5 nhóm đối tượng được ưu tiên không phải bốc thăm khi mua nhà ở xã hội, bao gồm: người có công với cách mạng; thân nhân liệt sĩ; người khuyết tật; người được bố trí tái định cư theo hình thức mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội; và phụ nữ.
Tỷ lệ căn hộ dành cho nhóm đối tượng ưu tiên được xác định bằng công thức: tỷ lệ giữa tổng số hồ sơ của 5 nhóm đối tượng ưu tiên trên tổng số hồ sơ đăng ký nhân với tổng số căn hộ tại dự án.
“Chủ đầu tư có thể lợi dụng quy định này để nắm chắc trong tay một số căn nhất định nhằm bán cho người nhà, người quen”, vị giám đốc trên tiết lộ.
Trong một sự kiện về nhà ở xã hội, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia đặt vấn đề: “Liệu có nên áp dụng một mức giá trần đối với các dự án nhà ở xã hội? Mặc dù đã đưa ra định mức lợi nhuận 10%, nhưng trên thực tế, rất khó để xác định khi nào doanh nghiệp vượt qua con số này”.
Sắp tới, tại Hà Nội, nhiều dự án nhà ở xã hội sẽ được mở bán. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, có 2 dự án thực sự thu hút công chúng và nhiều khả năng sẽ nhận trên 1.000 hồ sơ đăng ký.

Đó là Dự án Rice City Long Châu (quận Long Biên) của liên danh Công ty cổ phần Him Lam Thủ đô – Công ty cổ phần BIC Việt Nam và Dự án N01 Hạ Đình của liên danh Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) – Công ty cổ phần Xây dựng lắp máy điện nước Hà Nội (Haweicco) – Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển nhà DAC Hà Nội.
Cả 2 dự án trên đều là dự án nhà ở xã hội hiếm hoi nằm gần khu vực trung tâm thành phố. Các nhóm môi giới bán suất ngoại giao hoặc mời chào làm hồ sơ cũng tập trung chủ yếu tại 2 dự án này.
Tháng 3/2025, Sở Xây dựng TP. Hà Nội đã có văn bản kiến nghị Công an Thành phố chỉ đạo công an cấp xã tại các địa phương có dự án nhà ở xã hội tăng cường rà soát, xử lý các trường hợp môi giới lợi dụng việc kê khai, nộp hồ sơ mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội trái quy định. Tuy nhiên, đáng chú ý là nội dung liên quan đến việc kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư lại chưa được đề cập cụ thể.
Trong bối cảnh Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội được xem là một chính sách lớn, mang tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước, việc siết chặt khâu xét duyệt hồ sơ, tăng cường hậu kiểm, đảm bảo công khai và minh bạch là yêu cầu cấp thiết.
Chỉ khi các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc và đồng bộ từ khâu đầu vào đến kiểm tra sau phân phối, mới có thể ngăn chặn tình trạng đầu cơ, trục lợi chính sách, qua đó trao lại đúng cơ hội an cư cho những người thực sự cần – đối tượng người lao động thu nhập thấp.
Nguồn: Báo đầu tư