(FDI Việt Nam) – Trên “sân chơi” thương mại điện tử, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Việt Nam đang phải đối mặt với cuộc chiến không cân sức khi bị các “ông lớn” lấn át và gánh nặng chi phí ngày càng gia tăng.

Theo báo cáo thị trường thương mại điện tử quý I/2025 và dự báo quý II/2025 của Metric, ngành bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Trong quý I/2025, tổng doanh số toàn thị trường đạt 101,4 nghìn tỷ đồng, tăng 42,29% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này phần lớn đến từ nhu cầu mua sắm dịp Tết – thời điểm cao trào tiêu dùng trong năm.

thương mại điện tử
Việc các nền tảng thương mại điện tử tăng phí vận hành là một thách thức lớn đối với các SME – Ảnh minh họa.

Dự báo trong quý II (tháng 4 đến tháng 6), thương mại điện tử sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhưng tốc độ dự kiến chỉ khoảng 21% so với quý I. Từ nay đến năm 2026, tốc độ tăng trưởng được kỳ vọng duy trì ở mức hai con số – một tín hiệu tích cực cho ngành.

Tuy nhiên, đằng sau bức tranh tăng trưởng vẫn còn nhiều nỗi lo. Ông Đỗ Hữu Hưng – CEO Accesstrade – cảnh báo rằng dù Việt Nam được kỳ vọng trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ hai Đông Nam Á vào năm 2030 (sau Indonesia), tốc độ tăng trưởng đang có xu hướng chậm lại. Từ mức 35–50% mỗi năm trong giai đoạn trước, hiện nay tốc độ tăng chỉ còn khoảng 21%.

DOANH NGHIỆP LỚN THẮNG ĐẬM, SME CHẬT VẬT TRÊN SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Đáng chú ý, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang chứng kiến sự phân hóa ngày càng rõ nét. Các tập đoàn toàn cầu như Unilever hay Samsung đang chiếm lĩnh thị phần lớn trên các nền tảng như Shopee Mall và TikTok Mall, ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng nhờ sản phẩm chất lượng, thương hiệu mạnh và nguồn lực tài chính dồi dào. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Việt Nam, với hạn chế về vốn và lợi thế cạnh tranh, đang dần bị thu hẹp không gian hoạt động.

Ông Đỗ Hữu Hưng cho biết theo thống kê, có khoảng 38.000 shop nhỏ không có đơn hàng trong năm 2025. “Con số này không quá bất ngờ, bởi mỗi năm đều có lượng shop gặp tình trạng tương tự”, ông Hưng nói. “Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tổng số shop có phát sinh đơn hàng giảm mạnh, từ khoảng 700.000 shop trong các năm trước xuống còn 626.000 shop gần đây”.

Ngoài ra, trong các năm trước, khi có khoảng 40.000 shop không ra đơn hoặc rời bỏ sàn, thị trường lại đón nhận thêm khoảng 50.000-60.000 shop mới gia nhập, để bù đắp lượng shop rời đi. Nhưng hiện nay, trong khi shop nhỏ không phát sinh đơn hàng và rời bỏ thị trường, thì lượng shop mới gia nhập đang có phần chững lại. Điều này cho thấy các doanh nghiệp SME đang gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động trên các sàn thương mại điện tử khi chi phí vận hành trên các sàn tăng cao, tạo ra rào cản lớn.

Ngược lại, các doanh nghiệp có doanh thu trên 10.000 tỷ đồng lại ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ, quy mô doanh thu ngày càng lớn. Điều này phản ánh một thực tế, những doanh nghiệp sở hữu sản phẩm chất lượng, thương hiệu mạnh, đặc biệt là nguồn lực tài chính dồi dào sẽ triển khai hiệu quả hơn trên các sàn. Bởi lẽ, thực tế việc các nền tảng thương mại điện tử tăng phí vận hành là một thách thức lớn đối với các SME, nhưng với các doanh nghiệp lớn, họ sẵn sàng chịu đựng và thậm chí tiếp tục gia tăng ngân sách đầu tư để củng cố vị thế trên sàn.

THÁCH THỨC TỪ CHI PHÍ VÀ SỰ PHỤ THUỘC VÀO NỀN TẢNG NGOẠI

Ông Đỗ Hữu Hưng cho rằng, mối lo lớn hơn nằm ở việc Việt Nam gần như đang đánh mất quyền kiểm soát các kênh phân phối chủ lực trên thương mại điện tử. Hiện tại, hai sàn TMĐT lớn nhất đều do doanh nghiệp nước ngoài sở hữu, trong khi các hệ thống bán lẻ trực tiếp như BigC cũng đã thuộc về nhà đầu tư ngoại. Thực trạng này đặt ra bài toán cấp thiết: Doanh nghiệp Việt cần làm gì để giành lại thế chủ động trong phân phối và tiêu thụ hàng hóa trong nước, đồng thời vươn ra thị trường quốc tế?

“Điều khiến chúng ta lo ngại là làm sao để “kéo” hoạt động thương mại điện tử về lại Việt Nam, để doanh nghiệp Việt có thể chủ động phân phối, tiêu thụ sản phẩm trong nước và vươn ra thị trường quốc tế một cách hiệu quả”, ông Đỗ Hữu Hưng nói. “Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy Trung Quốc không chỉ có 4-5 nền tảng lớn như Taobao, JD, Tmall hay gần đây là Temu – như chúng ta thường nghĩ – mà thực tế họ có đến 250–300 sàn thương mại điện tử khác nhau”.

thương mại điện tử
Phát triển các kênh phân phối độc lập và chuyên biệt, ví dụ như xây dựng website riêng rất quan trọng – Ảnh minh họa.

Theo các chuyên gia, thương mại điện tử thường phát triển qua ba giai đoạn. Giai đoạn đầu là sự bùng nổ của các sàn TMĐT lớn, đóng vai trò then chốt trong việc giáo dục thị trường, hình thành thói quen mua sắm trực tuyến và hỗ trợ người bán tiếp cận khách hàng.

Đến giai đoạn hai, khi các sàn phát triển đến quy mô lớn, chi phí vận hành gia tăng kéo theo việc điều chỉnh phí dịch vụ, khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ khó duy trì hoạt động trên nền tảng.

Từ đây, nhu cầu xây dựng kênh phân phối độc lập bắt đầu hình thành. Nhiều doanh nghiệp chuyển hướng phát triển website riêng hoặc các nền tảng TMĐT chuyên biệt phù hợp hơn với đặc thù sản phẩm và khách hàng mục tiêu. Các mô hình như Nhà thuốc Long Châu hay Thế giới Di Động là minh chứng rõ nét cho xu hướng này – khi người tiêu dùng bắt đầu có thói quen tìm đến kênh trực tuyến riêng của doanh nghiệp để mua sắm thay vì qua các sàn TMĐT trung gian.

Giai đoạn thứ ba là xu hướng tự chủ thương mại điện tử, khi doanh nghiệp không chỉ là người bán trên sàn mà trở thành nhà vận hành nền tảng, tự phát triển hệ sinh thái riêng và tận dụng công nghệ để tạo ra lợi thế cạnh tranh.

HƯỚNG ĐI CHO DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ TRONG CUỘC CHIẾN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

“Bài toán hiện tại của Việt Nam không chỉ là tham gia vào cuộc chơi thương mại điện tử toàn cầu, mà còn phải học hỏi để chuyển dịch mô hình – từ phụ thuộc vào các nền tảng ngoại sang phát triển hạ tầng và nền tảng nội địa mạnh mẽ hơn, cho phép doanh nghiệp Việt bán hàng không chỉ trong nước mà còn mở rộng ra thế giới một cách chủ động, bền vững”, ông Đỗ Hữu Hưng nói.

Dù Shopee, TikTok Shop và các nền tảng thương mại điện tử lớn vẫn giữ vai trò then chốt trong việc giúp doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng và thúc đẩy doanh số, nhưng ông Đỗ Hữu Hưng cho rằng, điều quan trọng là phải xây dựng một chiến lược phát triển đa kênh, cân bằng và linh hoạt hơn. Điều này sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp – đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ – chủ động lựa chọn công cụ phù hợp nhất với sản phẩm, mô hình kinh doanh và thị trường mục tiêu.

thương mại điện tử
Cần phải có một chiến lược phát triển đa dạng và đồng đều hơn đối với các nền tảng thương mại điện tử – Ảnh minh họa. 

Một trong những hướng đi chiến lược được khuyến nghị là phát triển hệ thống website thương mại điện tử độc lập. Khi sở hữu nền tảng bán hàng riêng, doanh nghiệp không chỉ kiểm soát tốt hơn dữ liệu khách hàng, tối ưu vận hành mà còn có thể chủ động triển khai các chiến dịch marketing, tiếp cận thị trường quốc tế, từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào các nền tảng trung gian.

Tuy nhiên, việc phát triển các nền tảng thương mại điện tử nội địa mang tính toàn diện – như một “sàn” do Việt Nam làm chủ – vẫn là một bài toán lớn. Những rào cản từ hạ tầng công nghệ, nguồn lực con người, niềm tin tiêu dùng đến năng lực thích ứng của doanh nghiệp hiện nay là những yếu tố cần được giải quyết đồng bộ. Nếu không có một hệ sinh thái hỗ trợ đủ mạnh, thì việc tạo dựng một nền tảng đủ sức cạnh tranh với các “ông lớn” ngoại sẽ tiếp tục là thách thức kéo dài.

Nguồn: VN Economy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *