(FDI Việt Nam) – Trong khi nhiều doanh nghiệp địa ốc ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng, thì không ít doanh nghiệp, đặc biệt các đơn vị có quy mô nhỏ, vẫn đang đi tìm lời giải cho bài toán lợi nhuận.
LỢI NHUẬN PHÂN CỰC RÕ RỆT TẠI CÁC DOANH NGHIỆP ĐỊA ỐC
Quý I/2025 được kỳ vọng là điểm khởi đầu cho quá trình phục hồi của thị trường bất động sản sau thời gian dài trầm lắng. Tuy nhiên, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp địa ốc cho thấy bức tranh tăng trưởng vẫn phân hóa rõ rệt, đặc biệt là ở nhóm doanh nghiệp lớn.
Tập đoàn Novaland – một trong những “ông lớn” ngành bất động sản – bất ngờ ghi nhận khoản lỗ ròng 476 tỷ đồng trong quý I/2025, sau ba quý liên tiếp báo lãi. Doanh thu trong kỳ của Novaland tăng trưởng đáng kể, đạt 1.778 tỷ đồng, gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2024 (697 tỷ đồng). Dù vậy, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tiếp tục là gánh nặng lớn, làm xói mòn lợi nhuận và đẩy doanh nghiệp vào tình trạng thua lỗ trở lại.
Năm 2025, Novaland xây dựng hai kịch bản kinh doanh tùy thuộc vào tiến độ tháo gỡ các vướng mắc pháp lý liên quan đến dự án. Trong kịch bản lạc quan, doanh nghiệp kỳ vọng doanh thu thuần cả năm đạt khoảng 13.411 tỷ đồng và chỉ lỗ sau thuế 12 tỷ đồng. Ngược lại, nếu tình hình không thuận lợi, kịch bản thận trọng cho thấy doanh thu có thể chỉ đạt 10.453 tỷ đồng và mức lỗ sau thuế có thể lên tới 688 tỷ đồng.
Với kết quả quý I/2025, Novaland hiện mới hoàn thành khoảng 13-17% kế hoạch doanh thu năm và đã lỗ gần 70% so với kịch bản thua lỗ lớn nhất, cho thấy doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong hành trình phục hồi.

Điểm sáng hiếm hoi là hoạt động bàn giao sản phẩm bắt đầu có tín hiệu tích cực, với 256 sản phẩm được bàn giao, đạt 17% kế hoạch năm. Công ty kỳ vọng tình hình sẽ khởi sắc hơn từ quý II/2025, khi các nút thắt pháp lý dần được tháo gỡ.
Là nhà phát triển bất động sản lớn, nhưng quý đầu năm nay, Tập đoàn Hà Đô tiếp tục không ghi nhận khoản thu nào từ hoạt động bất động sản. Doanh thu chủ yếu đến từ các mảng năng lượng, như thủy điện, điện mặt trời và điện gió. Tổng doanh thu thuần hợp nhất giảm 29%, còn 599 tỷ đồng, kéo theo lợi nhuận sau thuế giảm 22%, xuống còn 207 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do không ghi nhận doanh thu bất động sản và phải trích lập chênh lệch giá bán điện tại Dự án Điện mặt trời Hồng Phong 4.
Dù tình hình kinh doanh quý I/2025 đi lùi, Hà Đô vẫn đặt mục tiêu cả năm đạt 2.936 tỷ đồng doanh thu (tăng 8%) và 1.057 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 236% so với năm 2024). Để đạt được mục tiêu này, Công ty cho biết sẽ đẩy mạnh bán hàng tại các dự án hiện có, đặc biệt là Hado Charm Villas dự kiến mở bán trong quý II/2025 với kỳ vọng doanh thu khoảng 3.000 tỷ đồng.

Trái ngược với nhiều doanh nghiệp cùng ngành, Vinhomes có một quý kinh doanh bùng nổ. Doanh thu thuần hợp nhất đạt 15.698 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.652 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với quý I/2024. Động lực chính đến từ hoạt động bàn giao tại các dự án trọng điểm như Vinhomes Royal Island và Ocean Park 2–3. Ngoài ra, doanh số bán hàng trong quý I/2025 đạt 35.000 tỷ đồng, tăng 116% so với cùng kỳ, trong khi doanh số chưa bàn giao đạt tới 120.000 tỷ đồng.
Còn với Công ty Nhà Khang Điền, trong quý vừa qua, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 710 tỷ đồng, tăng trưởng 113% so với cùng kỳ năm 2024. Lợi nhuận gộp của Khang Điền cũng được cải thiện, từ 174 tỷ đồng trong quý I năm ngoái lên 307 tỷ đồng trong quý vừa qua. Sau khi trừ các chi phí và thuế, Khang Điền báo lãi sau thuế 119 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ tăng hơn 92%, lên 122 tỷ đồng.
Mặc dù ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm trước, kết quả kinh doanh quý I/2025 của Khang Điền vẫn còn khá khiêm tốn so với kế hoạch cả năm. Theo kế hoạch đã được thông qua, doanh nghiệp đặt mục tiêu đạt 3.800 tỷ đồng doanh thu và 1.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 16% và 24,4% so với thực hiện năm 2024.
Trong khi đó, Nam Long lại có một quý tăng trưởng bứt phá. Doanh thu quý I/2025 đạt hơn 1.290 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ hoạt động bàn giao sản phẩm tại các dự án Akari (quận Bình Tân, TP.HCM) và Central Lake (Cần Thơ). Lợi nhuận ròng trong kỳ đạt gần 110 tỷ đồng, đảo chiều mạnh so với khoản lỗ 65 tỷ đồng của quý I/2024.
Diễn biến trong quý I/2025 tiếp tục cho thấy thị trường bất động sản đang trải qua quá trình thanh lọc sâu sắc. Những doanh nghiệp có nền tảng pháp lý vững vàng, dòng tiền ổn định và tập trung phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực của thị trường vẫn có khả năng duy trì đà tăng trưởng tích cực.
NHIỀU CƠ HỘI LỚN CHO THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Nam Long, nhận định thị trường bất động sản năm 2025 sẽ đối mặt với nhiều thách thức song cũng chứa đựng không ít cơ hội. Về thách thức, ông nhấn mạnh tình trạng lệch pha cung – cầu giữa các phân khúc, cùng với ảnh hưởng từ căng thẳng địa chính trị kéo dài trên thế giới, có thể gây biến động khó lường trong chính sách và kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, theo ông Quang, thị trường vẫn có nhiều động lực tăng trưởng vững chắc. Nhu cầu nhà ở thực và mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vẫn rất lớn. Chính phủ tích cực thúc đẩy đầu tư công và phát triển hạ tầng, trong khi Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng với lãi suất thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho bất động sản. Đặc biệt, các nút thắt pháp lý dần được tháo gỡ, giúp đẩy nhanh quy trình phê duyệt dự án tại nhiều địa phương, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho thị trường trong năm 2025.

Trong bối cảnh chung của thị trường, Nam Long vẫn duy trì sự tin tưởng vào tiềm năng phát triển mạnh mẽ của bất động sản Việt Nam trong năm 2025, dựa trên nền tảng nhu cầu nhà ở thực tế cùng các động lực tăng trưởng đang từng bước được khai thông.
Cùng quan điểm đó, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Novaland, đánh giá năm 2025 sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn nhìn nhận thị trường phải đối mặt với không ít thách thức, xuất phát từ các yếu tố như bất ổn kinh tế vĩ mô, quá trình cải cách thể chế còn nhiều điểm trễ trong triển khai các luật mới, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, cùng những vấn đề liên quan đến hạ tầng và quy hoạch.
Riêng đối với Novaland, năm 2025 được xem là bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của tập đoàn thông qua chiến lược mở rộng sang phân khúc nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình. Hiện Novaland đang xin chủ trương chuyển đổi gần 50 ha tại khu Cảng Phú Định (quận 8, TP.HCM) và gần 10 ha tại khu Quán Tre (quận 12, TP.HCM) sang mục đích phát triển nhà ở xã hội và nhà ở dành cho người thu nhập trung bình.
Ông Bùi Thành Nhơn cho biết, mặc dù chiến lược này có thể không tạo ra lợi nhuận đột phá ngay lập tức, nhưng sẽ mang lại sự ổn định bền vững nhờ dòng tiền ổn định và đồng thời phù hợp với định hướng phát triển nhà ở quốc gia.
Nguồn: Báo Đầu tư