(FDI Việt Nam) – Giữa “bão” thuế quan, chủ đầu tư khu công nghiệp Việt Nam linh hoạt điều chỉnh chiến lược, đa dạng hóa khách thuê, nâng cao dịch vụ, chờ đợi tín hiệu tích cực từ các thỏa thuận thương mại.

KHÁCH THUÊ TĂNG TRỞ LẠI
“Hai tuần đầu khi Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng, chúng tôi ghi nhận sự chững lại trong các quyết định đầu tư từ phía nhà đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp của Frasers. Nhưng sau đó, nhu cầu thuê kho xưởng và mặt bằng sản xuất đã tăng trở lại”. Ông Trương An Dương, Giám đốc điều hành Khối bất động sản công nghiệp và nhà ở Frasers Property Vietnam chia sẻ, sau hơn 1 tháng Mỹ tuyên bố sẽ áp mức thuế đối ứng cao với Việt Nam.
Ông Dương nhận định rằng thuế đối ứng từ Mỹ đang tạo ra những xáo trộn lớn cho thương mại toàn cầu và chuỗi cung ứng quốc tế. Các biện pháp này trực tiếp làm suy giảm năng lực xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, gây khó khăn không chỉ cho doanh nghiệp sản xuất trong nước mà còn làm chững lại quyết định đầu tư vào Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ của các nhà đầu tư nước ngoài.
Mặc dù vậy, ông cũng chỉ ra rằng nếu Việt Nam đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ với mức thuế phù hợp, đây sẽ là cơ hội vàng để phát huy lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác trong khu vực, từ đó thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
“Chúng tôi ghi nhận tốc độ gia tăng nhẹ về nhu cầu thuê diện tích sản xuất tại các khu công nghiệp của Frasers trong khoảng 2 tuần trở lại đây. Chúng tôi sẽ theo dõi lý do của sự chuyển biến tích cực này và không loại trừ khả năng mang tính ngắn hạn nhằm đáp ứng nhịp sản xuất hiện tại của thị trường”, ông Trương An Dương cho hay.
Ông Dương bày tỏ sự lạc quan rằng những tiến triển thuận lợi trong các thỏa thuận thương mại sẽ tạo động lực lớn hơn, tác động rõ nét hơn đến sự phát triển của hoạt động sản xuất và đầu tư.
Cùng quan điểm, báo cáo kinh tế – xã hội tháng 4/2025 của Chi cục Thống kê TP.HCM ghi nhận sự tăng trưởng liên tục của sản xuất công nghiệp tại Thành phố. Các doanh nghiệp chủ động đẩy nhanh sản xuất trước thời hạn giao hàng 90 ngày để giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn về chi phí và thuế quan. Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4/2025 ước tính tăng 6,6% so với tháng trước và tăng đáng kể 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, IIP của TP.HCM đã tăng 7,9% so với cùng kỳ, đánh dấu mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 4 năm qua.

Về phía các doanh nghiệp khu công nghiệp, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG, cho biết công ty đã tiến hành đánh giá lại cơ cấu nhà đầu tư tại các khu công nghiệp do đơn vị quản lý. Kết quả cho thấy, tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ của các doanh nghiệp này dao động từ 10% đến 20%. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đang tích cực thực hiện chiến lược đa dạng hóa thị trường tiêu thụ để giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất.
“Theo thông tin ghi nhận từ các buổi trao đổi, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp vẫn ổn định, thể hiện qua mức tiêu thụ điện và nước vẫn duy trì và tăng trưởng nhẹ trong quý I/2025. Phần lớn nhà đầu tư tại các khu công nghiệp là những công ty có quy mô lớn và thị trường toàn cầu, nhờ đó có khả năng thích ứng trước các biến động về chính sách thuế”, ông Hùng đánh giá.
Ông Hùng cho biết thêm, hiện có 15 khách hàng tiến hành ký kết các thỏa thuận với Sài Gòn VRG, vì vậy, Công ty kỳ vọng sẽ đạt kế hoạch của năm 2025. Tại thời điểm Mỹ công bố chính sách thuế mới, có 2 khách hàng đang tiến hành đàm phán với Công ty có ý định ngưng thỏa thuận thuê đất, song nay đã quay lại đàm phán và ký hợp đồng với Công ty.
Còn tại Khu công nghiệp Long Hậu, có khoảng 22% doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng ở mức độ khác nhau, trong đó 12% chịu tác động trực tiếp và 10% chịu ảnh hưởng gián tiếp qua chuỗi cung ứng.
Điểm sáng đáng chú ý là không có doanh nghiệp nào trong Khu công nghiệp Long Hậu đánh giá tình hình hiện tại là “khủng hoảng”, mà thay vào đó là trạng thái thận trọng, đánh giá lại chiến lược và chờ tín hiệu rõ ràng hơn từ chính sách thuế quan mới và thị trường tiêu dùng.
CHỦ ĐẦU TƯ KHU CÔNG NGHIỆP CHỦ ĐỘNG ĐA DẠNG HÓA KHÁCH THUÊ
Theo ông Trương Khắc Nguyên Minh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Prodezi Long An, trước chính sách thuế đối ứng của Mỹ, các nhà đầu tư FDI đang trong giai đoạn ra quyết định đầu tư đã chững lại. Đặc biệt, các dự án có liên kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng từ Trung Quốc hoặc phụ thuộc lớn vào thị trường đầu ra như Mỹ là nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Các nhà đầu tư còn lại thể hiện xu hướng thận trọng hơn. Họ chủ động tái cấu trúc danh mục đầu tư, tìm kiếm các địa điểm an toàn và linh hoạt hơn để ứng phó với rủi ro địa chính trị và biến động thương mại.
Do vậy, với Prodezi Long An, công ty xác định rõ định hướng ngay từ đầu là tập trung vào chiến lược phát triển bền vững và tạo giá trị cộng thêm. Chẳng hạn, đa dạng hóa nhóm khách hàng – đối tác mục tiêu, hướng tới sự cân bằng giữa các dòng vốn đến từ Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc và ASEAN, nhằm giảm thiểu rủi ro phụ thuộc.
“Chúng tôi phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái, tích hợp tiêu chuẩn ESG và nguyên tắc kinh tế tuần hoàn để tạo ra không gian sản xuất hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Đồng thời tăng cường hỗ trợ đầu tư, nâng cao trải nghiệm của khách thuê từ hạ tầng số, logistics nội khu, dịch vụ một cửa, đến hỗ trợ thu hút nguồn nhân lực”, ông Minh chia sẻ.
Công ty cổ phần Long Hậu, chủ đầu tư Khu công nghiệp Long Hậu, nhận định rằng hoạt động cho thuê đất và nhà xưởng xây sẵn trong quý II và quý III có thể diễn ra chậm hơn so với dự kiến. Các doanh nghiệp thuê có xu hướng ưu tiên gia hạn hợp đồng ngắn hạn (thường là 1 năm) thay vì các kỳ hạn dài 3-5 năm như trước đây, hoặc lựa chọn thuê thử để đánh giá trước khi đưa ra quyết định thuê dài hạn.
Điều này cho thấy, các doanh nghiệp đang thận trọng hơn trước những tác động tiềm ẩn từ “bão” thuế quan, thể hiện ở việc kéo dài thời gian cân nhắc trước khi đưa ra quyết định đầu tư, chứ không hoàn toàn dừng lại. Mặc dù bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn và thách thức chung, các chủ đầu tư khu công nghiệp vẫn duy trì tinh thần chủ động, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đang hoạt động ổn định và chuẩn bị sẵn sàng đón nhận làn sóng dịch chuyển sản xuất có thể xảy ra.
Nguồn: Báo Đầu tư