Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định 1747/QĐ-TTg phê duyệt, trong đó xác định phát triển du lịch toàn diện cả về phạm vi, quy mô, chất lượng nhân lực và dịch vụ, đa dạng hóa chuỗi sản phẩm du lịch, kết cấu hạ tầng du lịch hiện đại, đồng bộ ở tầm quốc tế.

 Đắk Lắk
Theo quy hoạch vừa được phê duyệt, Đắk Lắk sẽ tổ chức các hoạt động kinh tế – xã hội theo cấu trúc không gian “một trọng điểm – ba cực – ba hành lang – ba tiểu vùng”.

Phương châm phát triển du lịch Đắk Lắk là “ba quốc gia, một điểm đến”. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chất lượng cao và bền vững, tạo động lực cho sự phát triển của các ngành liên quan dựa trên nền tảng của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia.

Buôn Ma Thuột là một cực phát triển của vùng Tây Nguyên

Bám sát với định hướng phát triển của quốc gia và định hướng phát triển vùng Tây Nguyên tại Nghị quyết số 23/NQ-TW, trên cơ sở các nền tảng đặc trưng của tỉnh Đắk Lắk, Quy hoạch tỉnh đã xây dựng triết lý và mô hình phát triển, từ đó xây dựng tầm nhìn đến năm 2050 và xác định các quan điểm, đột phá và nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021-2030.

Người dân Đắk Lắk Văn minh – Thân thiện – Hội nhập, có đời sống khá giả, thụ hưởng môi trường sống xanh, sạch, hòa mình vào thiên nhiên và đời sống văn hóa tinh thần phong phú trong không gian sáng tạo đặc trưng Tây Nguyên…

Quy hoạch nêu rõ mục tiêu tổng quát, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân đạt mức trung bình khá của cả nước, trên cơ sở: phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; bản sắc văn hóa các dân tộc; Đắk Lắk trở thành điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế; Buôn Ma Thuột là một cực phát triển của vùng Tây Nguyên, hội nhập và liên kết theo hướng mở với khu vực và quốc tế.

Tiếp tục duy trì tốc độ đầu tư tích lũy cao cho nền kinh tế; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, tăng tính bền vững trong phát triển; đổi mới mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nâng cao rõ rệt chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và y tế, văn hóa, thể dục thể thao. Kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Viện Chiến lược phát triển là đơn vị đứng đầu liên danh tư vấn lập Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk. Liên danh tư vấn gồm Viện Chiến lược phát triển, Trung tâm Tư vấn phát triển kinh tế, Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 11%/năm

Đắk Lắk phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm thời kỳ 2021 – 2030 là 11%/năm.

+ Cơ cấu kinh tế: Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 20,6%, khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 39,5%, khu vực dịch vụ chiếm 35%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,9%.

+ Tỷ trọng kinh tế số đạt 20%.

+ GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 131 triệu đồng

+ Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 47%.

+ Giảm tỷ lệ hộ nghèo (đa chiều) hàng năm 1,5% – 2%; hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 3% – 4%/năm trong cả thời kỳ 2021 – 2030.

+ Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 0,81%.

+ Giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn 2% – 3%.

+ Nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25% – 30%.

+ 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Hình thành các dải xanh, vành đai xanh, các mảng không gian xanh

Về tổ chức không gian phát triển, Đắk Lắk định hướng phát triển hệ thống đô thị theo mô hình “Ba cực, đa trung tâm”, chức năng chia sẻ, kết nối thông suốt, hình thành các dải xanh, vành đai xanh, các mảng không gian xanh giữa các đô thị.

Theo đó, phát triển TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, phát triển theo hướng xanh, sinh thái, thông minh, mang bản sắc riêng. Phát triển thị xã Buôn Hồ: là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch vùng phía Bắc của Tỉnh. Phát triển thị xã Ea Kar: là đô thị trung tâm tiểu vùng phía Đông của Tỉnh, là đô thị động lực thứ ba sau TP. Buôn Ma Thuột và thị xã Buôn Hồ, là hạt nhân thu hút nguồn lực xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế – xã hội của tiểu vùng và của Tỉnh.

Đối với ngành nông nghiệp, Đắk Lắk sẽ xây dựng chương trình nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh, triển khai thực hiện các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái.

Duy trì và mở rộng các làng nghề truyền thống hoa, cây cảnh, dệt thổ cẩm, đan lát gắn với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững; phát triển và bảo vệ thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Đắk Lắk; phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô lớn theo hướng xanh, tuần hoàn.

Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng; phát triển kinh tế rừng. Tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, bán tín chỉ cacbon.

Phát triển công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Trong đó, tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp, phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến sâu nông lâm thủy sản, công nghiệp sản xuất năng lượng tái tạo quy mô lớn. Đa dạng hóa các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp phụ trợ. Huy động các nguồn lực để phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Phát triển thương mại theo hướng hiện đại, mở rộng hoạt động thương mại, liên kết thị trường trong và ngoài nước; chú trọng đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng thương mại điện tử.

Phát triển dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, phát huy các lợi thế so sánh, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và mang lại thu nhập cao cho người lao động. Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ phục vụ cho phát triển thương mại, trong đó tập trung vào dịch vụ logistics, xúc tiến thương mại, dịch vụ khoa học công nghệ, dịch vụ tài chính ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ kinh tế ban đêm…

Thành phố Buôn Ma Thuột trở thành địa bàn trung tâm xuất, nhập khẩu nông sản quy mô lớn (đặc biệt là cà phê) kết nối chặt chẽ với các cảng biển khu vực ven biển miền Trung, Đông Nam Bộ; tham gia sâu vào chuỗi, mạng lưới phân phối hàng hóa nông sản quốc tế.

Một trọng điểm – ba cực – ba hành lang – ba tiểu vùng

Theo quy hoạch vừa được phê duyệt, Đắk Lắk sẽ tổ chức các hoạt động kinh tế – xã hội theo cấu trúc không gian “một trọng điểm – ba cực – ba hành lang – ba tiểu vùng”.

Một trọng điểm là thành phố Buôn Ma Thuột và phụ cận

Trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh Đắk Lắk, vùng Tây Nguyên, đô thị đi đầu trong phát triển các ngành kinh tế mới, chuyển đổi số gắn với quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa theo hướng xanh, sinh thái, thông minh, bản sắc trên nền tảng ứng dụng công nghệ số và quá trình chuyển đổi, tái cấu trúc các ngành kinh tế đô thị hướng vào chất lượng, bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế.

Ba cực phát triển

– Thị xã Buôn Hồ (cực tăng trưởng trung tâm tiểu vùng phía Bắc của tỉnh) đóng vai trò là trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo, thương mại, dịch vụ, du lịch, sinh thái, văn hóa, phát triển nông nghiệp công nghệ cao;

– Thị xã Ea Kar (cực tăng trưởng phía Đông): Là trung tâm công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm gắn với vùng sản xuất lúa, hoa màu, chăn nuôi gia súc… chất lượng cao. Có tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ thương mại với lợi thế về giao thông;

– Thị trấn Ea Drăng và phụ cận, huyện Ea H’leo (cực tăng trưởng mới phía Bắc): Đóng vai trò là đô thị cửa ngõ phía Bắc của tỉnh, kết nối với địa bàn tỉnh Gia Lai thông qua hành lang Quốc lộ 14.

Ba hành lang động lực

– Hành lang kinh tế tổng hợp (Quốc lộ 14): Có vai trò thúc đẩy phát triển liên kết, trung chuyển, giao thương kinh tế – xã hội của tỉnh Đắk Lắk. Phát triển về nông nghiệp và công nghiệp, thương mại – đô thị – dịch vụ;

– Hành lang nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế dịch vụ và du lịch (Quốc lộ 29): Là trục chính phát triển kinh tế – xã hội quan trọng phía Đông Bắc tỉnh;

– Hành lang phía Đông (Quốc lộ 26 và đường cao tốc Khánh Hoà – Buôn Ma Thuột): Hình thành các chức năng dịch vụ du lịch và trung chuyển hàng hoá.

Ba tiểu vùng

– Tiểu vùng Trung tâm: Gồm thành phố Buôn Ma Thuột, các huyện Cư M’gar, Krông Pắc, Cư Kuin, Krông Ana và Buôn Đôn là tiểu vùng động lực đóng vai trò quan trọng nhất của tỉnh, vùng đô thị hóa tập trung của tỉnh với thành phố Buôn Ma Thuột là trung tâm và các các khu vực phụ cận;

– Tiểu vùng phía Bắc: Gồm thị xã Buôn Hồ và các huyện: Ea Súp, Ea H’leo, Krông Năng, Krông Búk là tiểu vùng kinh tế đóng vai trò quan trọng trong liên kết phát triển giữa tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh Bắc Tây Nguyên, đồng thời là cửa ngõ quan trọng của tỉnh kết nối với các tỉnh vùng Duyên hải Miền Trung gắn với hành lang kinh tế Bắc – Nam;

– Tiểu vùng phía Đông Nam: Gồm các huyện: Ea Kar, M’Đrắk, Krông Bông, Lắk có vai trò quan trọng về văn hóa và môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, đóng góp vào sự phát triển của ngành du lịch, nông lâm nghiệp của tỉnh./.

Nguồn: kinhtevadubao.vn