(FDI Việt Nam) – Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước là một cuộc cách mạng sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị. Trong thời gian qua, quá trình này đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo.
Cải cách bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương
Trong thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính, sắp xếp và kiện toàn cơ cấu theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Nhiều nghị định và văn bản quan trọng đã được ban hành nhằm hoàn thiện thể chế về tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nhà nước. Đặc biệt, Bộ Nội vụ đã chủ trì xây dựng và trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều văn bản quy phạm pháp luật cần thiết, bảo đảm tiến độ cải cách tổ chức bộ máy diễn ra đúng lộ trình.

Trong quý I/2025, Quốc hội đã thông qua nhiều luật và nghị quyết quan trọng nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước. Trong đó có Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng ban hành một nghị quyết về xử lý các vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, cùng bốn nghị quyết thực hiện việc tái cấu trúc tổ chức bộ máy của Quốc hội và Chính phủ trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đặc biệt, nghị quyết về cơ cấu tổ chức và số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 đã được thông qua, đồng thời kiện toàn 6 chức danh trong Chính phủ, gồm hai Phó Thủ tướng và bốn Bộ trưởng.
Theo đó, cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 có 17 bộ, ngành (gồm: 14 bộ và 3 cơ quan ngang Bộ), giảm 5 bộ, ngành so với trước đây.
Thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và các Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai công tác sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính.
Đặc biệt, đối với các cơ quan thuộc diện hợp nhất, điều chuyển chức năng, nhiệm vụ, Bộ Nội vụ đã khẩn trương xây dựng các đề án và văn bản quy định, bảo đảm bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Đồng thời, Bộ cũng chủ động hướng dẫn các địa phương thực hiện việc sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng đồng bộ, thống nhất, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
Thực hiện Nghị quyết số 176/2025/QH15 về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cho 13/14 Bộ, 2/3 cơ quan ngang Bộ và toàn bộ 5/5 cơ quan thuộc Chính phủ.
Quá trình cải cách tổ chức bộ máy hành chính đã mang lại những kết quả rõ nét. Ở cấp Trung ương, toàn bộ 13/13 tổng cục và tổ chức tương đương đã được cắt giảm, cùng với đó là 519 cục, 219 vụ và 3.303 chi cục.
Tại địa phương, theo chỉ đạo của Chính phủ, 63 tỉnh, thành phố đã tinh gọn bộ máy với việc giảm 343 cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp tỉnh, cùng 1.454 cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp huyện.
Ngoài ra, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương cũng đã giảm đáng kể, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống hành chính.
Tinh giản biên chế gắn liền với công tác nâng cao chất lượng cán bộ
Bên cạnh việc cải cách tổ chức, các bộ, ngành và địa phương cũng đẩy mạnh tinh giản biên chế, đồng thời xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm.
Kết quả rà soát cho thấy, tổng số biên chế công chức, viên chức được tinh giản theo quy định của Chính phủ lên đến 16.149 người. Sau quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, số lượng biên chế đã giảm khoảng 22.323 người, tương đương 20%.

Những bước đi này không chỉ giúp bộ máy hành chính trở nên tinh gọn, hiệu quả hơn mà còn tối ưu hóa nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan nhà nước.
Các bộ, ngành và địa phương đã chủ động triển khai lộ trình tinh giản biên chế, đảm bảo sử dụng đúng số biên chế được giao, không vượt quá hạn mức do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, công tác cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) theo vị trí việc làm cũng được chú trọng.
Đến hết tháng 12/2024, 100% bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành phê duyệt đề án vị trí việc làm. Bộ Nội vụ đã tổng hợp kết quả với tổng số vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính là 840 vị trí; trong đơn vị sự nghiệp công lập là 559 vị trí; và trong hệ thống cán bộ, công chức cấp xã là 17 vị trí.
Trong công tác cải cách tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ hiện đang tập trung tham mưu triển khai thực hiện các Kết luận số 121-KL/TW, 126-KL/TW và 127-KL/TW nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Một trong những nội dung trọng tâm là việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Quá trình này bao gồm xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, triển khai sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh, bỏ cấp huyện ở một số địa phương và tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã.
Việc cải cách này không chỉ nhằm tinh gọn bộ máy hành chính mà còn hướng đến xây dựng một hệ thống tổ chức có tính ổn định lâu dài, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của đất nước. Quá trình này được thực hiện trên cơ sở bảo đảm sự cân bằng giữa các yếu tố lịch sử, văn hóa, truyền thống, tôn giáo, dân tộc, quốc phòng, an ninh và địa chính trị, đồng thời tạo lập không gian phát triển bền vững cho các địa phương, từ đó thúc đẩy sự phát triển chung của quốc gia trong kỷ nguyên mới.
Ngoài ra, việc cải cách tổ chức bộ máy còn bám sát xu hướng quản trị tiên tiến của các quốc gia trên thế giới, đảm bảo bộ máy hành chính tinh gọn nhưng hiệu quả, tăng cường hiệu năng quản lý nhà nước. Đặc biệt, việc sắp xếp lại hệ thống tổ chức gắn liền với công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó chú trọng đến cán bộ cấp cơ sở nhằm bảo đảm sự vận hành thông suốt từ Trung ương đến địa phương.
Nguồn: Báo Chính phủ