(FDI Việt Nam) – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các quỹ đầu tư nhằm thu hút vốn đầu tư trong nước và quốc tế. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các quỹ đầu tư nhằm thu hút vốn trong nước và quốc tế, bên cạnh nguồn vốn FDI đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua.

Ông đã đề xuất 6 nhóm giải pháp trọng tâm mà Bộ Tài chính đang tập trung triển khai, nhằm đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trong kỷ nguyên mới, đặc biệt thông qua hệ thống quỹ đầu tư.

Việt Nam – điểm đến đáng tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Phát biểu tại Hội nghị “Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong Kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh rằng quá trình đổi mới và mở cửa đã giúp Việt Nam thu hút vốn đầu tư lớn qua thị trường vốn và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2020–2024, đồng thời giữ vững các cân đối vĩ mô.

Sự tham gia của các quỹ đầu tư quốc tế, tập đoàn tài chính lớn, tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp nước ngoài khẳng định vị thế của Việt Nam là điểm đến đáng tin cậy cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy vậy, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng việc thu hút vốn đầu tư qua hệ thống quỹ đầu tư và nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.

Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu kết luận tại hội nghị.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, thị trường vốn và thị trường chứng khoán cần tiếp tục phát triển mạnh mẽ về quy mô, tính thanh khoản và đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cơ sở hạ tầng thị trường cũng cần được cải tiến để phù hợp với yêu cầu hiện tại. Tuy nhiên, hoạt động của hệ thống quỹ đầu tư vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng; các công cụ phòng ngừa rủi ro vừa thiếu, vừa chưa đồng bộ. Ngoài ra, cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Bộ trưởng chỉ ra rằng trình độ và chuyển giao công nghệ tại một số dự án còn hạn chế, trong khi liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và khu vực FDI chưa chặt chẽ.

Số lượng dự án công nghệ cao, xanh, sạch và thân thiện với môi trường vẫn còn ít, trong khi nhiều địa phương chưa đáp ứng đủ nhân lực chất lượng cao cho các dự án quy mô lớn, công nghệ cao. Bên cạnh đó, nhiều dự án vẫn gặp vướng mắc về thủ tục đất đai, đầu tư, môi trường và cần xem xét sửa đổi một số chính sách thuế để phù hợp hơn với tình hình thực tế.

“Đây là những vấn đề đặt ra và chúng tôi cần nhanh chóng giải quyết để góp phần phát triển kinh tế đất nước trong kỷ nguyên mới” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng nhấn mạnh rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 và giai đoạn 2025–2030, Đảng và Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp đột phá, tạo cơ hội mới cho đầu tư kinh doanh trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra thách thức về huy động nguồn lực cho phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, năng lượng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

“Những ý kiến tâm huyết của các diễn giả và các quý vị đại biểu tại hội nghị đã khẳng định sự cần thiết phải phát triển các quỹ đầu tư để thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, bên cạnh việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang phát huy hiệu quả thời gian qua. Bộ Tài chính ghi nhận và tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp, đề xuất tại hội nghị” – Bộ trưởng cho hay.

6 nhóm giải pháp đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã đề xuất 6 nhóm giải pháp trọng tâm mà Bộ Tài chính sẽ tập trung thực hiện nhằm thu hút vốn đầu tư trong kỷ nguyên mới, đặc biệt thông qua hệ thống quỹ đầu tư.

Thứ nhất, tạo dựng môi trường đầu tư minh bạch, thúc đẩy vai trò của đầu tư tư nhân, ưu tiên các lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả dịch vụ công, bảo đảm quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

đẩy mạnh thu hút đầu tư
Hội nghị có gần 400 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương, các định chế tài chính, các thành viên thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, các cơ quan thông tấn, báo chí, trong đó có 150 đại biểu nước ngoài là đại diện các đại sứ quán, tổ chức tài chính quốc tế, các quỹ đầu tư hàng đầu trên thế giới, các doanh nghiệp FDI thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Thứ hai, tập trung cải cách thể chế thông qua việc hoàn thiện các văn bản pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn và thu hút thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế.

Tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi các luật về Quy hoạch, Đầu tư, Đầu tư công – tư và Đấu thầu. Đồng thời, Luật Chứng khoán cũng được sửa đổi nhằm thúc đẩy nguồn cung hàng hóa chất lượng, nâng cao thanh khoản thị trường và đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang chủ trì trình Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc sửa đổi tổng thể Luật Ngân sách nhà nước, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Đồng thời, đề xuất sửa đổi, bổ sung 7 luật quan trọng gồm Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật PPP, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công, Luật Hải quan và Luật Thuế xuất nhập khẩu nhằm khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế.

Thứ ba, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển thị trường vốn cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, với mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán ngay trong năm 2025.

Song song với việc hoàn thiện cơ chế chính sách, Bộ Tài chính đang đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia thị trường.

Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro tại các công ty đại chúng, công ty niêm yết; đồng thời áp dụng dần các chuẩn mực kế toán và báo cáo tài chính quốc tế nhằm tăng tính minh bạch và hiệu quả cung cấp thông tin cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện chất lượng nguồn cung hàng hóa.

Thứ tư, thúc đẩy phát triển hệ thống quỹ đầu tư thông qua đa dạng hóa các loại hình quỹ, bộ chỉ số chứng khoán và sản phẩm phù hợp với nhu cầu cũng như khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư. Bộ Tài chính sẽ mở rộng kênh phân phối, tạo động lực cho các công ty quản lý quỹ thành lập thêm quỹ đầu tư mới.

Đồng thời, cơ quan này sẽ nghiên cứu và xem xét chính sách thuế đối với các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán, đảm bảo phù hợp với bản chất hoạt động, qua đó thúc đẩy đầu tư thông qua các định chế tài chính chuyên nghiệp.

Năm là, thúc đẩy thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Các giải pháp bao gồm cải thiện môi trường kinh doanh, giảm thiểu chi phí và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường hợp tác công – tư với các tập đoàn, quỹ đầu tư có nguồn vốn ổn định, hoạt động hiệu quả và sở hữu kinh nghiệm quản lý tốt.

Các lĩnh vực ưu tiên đầu tư bao gồm hạ tầng chiến lược, trí tuệ nhân tạo, sản xuất bán dẫn, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và năng lượng tái tạo. Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện các chính sách thu hút vốn đầu tư có chọn lọc, khuyến khích các dự án có sức lan tỏa cao, đồng thời lắng nghe phản hồi từ doanh nghiệp để kịp thời xử lý khó khăn.

Việc tăng cường liên kết giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước cũng là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và giúp doanh nghiệp Việt tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Sáu là, duy trì đối thoại chính sách. Bộ Tài chính cam kết sẽ thường xuyên đối thoại với nhà đầu tư để kịp thời nắm bắt các vấn đề phát sinh, từ đó chủ động đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính kêu gọi các quỹ đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan xây dựng chiến lược kinh doanh bền vững, lâu dài và thân thiện với môi trường tại Việt Nam.

Đồng thời, ông khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, duy trì văn hóa doanh nghiệp tích cực, đảm bảo chính sách tốt cho người lao động và không ngừng kiến nghị, đề xuất các chính sách phù hợp với thực tiễn.

“Dựa trên kết quả hội nghị, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp có thẩm quyền về chủ trương và thể chế, nhằm tạo động lực phát triển kinh tế, hướng tới mục tiêu đưa đất nước trở nên giàu mạnh và bền vững trong kỷ nguyên mới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nguồn: Thời báo tài chính Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *