(FDI Việt Nam) – Bộ Xây dựng đề xuất tăng định mức lợi nhuận tối đa cho các chủ đầu tư làm nhà ở xã hội từ 10% lên 13%.
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết thí điểm về các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua.
Theo đề xuất, mức lợi nhuận tối đa cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội sẽ được nâng từ 10% lên 13% trên tổng chi phí xây dựng dự án. Mức lợi nhuận này sẽ là cơ sở để doanh nghiệp xác định giá bán, giá thuê và thuê mua nhà ở xã hội.
Mức lợi nhuận tối đa 13% này sẽ được áp dụng đồng bộ cho tất cả các dự án nhà ở xã hội, bao gồm nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân xây dựng trên quỹ đất công, quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại. Đồng thời, chính sách này cũng áp dụng đối với các dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt giá bán, giá thuê và thuê mua.
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP HCM đã đề xuất nâng mức lợi nhuận định mức cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lên 15%. Tương tự, Sở Xây dựng Hà Nội cũng từng kiến nghị tăng mức này lên 15-20%, tuy nhiên, đề xuất này gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia và cơ quan quản lý.

Theo quy định hiện hành, lợi nhuận định mức của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội bị giới hạn ở mức 10%. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia nhận định mức này chưa đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư.
Việc phát triển nhà ở xã hội được đánh giá là thách thức hơn so với nhà ở thương mại, do doanh nghiệp vẫn phải tự bỏ vốn nhưng lại chịu ràng buộc về lợi nhuận, trong khi thủ tục pháp lý và quy trình triển khai còn phức tạp hơn.
Theo Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, mục tiêu đặt ra đến năm 2024 là xây dựng 130.000 căn. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, dù đã có nhiều nỗ lực, các địa phương mới chỉ hoàn thành khoảng 21.000 căn, tương đương hơn 16% kế hoạch đề ra.
Từ năm 2021 đến nay, cả nước đã triển khai 644 dự án nhà ở xã hội với tổng quy mô 580.109 căn. Trong đó, 96 dự án đã hoàn thành, cung cấp hơn 57.620 căn; 133 dự án đang được triển khai xây dựng, dự kiến bổ sung trên 110.200 căn. Ngoài ra, 415 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, nếu hoàn thành sẽ cung cấp thêm hơn 412.200 căn nhà ở xã hội.

Giới chuyên môn nhận định, mục tiêu phát triển nhà ở xã hội đang gặp nhiều trở ngại do vướng mắc về thủ tục hành chính, khó khăn trong tạo lập quỹ đất và cơ chế triển khai chưa thực sự thông thoáng. Bên cạnh đó, mức lợi nhuận hiện nay chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia mạnh mẽ vào phân khúc này.
Với mức lợi nhuận giới hạn 10% nhưng thời gian triển khai một dự án có thể kéo dài tới 7 năm (bao gồm 5 năm thủ tục và 2 năm đầu tư), bình quân mỗi năm lợi nhuận chỉ đạt khoảng 1,3-1,5%, không đủ để doanh nghiệp tái đầu tư. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp sau khi hoàn thành một dự án nhà ở xã hội không muốn tiếp tục tham gia vào phân khúc này.
Trong giai đoạn 2025-2030, Thủ tướng đặt mục tiêu phát triển hơn 995.000 căn nhà ở xã hội trên cả nước. Trong đó, Hà Nội phải hoàn thành gần 45.000 căn, còn TP HCM cần đạt khoảng 67.000 căn.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề xuất tăng định mức lợi nhuận cho nhà đầu tư và thay đổi phương án lựa chọn chủ đầu tư mà không cần đấu thầu. Hiện nay, việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được thực hiện qua hai phương thức: đấu thầu hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy trình không khác biệt nhiều so với dự án nhà ở thương mại.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng hướng đến việc đơn giản hóa thủ tục đầu tư, như bỏ yêu cầu chấp thuận chủ trương đầu tư, miễn thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và cho phép chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết 1/500 thay vì do địa phương thực hiện.
Nguồn: VN Express