(FDI Việt Nam) – Hội An từng là một đô thị nghèo nàn, với những ngôi nhà cổ nhuốm màu khói lò nhuộm, nhưng chính kiến trúc sư người Ba Lan đã nhận ra nơi đây là một di sản tiềm ẩn, cần được khai phá.

Sau ngày đất nước thống nhất, Hội An trở thành thị xã thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Phố cổ lúc ấy hoang tàn, chỉ còn vài quán nhỏ và điện chập chờn. Vào ban đêm, các con phố im ắng, chỉ thỉnh thoảng vang lên tiếng xe đạp lạch cạch và tiếng guốc vỗ nhịp trên vỉa hè. Bóng dáng của một thương cảng quốc tế nhộn nhịp, nơi các thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây gặp gỡ từ thế kỷ 16 đến 19, giờ chỉ còn là ký ức.

Trong bối cảnh đó, cán bộ thị xã Hội An phải lên huyện miền núi Tiên Phước đào sắn mang về bán cho người dân, phân phối theo tiêu chuẩn tem phiếu. “Lúc đó, không ai nghĩ đến di tích, tất cả đều phải lo lắng cho từng bữa ăn,” ông Nguyễn Đức Minh, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, nhớ lại.

Để giúp người dân thoát khỏi đói nghèo, Hội An quyết định phát triển tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là ngành dệt. Trong khoảng 2 km2 của phố cổ, đâu đâu cũng nghe thấy tiếng máy dệt vải vang lên, và những ngôi nhà cổ vẫn ám khói lò nhuộm.

Một mỏ vàng chưa được khai phá

Hội An có lẽ sẽ mãi chìm trong cảnh nghèo khó nếu không có sự xuất hiện của kiến trúc sư người Ba Lan, Kazimierz Kwiatkowski. Vào tháng 7/1982, khi đang là Trưởng tiểu ban hợp tác Ba Lan – Việt Nam tu bổ thánh địa Mỹ Sơn, ông biết rằng Hội An có bờ biển tuyệt đẹp và phố cổ độc đáo, nên đã xin phép đến thăm.

Khi đến Hội An, ông được đón tiếp nồng nhiệt bởi ông Minh, Bí thư thị xã Hội An, cùng Chủ tịch thị xã Phan Công Thứ. Dưới sự hướng dẫn của các cán bộ địa phương, Kazimierz Kwiatkowski, với vóc dáng cao lớn và bộ râu tóc bạc phơ, đã chăm chú tham quan những ngôi nhà cổ dọc theo con phố Trần Phú, ghi chép và ngắm nhìn vẻ đẹp tiềm ẩn của phố cổ, nhận ra nơi đây chính là một “mỏ vàng” chưa được khám phá.

“Tôi dẫn ông đi, nhưng cuối cùng ông lại dẫn tôi. Thấy nhà cổ là Kazik xông vào, ngắm kỹ từng chi tiết”, ông Minh nhớ lại.

di sản hội an
Ông Nguyễn Đức Minh cùng kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski – Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trong cuộc làm việc tại văn phòng UBND thị xã Hội An sau đó, Kazik nói: “Các đồng chí đang nằm trên mỏ vàng, xin chúc mừng. Hiếm thấy khu phố cổ nào còn nguyên vẹn như Hội An, tương lai nó sẽ giúp người dân giàu có”, ông Minh nhắc lại đánh giá của kiến trúc sư Ba Lan.

Sau khi hoàn thành công việc tại Mỹ Sơn, Kazik đã tận dụng những ngày nghỉ để đến Hội An, thăm từng ngôi nhà cổ, hội quán, và các con ngõ nhỏ, sau đó ông vẽ lại trên bản đồ tổng thể khu phố cổ.

Ông đề xuất chính quyền thị xã xây dựng kế hoạch bảo tồn và giữ gìn giá trị của Hội An, đảm bảo sự hài hòa giữa các cấu trúc đô thị cũ và mới, đồng thời tạo ra sự chuyển tiếp mềm mại giữa đô thị và nông thôn, từ khu vực xây dựng sang thiên nhiên.

Kazik cũng khuyến cáo không nên xây dựng những công trình có quy mô và chiều cao vượt trội trong phố cổ, đồng thời ngừng đưa vào các lĩnh vực sản xuất và công nghệ có thể làm tổn hại đến vẻ đẹp của Hội An.

Sau đó, ông viết nhiều bài viết ca ngợi phố cổ Hội An trên các báo và tạp chí uy tín, các diễn đàn quốc tế, khẳng định Hội An xứng đáng được công nhận là một di sản văn hóa hàng đầu của Việt Nam và là một phần trong kho tàng di sản văn hóa thế giới.

“Ông là ngòi nổ của hai sự kiện chấn động trong và ngoài nước. Một là vào tháng 3, khu phố cổ Hội An được công nhận di tích Lịch sử – Văn hóa quốc gia. Hai là vào tháng 7/1985, thị xã tổ chức Hội nghị Khoa học cấp quốc gia về khu phố cổ Hội An”, ông Minh nhớ lại.

Trong suốt quá trình làm việc, Kazik không yêu cầu bất kỳ thù lao hay đãi ngộ nào. Ông là người nước ngoài đầu tiên qua đêm tại Hội An kể từ khi đất nước thống nhất. Chiếc giường ông nằm phải được cưa bớt một đầu và kê thêm ghế để ông có thể duỗi thẳng chân trong khi ngủ.

di sản hội an
Kazik qua đời ngày 19/3/1997 trong lúc tham gia trùng tu Đại nội Huế. Tri ân ông, TP Hội An xây dựng công viên tại trung tâm phố cổ, đặt bức tượng bán thân của ông tại đây.

Dựa trên các kiến nghị của Kazik, vào cuối năm 1982, ông Hoàng Đạo Kính, Giám đốc Trung tâm Thiết kế tu bổ di tích Trung ương, đã dẫn đầu một nhóm hơn 10 kiến trúc sư đến Hội An.

Nhóm chuyên gia này tiến hành sưu tầm các tư liệu lịch sử, nghiên cứu hiện trạng và kết hợp thống kê, đo vẽ các di tích, đồng thời vẽ bản đồ, sơ đồ mặt bằng của khu phố cổ. Họ cũng nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển đô thị cảng Hội An, nhằm tạo cơ sở khoa học cho việc lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa để công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Đến đầu năm 1984, đoàn chuyên gia đã hoàn thành hồ sơ và chứng minh được giá trị văn hóa của phố cổ Hội An, sau đó trình Bộ Văn hóa. Trong suốt quá trình thực hiện, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính đã sử dụng quỹ của đơn vị mình mà không lấy ngân sách nhà nước.

Theo ông Minh, trước đề nghị công nhận di tích của nhóm ông Kính, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng và nhiều nhà khoa học đã phản ứng mạnh mẽ. Họ cho rằng Hội An là di tích của người Hoa. Cuộc chiến tranh biên giới phía đang diễn ra nên nhiều người không đồng ý công nhận di tích.

Hội thảo khoa học xóa tan định kiến

Để giành được sự đồng thuận, Hội An đã kết nối với nhiều cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước. “Kazik đã không ngừng ca ngợi phố cổ Hội An tại Ba Lan và các hội nghị quốc tế. Trong nước, với vai trò là chuyên gia, ông cũng liên tục kiến nghị Bộ Văn hóa công nhận Hội An là di tích”, ông Minh chia sẻ. Nỗ lực không ngừng của Kazik và chính quyền thị xã Hội An đã được đền đáp xứng đáng khi vào tháng 3/1985, phố cổ Hội An chính thức được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia.

Chỉ bốn tháng sau, chính quyền thị xã Hội An đã tổ chức Hội nghị khoa học lần thứ nhất về khu phố cổ, quy tụ 268 đại biểu, trong đó có 203 nhà khoa học từ 40 cơ quan.

Trong bối cảnh đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh và vẫn đang trong thời kỳ bao cấp, tỉnh không có ngân sách hỗ trợ, vì vậy thị xã phải kêu gọi sự đóng góp từ các mạnh thường quân. Ông Hoàng Đạo Kính một lần nữa trích tiền thuê xe, đích thân đưa đón và mua vé máy bay để chở các nhà khoa học về Hội An tham dự hội nghị.

Trong hai ngày của hội nghị (23-24/7/1985), các đại biểu đã lần lượt trình bày 36 báo cáo khoa học, làm nổi bật giá trị văn hóa và kiến trúc đặc sắc của phố cổ Hội An, đồng thời đưa ra các định hướng bảo tồn phù hợp. Nhiều nhà khoa học, lần đầu tiên được chiêm ngưỡng phố cổ Hội An, đã xóa bỏ những quan niệm sai lầm về việc sao chép kiến trúc từ Trung Quốc.

Dẫn các đại biểu tham quan, ông Minh tự hào giải thích về những ngôi nhà cổ ở Hội An, cho biết chúng đều được thợ mộc Kim Bồng tài ba dựng nên, còn gạch ngói là sản phẩm do thợ gốm Thanh Hà nung. “Người Hoa chỉ mang mô típ sang đây, nhưng thiết kế và xây dựng đều là công trình của người Hội An, và không nơi nào có được điều này”, ông nói với niềm tự hào.

di sản hội an
Hình ảnh Hội An năm 1994 – Ảnh: Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An.
di sản hội an
Hội An hiện nay – Ảnh: Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An.

Sau thành công của hội nghị, 5 năm sau, chính quyền lại tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về đô thị cổ Hội An, thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước.

Tại hội thảo, tất cả đều thống nhất rằng Hội An là trung tâm giao thoa văn hóa, là nơi tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo. Trong suốt chiều dài lịch sử, Hội An còn kế thừa di sản của văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa cổ, được thể hiện qua những dấu vết khảo cổ quý giá.

Hội An không đơn độc trên hành trình này mà còn nhận được sự hỗ trợ từ nhiều cơ quan và chuyên gia Nhật Bản. Một đoàn phim Nhật Bản đã thực hiện bộ phim dài 75 phút về Hội An, trong đó có cảnh quay bằng trực thăng từ trên cao để ghi lại toàn cảnh đô thị cổ. Bộ phim này đã được phát sóng trên 13 đài truyền hình, lan tỏa khắp Nhật Bản vào năm 1994.

Một năm sau, UNESCO đã gửi cho chính quyền Hội An đề cương làm hồ sơ công nhận di sản, tập trung vào hai tiêu chí nổi bật: sự kết hợp giữa các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế và điển hình về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn nguyên vẹn.

Để hoàn thiện hồ sơ, Hội An chi 300 triệu đồng thuê Vụ bảo tồn Bảo tàng thực hiện vì là cơ quan có pháp nhân. Ông Minh và ba cộng sự đã nhận thầu làm hồ sơ. Quá trình này gặp may mắn là được thừa hưởng tài liệu khi trình Bộ Văn hóa công nhận di tích quốc gia. Còn phim, ảnh do đoàn Nhật Bản giúp đỡ.

“Khó khăn nhất là bản đồ địa chất và khu vực. Tôi cầm giấy giới thiệu của Bộ Văn hóa đến Viện Địa chất, Cục Bản đồ xin sao chụp, mất một tháng ăn ở Hà Nội, chạy như con thoi giữa các cơ quan”, ông Minh kể.

Trong khi nhóm ông Minh ráo riết chuẩn bị hồ sơ thì nhiều cán bộ của Hội An chưa hiểu ý nghĩa của việc được công nhận di sản thế giới. “Họ cho rằng Hội An được công nhận cũng được, không cũng chẳng sao. Một số nói vẽ vời để kiếm tiền, làm được đến đâu hay đến đó, không quan tâm”, ông kể.

Vượt qua mọi rào cản, đến năm 1997, bộ hồ sơ di sản của phố cổ Hội An đã được hoàn thiện và trình lên Bộ Văn hóa. Sau đó, hồ sơ này được đóng vào 4 thùng tôn và vận chuyển đến Bộ Ngoại giao để xem xét, rồi được trình lên Thủ tướng ký công hàm, chuyển tới trụ sở UNESCO tại Paris, Pháp, để xem xét công nhận.

Lấy di tích nuôi di tích

Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, ông Nguyễn Sự, chia sẻ rằng sau khi hồ sơ được gửi đi, đại diện của UNESCO đã đến khảo sát và đánh giá. Họ lo ngại rằng vì phố cổ có người dân sinh sống, việc sửa chữa hay xây dựng có thể làm mất đi giá trị di tích.

Tuy nhiên, chính quyền Hội An đã chủ động xây dựng một quy chế bảo vệ phố cổ và đã nhận được sự đồng thuận từ người dân. Sau khi xem xét kỹ lưỡng, đại diện UNESCO đã thừa nhận sự chuẩn bị chu đáo của Hội An, và đánh giá rằng thành phố đã thực hiện được những bước đi “ngoài sức tưởng tượng” của tổ chức này.

Ông Nguyễn Sự kể lại rằng sau hội nghị năm 1985 và hội thảo 1990, dù đã trình bày quy chế quản lý di tích, nhưng mọi nỗ lực đều không thành công, khiến nhiều di tích phố cổ xuống cấp. Mặc dù là đơn vị cấp huyện, HĐND thị xã Hội An đã xây dựng một nghị quyết về việc sử dụng tiền bán vé tham quan để trùng tu các di tích.

Tuy nhiên, khi dự thảo này được trình lên UBND tỉnh, nó đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều, bởi nhiều người cho rằng phố cổ là đô thị sống với nhiều ngõ ngách, không thể đóng cửa và thu phí tham quan.

Khi không nhận được sự đồng thuận từ cấp trên, vào tháng 5/1995, Hội An đã tự ban hành “Quy chế quản lý khách tham quan du lịch phố cổ Hội An”, với mục đích sử dụng tiền thu từ vé tham quan để nuôi dưỡng và duy trì các di tích.

Số tiền này được sử dụng để trùng tu các ngôi nhà cổ, với mức hỗ trợ lên đến 100% cho các nhà cổ loại 1 trong ngõ kiệt và thấp nhất là 45% cho các nhà khác. Cách làm này đã giúp Hội An phục hồi và bảo tồn hàng trăm ngôi nhà cổ xuống cấp.

di sản hội an
Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An.

Để hút khách du lịch, Hội An triển khai phố đi bộ, cấm ôtô, xe máy, song vấp phải phản ứng của người dân. Chính quyền quyết tâm triển khai vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. “Đó là quyết sách liều mạng, vì pháp luật không có quy định nhưng Hội An triển khai thành công sau 4 tháng”, nguyên lãnh đạo Hội An kể.

Để tạo sản phẩm cho du khách, năm 1998 Hội An thực hiện “Đêm phố cổ”. Tối 14 âm lịch, nhà cửa, đường phố tắt điện thắp đèn lồng. Chính quyền và các đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, ẩm thực. Trải qua hơn 25 năm, đêm phố cổ trở thành sản phẩm du lịch, văn hóa đặc sắc của Hội An.

Sau hai năm đệ trình hồ sơ, ngày 3/12/1999, UNESCO công nhận đô thị cổ Hội An là di sản văn hóa thế giới. “Không chỉ mình tôi mà toàn thể người dân thị xã vui mừng. Ai cũng xúc động bởi tất cả những giá trị phố cổ, công sức các thế hệ đã được thế giới ghi nhận”, ông Sự nhớ lại.

Từ đây Hội An không chỉ của người Hội An mà đã vượt biên giới quốc gia trở thành di sản của nhân loại. Người dân đã biết biến di sản thành tài sản, sử dụng tài nguyên văn hóa vốn có bắt đầu từ phố cổ để thu hút du khách. Thống kê bình quân mỗi ngày Hội An đón khoảng 2.000-5.000 lượt khách, cuối tuần gần 10.000 lượt. Năm 2024, thành phố đón 4,4 triệu lượt khách, tổng doanh thu ngành du lịch hơn 5.230 tỷ đồng.

Nguồn: Đắc Thành/ VN Express

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *