Nhiều kỳ vọng được đặt ra, khi các “ông lớn” toàn cầu đang lên các kế hoạch đầu tư “khủng” vào Việt Nam – điểm đến đầu tư luôn được cộng đồng các nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao.

đầu tư
Nhà máy của Intel tại TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Dự án khủng đổ bộ Quảng Ninh

Dự án Nhà máy Lite-On Quảng Ninh vừa được khởi công với vốn FDI 690 triệu USD, đánh dấu một trong những dự án FDI quy mô lớn tại Việt Nam thời gian gần đây. Nhà máy nằm trong Khu công nghiệp Sông Khoai – Amata City Hạ Long, được kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng cho Quảng Ninh, đóng góp tích cực vào sản xuất công nghiệp và xuất khẩu khi đi vào hoạt động vào tháng 11/2025.

Ông Shiro Sadoshima, Cố vấn điều hành của AMATA Corporation PCL, cho biết việc Lite-On lựa chọn Amata City Hạ Long thể hiện sự tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam và khẳng định vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu.

đầu tư fdi
Nhà máy Lite-On Quảng Ninh đã chính thức khởi công tại Quảng Ninh, đánh dấu một dự án FDI quy mô lớn.

Bên cạnh Lite-On, nhiều tập đoàn lớn cũng đang tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam. SCG đã hoàn tất Dự án Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn trị giá 5 tỷ USD và đang lên kế hoạch bổ sung 400 triệu USD. Hyosung dự kiến đầu tư thêm 1,5 tỷ USD vào lĩnh vực công nghệ sinh học và sợi carbon tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Warburg Pincus tiếp tục rót vốn lớn vào dự án Hồ Tràm và phát triển tuyến đường kết nối Cảng hàng không Long Thành với tổng FDI 17.300 tỷ đồng.

Ngoài ra, Quỹ Saigon Asset Management cũng công bố kế hoạch huy động 300 triệu USD cho Quỹ Trung tâm dữ liệu Việt Nam. Đặc biệt, một “đại gia” công nghệ đang chuẩn bị đầu tư dự án bán dẫn quy mô lớn tại Việt Nam, cho thấy sức hút mạnh mẽ của thị trường này.

Ông Bae In Han, Tổng giám đốc Hyosung Đồng Nai, nhấn mạnh Việt Nam là điểm đến đầu tư ổn định và thuận lợi, với cam kết phát triển lâu dài trong 100 năm tới. Những dự án FDI quy mô lớn này được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy Việt Nam vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thúc đẩy thu hút đầu tư trong kỷ nguyên mới

Có tới hai hội nghị quan trọng về đầu tư dự kiến được Bộ Tài chính phối hợp tổ chức vào thứ Sáu (28/3). Đó là Hội nghị Huy động vốn và thu hút FDI nước ngoài trong kỷ nguyên mới: Cơ hội và thách thức và Hội nghị Xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam.

Những sự kiện có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang muốn tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm cả đầu tư gián tiếp và trực tiếp, đặc biệt là thu hút FDIcho việc hình thành, xây dựng và phát triển các trung tâm tài chính tại Việt Nam, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên trong năm nay và đạt 2 con số trong giai đoạn tới.

Trong các giải pháp được đưa ra để thúc đẩy tăng trưởng và tăng trưởng đột phá, thu hút FDI, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp tiên phong và thúc đẩy xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là một trong những giải pháp hàng đầu.

Trong bối cảnh ấy, việc các “ông lớn” toàn cầu đưa ra các cam kết đầu tư quy mô lớn là một động thái tích cực. Tuy vậy, câu hỏi quan trọng được đặt ra là, làm sao để Việt Nam có thể thu hút được nhiều hơn dòng vốn FDI chất lượng cao?

Thông tin cho biết, tại hội nghị về huy động vốn và thu hút FDI nước ngoài trong kỷ nguyên mới, đại diện Bộ Tài chính sẽ chia sẻ các định hướng thu hút FDI nước ngoài trong kỷ nguyên mới, đồng thời lắng nghe chia sẻ của các nhà đầu tư về xu hướng dòng vốn đầu tư trên thế giới, các thách thức và cơ hội, cũng như các giải pháp cần thực hiện để có thể đón kỷ nguyên mới của dòng FDI nước ngoài.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng, Việt Nam đã rất nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, xây dựng cơ chế ưu đãi đặc biệt, thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư, áp dụng “luồng xanh” cho các dự án quy mô lớn, trong các lĩnh vực ưu tiên… Các phản ánh chính sách kịp thời này đã nhận được sự đồng tình và đánh giá cao của các nhà đầu tư.

Tuy vậy, vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục cải cách. Đó là lý do mà trong các cuộc gặp gỡ, đại diện các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đưa ra nhiều kiến nghị chính sách. Chẳng hạn, trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây, ông Bae In Han kiến nghị thiết lập cơ chế một cửa để giải quyết nhanh nhất các khó khăn, vướng mắc liên quan khung khổ pháp luật. Ông đồng thời đề cập các kiến nghị về ưu đãi thuế, hoàn thuế…

Đoàn doanh nghiệp Mỹ tới Việt Nam mới đây cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian ra quyết định… Các chính sách ưu đãi đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực như bán dẫn, AI, bao gồm cả phát triển trung tâm tài chính quốc tế, đã nhiều lần được các nhà đầu tư đề cập.

Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cam kết tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời khẳng định “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm” khi giải quyết các vướng mắc của nhà đầu tư.

Sẽ tiếp tục có các thông điệp chính sách được đưa ra tại các hội nghị tới đây. Những thông điệp này sẽ góp phần quan trọng để Việt Nam đón được nhiều hơn các dự án “khủng”, cũng như có thể thu hút nhiều hơn nữa vốn FDI trong kỷ nguyên mới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *