(FDI Việt Nam) – Trước mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số, trong bối cảnh đối mặt nhiều thách thức cả trong nước lẫn quốc tế, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần những giải pháp đột phá cả về tư duy lẫn hành động thực tiễn để đạt được những mục tiêu này.
Ngày 7/5/2025, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Giải pháp đột phá tăng trưởng kinh tế hai con số trong kỷ nguyên mới”. Sự kiện quy tụ đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, cùng các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện cộng đồng doanh nghiệp.

Tại hội thảo, các nhà khoa học cung cấp những cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc đề xuất các giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hai con số, hướng tới thảo luận các vấn đề cốt lõi. Trong đó, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải cách thể chế, phát triển doanh nghiệp tư nhân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn là những giải pháp mở lối cho kinh tế Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới.
ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG
Năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 7,09%, vượt mục tiêu đề ra và tiếp tục là điểm sáng của khu vực châu Á. Tuy nhiên, bước sang năm 2025, nền kinh tế trong nước phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như đà suy giảm của kinh tế toàn cầu, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, cùng với yêu cầu chuyển đổi số và tăng trưởng xanh ngày càng trở nên cấp bách.
TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho rằng nếu không kịp thời đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, Việt Nam sẽ khó tránh khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Do đó, cần kiến tạo những giải pháp đột phá thực chất, cùng với sự thay đổi quyết liệt trong tư duy và hành động phát triển.
Theo TS. Đặng Xuân Thanh, mô hình tăng trưởng hiện nay của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên và tăng đầu tư công, trong khi lợi thế về lao động giá rẻ đang dần thu hẹp. Việc duy trì mô hình tăng trưởng theo chiều rộng không còn phù hợp với yêu cầu phát triển một nền kinh tế năng động, sáng tạo và có khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhấn mạnh: để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số, Việt Nam không thể tiếp tục phụ thuộc vào việc gia tăng lao động, vốn hay khai thác tài nguyên. Thay vào đó, cần tạo ra những đột phá về thể chế. Cụ thể, Việt Nam phải xây dựng một khuôn khổ thể chế hiện đại, minh bạch, có trách nhiệm giải trình, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh – qua đó hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và thu hút hiệu quả các nguồn lực xã hội.
Chuyên gia nhận định rằng không gian kinh tế truyền thống đang dần thu hẹp, trong khi các không gian mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế biển hay đổi mới sáng tạo vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả. Đây chính là cơ hội để Việt Nam chủ động nhận diện và mở rộng những không gian tăng trưởng mới, tạo động lực phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực được xem là “nút thắt mềm” nhưng đóng vai trò then chốt trong kỷ nguyên mới. Trước thực trạng dân số già hóa nhanh, Việt Nam cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực phù hợp – không chỉ tập trung vào kỹ năng tay nghề cao, mà còn hướng tới hình thành một thế hệ lao động có tư duy độc lập, khả năng sáng tạo và thích ứng tốt với môi trường công nghệ biến đổi liên tục.
Trên nền tảng đó, Việt Nam cần xây dựng một hệ thống thể chế công bằng cho khu vực doanh nghiệp tư nhân. Điều này bao gồm việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, dỡ bỏ các rào cản thị trường, đồng thời tăng cường hỗ trợ trong nghiên cứu, phát triển sản phẩm, kết nối thị trường và bảo vệ quyền lợi pháp lý cho doanh nghiệp.
Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang đối diện với thách thức nhu cầu đầu tư rất lớn nhưng khả năng huy động nguồn lực trong nước hạn chế, cần đa dạng hóa các công cụ tài chính, phát triển thị trường vốn trong nước, mở rộng quy mô và chất lượng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, phát triển các quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo, các quỹ tài chính xanh và cơ chế huy động vốn hợp tác công tư hiệu quả.
Trong bức tranh kinh tế hiện nay, vai trò của các địa phương ngày càng trở nên then chốt, trở thành những chủ thể trực tiếp thúc đẩy phát triển. Để phát huy hiệu quả, chính quyền địa phương cần được tăng cường quyền tự chủ trong quản lý ngân sách, quy hoạch phát triển và lựa chọn nhà đầu tư, phù hợp với năng lực quản trị và đặc thù của từng địa phương.
BA ĐỘNG LỰC ĐỂ HIỆN THỰC HÓA MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG
Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp bách phải tìm ra những động lực tăng trưởng mới, nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2025, đồng thời theo đuổi khát vọng phát triển kinh tế theo hướng bền vững và đột phá.
Tại hội thảo, các chuyên gia khẳng định rằng tăng trưởng kinh tế hai con số là mục tiêu đầy thách thức, nhưng cũng là điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa các định hướng chiến lược. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần triển khai các giải pháp đột phá thực chất, dựa trên nền tảng đổi mới mạnh mẽ về thể chế, ứng dụng khoa học – công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Trường Chính sách công và Quản lý Fullbright, chìa khoá để kinh tế Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới dựa trên ba trụ cột chính.
Bên cạnh việc xác định khu vực tư nhân là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế, Nhà nước cần xây dựng năng lực động dựa trên ba cấp độ: (i) năng lực nhà nước thể hiện tính chính danh về mặt chính trị và cam kết cấp cao đối với sứ mệnh phát triển; (ii) năng lực về mặt chính sách cho thấy sự nhất quán trong quá trình thiết kế và phối hợp giữa các công cụ cũng như tính linh hoạt, (iii) bộ máy hành chính chuyên nghiệp và có sự chủ động.
“Nếu không có những năng lực này, các cải cách hay chính sách giàu tham vọng có thể đối diện với nguy cơ bị phân mảnh hoặc bị các nhóm lợi ích chi phối. Thượng tôn pháp luật, kiểm soát tham nhũng, từ đó cân bằng sức mạnh của Nhà nước và xã hội là trụ cột cuối cùng có thể thúc quá trình chuyển hóa cơ cấu của Việt Nam”, ông Vũ Thành Tự Anh cho biết.
PGS.TS. Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng yếu tố quan trọng không phải là chỉ nhìn vào con số tăng trưởng kinh tế, mà là liệu Việt Nam có đủ tiềm lực và nội lực để phát triển bền vững theo đúng mục tiêu đề ra hay không. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đây lại chính là một cơ hội lớn đối với Việt Nam.
Ngoài các tham luận chuyên sâu về các trụ cột chính thúc đẩy đột phá tăng trưởng, các diễn giả cũng đã thảo luận về một số vấn đề cốt lõi khác. Những vấn đề này bao gồm: xác định khu vực tư nhân là động lực chính của tăng trưởng, đề xuất cải cách mạnh mẽ khung pháp lý, cải cách giáo dục và ứng dụng công nghệ số trong đào tạo và quản trị nguồn nhân lực.
Các diễn giả cũng nhấn mạnh sự cần thiết áp dụng đổi mới sáng tạo vào quá trình thực hiện chính sách quốc gia, xây dựng chiến lược phát triển thống nhất cho giai đoạn 2026 – 2045, cũng như đề xuất cơ chế huy động và phân bổ nguồn vốn hiệu quả, tái cơ cấu nền kinh tế và nâng cao năng lực thể chế.
Nguồn: VN Economy