Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam nhận thấy, tỉnh Quảng Nam cần tập trung cải thiện 2 chỉ số thành bị giảm điểm so với năm 2022 (tiếp cận đất đai và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp).

Quảng Nam
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhận thấy cần tập trung cải thiện 2 chỉ số thành bị giảm điểm so với năm 2022 (tiếp cận đất đai và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp).

UBND tỉnh Quảng Nam vừa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu nội dung kiến nghị một số giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; rà soát, kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo đúng quy định.

Trước đó, ngày 20/5, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị một số giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024.

Theo đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam viện dẫn, ngày 9/5/2024, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Theo đó, PCI 2023 tỉnh Quảng nam tăng điểm, nhưng không nằm trong top 30 tỉnh, thành có chỉ số PCI tốt nhất cả nước (năm 2022, Quảng Nam nằm trong top 30).

So với năm 2022, Quảng Nam có 6 chỉ số thành phần giảm điểm, bao gồm tiếp cận đất đai (6,83/7,23 điểm); tính minh bạch (5,45/6,35 điểm); cạnh tranh bình đẳng (5,95/5,98 điểm); tính năng động của chính quyền tỉnh (6,76/6,90 điểm); chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (5,70/5,90 điểm); thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (7,40/7,74 điểm).

Để cải thiện chỉ số PCI năm 2024, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhận thấy cần tập trung cải thiện 2 chỉ số thành bị giảm điểm so với năm 2022 (tiếp cận đất đai và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp).

Đây là 2 chỉ số thành phần có thể cải thiện nhờ vào sự vào cuộc quyết liệt của UBND tỉnh và sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cũng như Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nói riêng.

Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam cho rằng, mỗi huyện cử cán bộ chuyên trách của Văn phòng, Phòng kinh tế (hoặc Phòng quản lý đô thị) huyện, thị xã, thành phố lập nhóm tương tác cùng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh triển khai các nội dung tuyên truyền, tháo gỡ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đến từng địa phương. Các sở, ngành cũng giống như cấp huyện, chỉ khác là nhóm doanh nghiệp tiêu biểu liên quan đến sở, ngành. Hàng tháng sinh hoạt kết nối để tồng hợp kịp thời, báo cáo các kiến nghị của doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp các nhóm sở, ngành và báo cáo thông qua Hội đồng DDCI của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam, tập hợp báo cáo UBND tỉnh. Sau đó, hàng quý tập hợp họp giao ban các tổ và Hội đồng DDCI tổng kết công việc triển khai thực hiện. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam đề nghị UBND tỉnh tiếp tục tích cực quan tâm, tổ chức gặp gỡ, tiếp nhận ý kiến phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp nhằm kịp thời điều chỉnh chính sách trong phạm vi quyền hạn của UBND tỉnh hoặc có văn bản đề xuất với các cấp chính quyền cao hơn để giải quyết. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam sẽ là cơ quan giúp việc, tiếp nhận và cung cấp thông tin, đề xuất để UBND tỉnh giải quyết. Các sở, ngành, địa phương cần vào cuộc cùng với cộng đồng doanh nghiệp, kịp thời quan tâm, xử lý, giải quyết các văn bản của các doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cũng như các tổ chức khác, kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

Về chỉ số tiếp cận đất đai, hiện nay, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh có rất nhiều văn bản, ghi nhận ý kiến, đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh liên quan đến chỉ số này. Các ý kiến cộng đồng doanh nghiệp đã được UBND tỉnh cũng như các cấp chính quyền quan tâm, xem xét. Hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần các sở, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt để tháo gỡ. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt nhằm giải quyết các vấn đề liên quan. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục làm việc hỗ trợ tương tác với các doanh nghiệp đầu tư liên quan đến lĩnh vực đất đai, đền bù, giải tỏa, giao đất, cấp số cho thuê đất… để kịp thời thông tin đến các sở, ngành, địa phương.

“Với việc giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp thì chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh sẽ tăng điểm vượt bậc, góp phần làm tăng điểm số chung PCI tỉnh Quảng Nam năm 2024”, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam tin tưởng.

Nguồn: baodautu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *