Mối quan hệ giữa Hà Nội và vùng Ile-de-France (Pháp) được xem là mô hình kiểu mẫu về hợp tác cấp địa phương giữa Việt Nam và Pháp. Trong đó, riêng về lĩnh vực phát triển đô thị, thành phố thông minh bền vững, vùng Ile-de-France là đối tác quan trọng của Thủ đô Hà Nội.
Những dự án biểu tượng
Phát triển đô thị bền vững đã và đang trở thành xu thế của nhiều quốc gia nhằm tạo ra đô thị đáng sống, đô thị cân bằng với thiên nhiên, giảm dấu chân sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Vùng Ile-de-France (Pháp) có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Tại đây, phát triển giao thông công cộng xanh đảm bảo khả năng tiếp cận cơ bản của người dân về không gian xanh, năng lượng, tối ưu hóa nguồn tài nguyên. Ile-de-France dự kiến đến năm 2030 đạt 100% xe buýt sạch, đồng thời có các dự án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ mua phương tiện sạch từ năm 2021.
Đặc biệt, chính quyền vùng đã nỗ lực giảm tắc nghẽn giao thông thông qua dự án phát triển đường bộ thông minh với vốn đầu tư lên tới 200 triệu Euro. Ile-de-France cũng luôn chú trọng giảm thiểu chất thải rác thải nhựa trong các dự án xây dựng, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Thủ đô Hà Nội đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành đô thị thông minh, hiện đại. Do vậy, những kinh nghiệm của các chuyên gia Pháp và vùng
Ile-de-France sẽ là những bài học quý cho Hà Nội. Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Dương Đức Tuấn nhiều lần khẳng định, công tác quy hoạch và phát triển đô thị là một trong những nội dung ưu tiên hợp tác giữa Việt Nam và Pháp.
“Hà Nội hướng tới phát triển đô thị bền vững, đô thị xanh, đô thị phát huy giá trị di sản văn hóa, đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, xã hội phù hợp với quy hoạch và các chiến lược để đảm bảo chất lượng đô thị, chất lượng sống tốt nhất, trở thành nơi đáng sống nhất. Do đó, Hà Nội rất chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các vùng/quốc gia có bề dày trong phát triển đô thị, như Ile-de-France và nhiều địa phương khác của Pháp”, ông Dương Đức Tuấn chia sẻ.
Tuyến metro số 3, đoạn Nhổn – ga Hà Nội với tổng chiều dài 12,5 km (gồm 8,5 km trên cao và gần 4 km ngầm) được xem là dự án mang tính biểu trưng cho quan hệ hữu nghị, hợp tác phát triển đô thị bền vững giữa Việt Nam và Pháp. Chia sẻ về dự án này, ông Nicolas Warnery, Đại sứ Pháp tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng, Dự án sau khi đi vào hoạt động sẽ góp phần làm giảm ách tắc giao thông cũng như góp phần đảm bảo môi trường không khí cho Thủ đô Hà Nội”.
Đánh giá cao việc chính quyền Hà Nội trong thời gian gần đây đã có những kế hoạch rất cụ thể về phát triển đô thị xanh và bền vững, ông Stephane Bauet, Phó chủ tịch Hội đồng vùng Ile-de-France nhấn mạnh: “Riêng về giao thông công cộng, Hà Nội cần phải có những nghiên cứu và điều tra thường xuyên, không phải theo kỳ cuộc, mà phải thường xuyên tìm hiểu nhu cầu đi lại của người dân. Thời gian tới, chúng tôi cũng hỗ trợ Hà Nội trong vấn đề giao thông xanh, giao thông bền vững”.
Cùng với quy hoạch giao thông, không gian xanh cũng là một trong những ưu tiên trọng tâm của Hà Nội và Pháp. Theo ông Stephane Bauet, sau quá trình tu bổ và cải tạo, Vườn hoa Diên Hồng cũng là một trong những dự án tiêu biểu về quy hoạch không gian xanh công cộng theo hướng thân thiện với môi trường mà vùng Ile-de-France đã hợp tác với Hà Nội.
Việc cải tạo Vườn hoa Diên Hồng không chỉ mang giá trị di sản cảnh quan, mà còn đem lại giá trị môi trường đảm bảo tính bền vững của di sản cây xanh phong phú trong khu vực nội đô Hà Nội, duy trì các chức năng sinh thái do cây xanh mang lại về lâu dài.
Ông Trịnh Hoàng Tùng, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết: “Sau khi được cải tạo, vườn hoa Diên Hồng mang diện mạo hoàn toàn mới, được các chuyên gia và người dân đánh giá rất cao. Dự án đã áp dụng các biện pháp thi công mới, hướng tới phát triển bền vững. Không gian xanh trong vườn hoa được tăng lên đáng kể so với phương án cũ, việc lát nền hè đường được tính toán kỹ lưỡng trên nền cát, đầm chặt để tăng khả năng thẩm thấu nước mặt. Đây cũng là giải pháp hợp lý có thể áp dụng rộng rãi cho các dự án cải tạo vườn hoa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm”.
Bên cạnh các dự án không gian xanh, Hà Nội và Pháp còn hợp tác trong nhiều dự án như: kè hồ Hoàn Kiếm, bảo tồn di sản. Đây là các dự án đã và đang đem lại những kết quả tích cực trong phát triển đô thị bền vững.
Cần cách tiếp cận tổng thể
Ông Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam) chia sẻ, phát triển đô thị bền vững là một quá trình tất yếu để đảm bảo tính bền vững. Trước hết, để giảm thiểu tác động sinh thái, các thế hệ mai sau cần ý thức được rằng, lối sống, dấu chân sinh thái của chúng ta hiện tại quá lớn. Như vậy, phát triển bền vững là cần có lối sống tiết chế hơn, tiêu thụ ít năng lượng hơn và tôn trọng khí hậu trái đất hơn.
Để xây dựng đô thị xanh và bền vững ở cấp độ các đô thị, ông Emmanuel Cerise cho rằng, cần có cách tiếp cận tổng thể. “Trước hết, cần quan tâm tới hệ thống giao thông, nếu chỉ đơn thuần dựa vào các giải pháp kỹ thuật, thì hoàn toàn không đủ. Tức là, khi tính đến bài toán giao thông, thì cũng phải tính đến bài toán quy hoạch đô thị, quản lý đô thị. Mà nói đến quy hoạch đô thị, thì đó là quy hoạch các không gian công cộng như lòng đường, hè, phố, lối ra vào cho các hộ kinh doanh, chỗ đỗ xe…, phải có cái nhìn tổng thể”, Giám đốc PRX-Vietnam nói.
Tương tự như vậy, theo ông Emmanuel Cerise, chiếu sáng đô thị cũng là một lĩnh vực cần quan tâm, bởi đó là lĩnh vực tiêu tốn khá nhiều ngân sách và năng lượng. Nếu chỉ quan tâm đến khía cạnh kỹ thuật, thì chỉ cần thay thế các bóng đèn thông thường bằng những loại đèn tiết kiệm năng lượng, nhưng cần có cách quản lý tổng thể hơn. Chẳng hạn như giảm bớt việc chiếu sáng, các công trình công cộng không thực sự cần phải được chiếu sáng vào ban đêm hay trong các công viên, vườn hoa không nhất thiết phải bật những dãy đèn mà ánh sáng chỉ tỏa lên trời.
“Cần có sự hiểu đúng thế nào là tư duy sống xanh, nền kinh tế xanh và làm thế nào để đáp ứng cho nhiều khu vực khác nhau. Nhưng nếu chỉ dựa vào những biện pháp quá thiên về kỹ thuật, thì khó đạt được mục tiêu. Việc xây dựng một đô thị bền vững cũng cần phải đạt được hiệu quả về mặt kinh tế. Nếu chúng ta nhìn nhận mô hình phát triển kinh tế phổ biến hiện nay, tức là nền kinh tế tuyến tính, thì chắc chắn sẽ rơi vào bế tắc. Vậy nên, để hướng tới phát triển xanh, cho dù đó là một nền kinh tế hay một mô hình xã hội, cần dựa trên một mô hình kinh tế tuần hoàn. Đây thực sự là một thách thức, vì chẳng có ai thích ứng được ngay với mô hình này”, ông Emmanuel Cerise nhấn mạnh.
Chia sẻ về thách thức phải thay đổi lối sống, cách thức tiêu dùng, ông Emmanuel Cerise nhận định, với Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, vấn đề này khó hơn do đất nước đang trải qua giai đoạn tăng trưởng mạnh với sự phát triển xã hội theo hướng nhu cầu tiêu thụ nhiều và đòi hỏi sự tiện nghi. Chúng ta không thể bắt mọi người phải sống thiếu tiện nghi hay không được sử dụng những sản phẩm mà trước đây họ chưa từng được sử dụng. Tuy nhiên, cần nêu cao ý thức về những tác động của lối tiêu dùng đó và dần dần thay đổi theo hướng tiêu dùng một cách hợp lý hơn. Không chỉ với mỗi cá nhân, mà ngay cả với các doanh nghiệp cũng cần phải có cách tổ chức sản xuất hợp lý hơn.
Trong giai đoạn hiện nay, sự tăng trưởng mạnh cả về kinh tế và dân số là thuận lợi, nhưng cũng kéo theo nhiều vấn đề cần giải quyết như phát thải nhiều khí CO2, vì các dạng năng lượng đang được sử dụng phổ biến dựa nhiều vào nguồn năng lượng hóa thạch. Nhưng lợi thế của một xã hội có dân số trẻ và năng động cho phép điều chỉnh để thích nghi, nhằm hướng tới những mô hình hợp lý hơn, hoàn hảo hơn.
“Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng cần tận dụng 2 yếu tố này để xây dựng một mô hình xã hội phát triển hơn. Tôi tin rằng, thế hệ trẻ Việt Nam luôn sẵn sàng để đón nhận những thay đổi hướng tới một mô hình phát triển bền vững hơn. Đó là một tín hiệu vô cùng tích cực”, ông Emmanuel Cerise bày tỏ.
Đầu năm 2022, UBND TP. Hà Nội và Hội đồng vùng Ile-de-France ký kết Chương trình hành động Hà Nội – Ile-de-France giai đoạn 2022 – 2025, thể hiện mong muốn hợp tác của hai bên trong các lĩnh vực: môi trường và phát triển bền vững; quy hoạch đô thị; phát triển kinh tế; văn hóa, di sản và du lịch; sáng tạo và nghiên cứu.