Ngày càng nhiều tập đoàn Trung Quốc có quy mô quốc tế trong các lĩnh vực công nghệ, điện tử, năng lượng tái tạo… đầu tư vào Việt Nam.
Vốn Trung Quốc dồn dập đến Việt Nam
Một tháng trước, đoàn công tác của Tập đoàn Sunwoda (Trung Quốc) đã tới Bắc Giang để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Ông Hạng Hải Tiêu, Giám đốc điều hành Tập đoàn cho biết, Sunwoda có kế hoạch xây một nhà máy chuyên sản xuất linh kiện điện tử, như pin điện thoại, máy tính…, với vốn đầu tư dự kiến 300 triệu USD.
Trước đây, Sunwoda đã có một xưởng sản xuất nhỏ ở Bắc Giang và giờ đây, tiếp tục mở rộng đầu tư với quy mô khá lớn. Nhiều khả năng, dự án này sẽ sớm được triển khai, bởi Sunwoda đã ký thỏa thuận về nguyên tắc việc đầu tư vào Khu công nghiệp Yên Lư với Công ty cổ phần Bất động sản Capella. Cũng không loại trừ khả năng, Sunwoda tiếp tục đầu tư mở rộng vào tỉnh này, bởi theo chia sẻ của ông Hạng Hải Tiêu, căn cứ vào sự phát triển sản xuất tại Việt Nam, Tập đoàn sẽ có hướng đầu tư trong những năm tiếp theo.
Sunwoda không phải là doanh nghiệp Trung Quốc duy nhất đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư thời gian gần đây. Mới tuần trước, một đoàn doanh nghiệp Trung Quốc đã tới Hải Phòng để thảo luận về các dự án mà họ muốn đầu tư tại Việt Nam. Trong khi đó, đầu tháng 8/2024, trong khuôn khổ chuyến xúc tiến đầu tư tại Trung Quốc, lãnh đạo TP. Hải Phòng đã trao chứng nhận đầu tư cho hàng loạt dự án, với tổng vốn đầu tư gần 200 triệu USD. Nhiều dự án quy mô lớn khác cũng đã được trao biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác đầu tư.
Điều này phản ánh khá đúng xu hướng gần đây, khi đầu tư từ Trung Quốc dồn dập đến Việt Nam, đặc biệt kể từ sau khi nền kinh tế này quyết định gỡ bỏ chính sách Zero-Covid vào đầu năm 2023. Số liệu thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, năm 2023, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 4,5 tỷ USD, tăng gần 80% so với cùng kỳ năm trước.
Bảy tháng năm nay, con số là gần 1,65 tỷ USD, tuy giảm so với cùng kỳ năm 2023, nhưng vẫn là một con số tích cực. Tính về số vốn, Trung Quốc đứng thứ 4 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam trong 7 tháng qua. Nhưng tính về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới, chiếm 29,7%.
“Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam gần đây tăng mạnh, với sự xuất hiện của nhiều tập đoàn quy mô quốc tế trong các lĩnh vực công nghệ, điện – điện tử, chế biến, chế tạo, hạ tầng cơ sở, năng lượng tái tạo…”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận xét.
Đúng là bên cạnh các dự án mang tính chất “truyền thống”, như Điện lực Vĩnh Tân, quy mô 2 tỷ USD ở Bình Thuận; Lốp xe Radian, 1 tỷ USD, ở Tây Ninh; hay 2 nhà máy sản xuất sợi Brotex Việt Nam, 570 triệu USD và 534 triệu USD, cũng ở Tây Ninh…, thì những năm gần đây, các doanh nghiệp Trung Quốc, bao gồm cả Đài Loan (Trung Quốc) và Hồng Kông (Trung Quốc), đã đầu tư nhiều dự án quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ, điện tử ở Việt Nam. Sự xuất hiện của các dự án của BYD, Goertek, Foxconn… là minh chứng.
Đón chờ dòng vốn chất lượng cao
Nhận định của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và xu hướng đầu tư gần đây của các doanh nghiệp Trung Quốc cho thấy, chất lượng dòng đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể. Nếu trước đây, các dự án đầu tư của Trung Quốc chủ yếu trong các lĩnh vực dệt may, da giày, thì giờ đây, đó là các dự án trong lĩnh vực công nghệ, điện, điện tử…
Đầu năm nay, Tập đoàn Victory Giant Technology đã quyết định đầu tư dự án nghiên cứu, phát triển sản xuất và kinh doanh bảng mạch có độ chính xác cao, với vốn đầu tư hơn 800 triệu USD, tại Bắc Ninh. Còn Tập đoàn BYD, dù đang trì hoãn kế hoạch xây nhà máy sản xuất xe điện tại Việt Nam, nhưng mảng linh kiện điện tử vẫn không ngừng được mở rộng đầu tư. Hiện tại, nhà máy sản xuất của BYD tại Phú Thọ vẫn sản xuất linh, phụ kiện cho “ông lớn” Apple.
Trong khi đó, Tập đoàn Runergy vẫn đang nỗ lực với dự án 440 triệu USD, chuyên sản xuất các loại linh kiện bán dẫn, bao gồm thanh silic và tấm đĩa bán dẫn, tại Nghệ An. Nếu mọi việc thuận lợi, Runergy dự kiến nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 1,2-1,4 tỷ USD. Power China, Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc, Công ty Pin điện tử Haosen… cũng nằm trong những doanh nghiệp Trung Quốc có kế hoạch đầu tư mới vào Việt Nam thời gian tới.
Không chỉ là các tập đoàn trên, trong khuôn khổ chuyến công du tới Trung Quốc hồi cuối tháng 6/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp nhiều tập đoàn lớn của Trung Quốc, như Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương, hay Tập đoàn Thiên Doanh. Trong đó, Thiên Doanh là một tập đoàn đa quốc gia, hoạt động trong lĩnh vực năng lượng mới không carbon, dịch vụ môi trường thông minh và tái chế, đã đầu tư 4 dự án điện rác ở Hà Nội, Phú Thọ, Thanh Hóa, Hải Dương, tổng mức đầu tư khoảng 800 triệu USD…
“Thiên Doanh mong muốn tham gia cùng Việt Nam trong phân loại, xử lý rác trên toàn quốc; đồng thời, triển khai các dự án điện mặt trời, điện gió, hydro xanh tại Việt Nam”, ông Nghiêm Thánh Quân, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Doanh cho biết như vậy.
Đây là các lĩnh vực mà Việt Nam đang khuyến khích đầu tư. Gặp gỡ các doanh nghiệp Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kêu gọi họ đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng giao thông kết nối, các dự án đường sắt nội đô, các dự án công nghệ cao… tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng bày tỏ mong muốn rằng, các nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm, tăng cường hợp tác, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, đưa các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị hàng hóa toàn cầu.
Khi quan hệ hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc được đẩy mạnh, đó cũng sẽ là điều kiện thuận lợi để dòng đầu tư từ Trung Quốc chảy vào Việt Nam mạnh mẽ hơn và quan trọng là sẽ có chất lượng hơn.