(FDI Việt Nam) – Trong cuộc phỏng vấn với Báo Điện tử Chính phủ, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, nhận định rằng Việt Nam đang có cơ hội lớn để gia nhập làn sóng tiền kỹ thuật số (KTS) toàn cầu. Ông cho rằng, nếu xây dựng được một khung pháp lý phù hợp, Việt Nam không chỉ kiểm soát được các rủi ro mà còn tạo ra điều kiện thuận lợi để nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ và theo kịp các xu hướng toàn cầu.

Cần làm rõ các khái niệm về kinh tế số
Thưa ông, hiện nay có một số khái niệm về tiền mà không phải ai cũng phân biệt được sự khác nhau như tiền kỹ thuật số, tiền điện tử, tiền ảo, tiền mã hóa… Ông có thể làm rõ hơn về các khái niệm này được không?
TS. Cấn Văn Lực: Tiền kỹ thuật số (digital currency) là phạm trù bao trùm, gồm tất cả các loại tiền tệ tồn tại dưới dạng.
Tiền điện tử (electronic money), theo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), là giá trị tiền tệ được lưu trữ trên thiết bị điện tử, phổ biến trong việc thực hiện giao dịch thanh toán, chuyển khoản. Đây là đồng tiền pháp định, đã được luật hóa và sử dụng rộng rãi trên toàn cầu và ở từng quốc gia. Tại Việt Nam, tiền điện tử đã tồn tại từ lâu và được quy định trong các văn bản pháp luật như Luật Các tổ chức tín dụng 2024 và Nghị định 52/2024/NĐ-CP.
Trong khi đó, tiền ảo (virtual currency) là loại tiền kỹ thuật số không chịu sự quản lý của cơ quan chức năng, không phải là tiền pháp định, được phát hành bởi các nhà phát triển phần mềm, những người đồng thời kiểm soát hệ thống. Tiền ảo được sử dụng và chấp nhận thanh toán trong cộng đồng ảo nhất định. Tiền mã hóa (crypto currency), như bitcoin, ethereum, XRP, Tether, Pi, là một dạng tiền ảo đặc biệt.

Vậy, tiền kỹ thuật số có hai dạng chính: một là tiền pháp định, được phát hành bởi ngân hàng trung ương của một quốc gia (ví dụ như tiền điện tử của các ngân hàng trung ương); và hai là tiền không phải tiền pháp định, không chính thống, được phát hành bởi các cá nhân hoặc tổ chức khác (như Bitcoin, Onecoin, Ethereum…), và thường được gọi là tiền ảo hoặc tiền mã hóa.
4 nguyên tắc nhất định phải có khi xây dựng khung pháp lý
Theo ông, đâu là những nguyên tắc cốt lõi mà Việt Nam cần áp dụng trong việc xây dựng khung pháp lý cho tiền kỹ thuật số, nhằm vừa kiểm soát rủi ro, vừa thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này?
TS. Cấn Văn Lực: Tôi cho rằng để quản lý tiền kỹ thuật số một cách hiệu quả, Việt Nam cần dựa trên bốn nguyên tắc quan trọng:
Thứ nhất: Khung pháp lý phải bám sát tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, hướng đến việc kiến tạo và thúc đẩy phát triển song song với kiểm soát rủi ro.
Thứ hai: Cần tháo gỡ những rào cản trước mắt đồng thời có tầm nhìn dài hạn để đảm bảo tính bền vững của chính sách. Khung pháp lý cần có độ ổn định, khả năng dự báo cao và không gây ra gánh nặng chi phí đối với doanh nghiệp và người dân.
Thứ ba: Phải đón đầu các xu thế lớn trên thế giới, đặc biệt là những thay đổi liên quan đến khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế số và tài sản số. Việc sớm ban hành khung pháp lý sẽ giúp Việt Nam tận dụng cơ hội phát triển, đồng thời giảm thiểu rủi ro, thúc đẩy nền kinh tế vận hành an toàn và lành mạnh.
Thứ tư: Đảm bảo tính khả thi, hiệu lực và hiệu quả. Chính sách khi ban hành phải có tính ứng dụng cao, dễ dàng thực thi và không tạo thêm gánh nặng về chi phí. Đồng thời, phải phù hợp với cam kết quốc tế cũng như hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Nhiều quốc gia đã phát hành tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC). Theo ông, Việt Nam có nên nghiên cứu và triển khai một đồng tiền số quốc gia? Nếu có, điều này sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế?
TS. Cấn Văn Lực: Tôi cho rằng việc nghiên cứu và triển khai đồng tiền kỹ thuật số quốc gia là cần thiết. Về việc triển khai CBDC, tôi đề xuất Việt Nam có thể học hỏi mô hình thử nghiệm của Trung Quốc: Thí điểm tại một số địa phương hoặc thông qua các ngân hàng thương mại lớn, sau đó tổng kết, đánh giá và quyết định có mở rộng hay không.
Là một chuyên gia kinh tế, ông có những góp ý, khuyến nghị nào cho Chính phủ trong việc hoàn thiện khung pháp lý cho tiền kỹ thuật số, để vừa nắm bắt cơ hội vừa tránh nguy cơ tụt hậu sau khi xây dựng chính sách?
TS. Cấn Văn Lực: Trong vòng 5-10 năm tới, xu hướng phát triển tiền kỹ thuật số trên toàn cầu sẽ tác động mạnh đến Việt Nam. Để không bị tụt hậu, tôi cho rằng chúng ta cần thực hiện bốn nhiệm vụ trọng tâm, toàn diện như:
Một là, sớm xây dựng khung pháp lý cho tài sản số nói chung và tiền kỹ thuật số nói riêng, theo hướng có thử nghiệm, rồi đánh giá sơ kết, để quyết định nhân rộng hay thu hẹp. Trước mắt, Chính phủ cũng cần sớm ban hành Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox”) trong hoạt động Fintech (công nghệ tài chính) trong lĩnh vực ngân hàng, sau đó là trong các lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư… vừa kiến tạo phát triển, vừa kiểm soát rủi ro.
Hai là, xu hướng tiền KTS do Ngân hàng Trung uơng phát hành (CBCD) sẽ ngày càng phổ biến. Vì vậy, Việt Nam cần sớm có nghiên cứu đầy đủ, nghiêm túc và có cách tiếp cận phù hợp với tiền KTS nói chung và tiền CBCD nói riêng, bao gồm cả tiền CBCD do nước khác phát hành và mong muốn được giao dịch, chấp nhận tại Việt Nam.
Ba là, Chính phủ cần cấp phép hoạt động cho các sàn giao dịch và đưa ra tiêu chí rõ ràng để đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư. Về lâu dài, chúng ta cần tính đến chuyện thu thuế đối với các giao dịch tiền KTS, giao dịch trong hoặc ngoài sàn.
Cần phải quan tâm, nâng cao hiểu biết của người dân, doanh nghiệp, địa phương, kể cả cơ quan quản lý. Xây dựng chương trình giáo dục tài chính rộng rãi về tài sản số và tiền kỹ thuật số dành cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý
Cuối cùng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ, ngành để đảm bảo rằng các chính sách liên quan đến tiền KTS được thực thi một cách đồng bộ và hiệu quả. Việc phối hợp này sẽ giúp hạn chế tình trạng chồng chéo hoặc bỏ sót trong quản lý, đồng thời tạo tiền đề cho việc phát triển bền vững lĩnh vực này trong tương lai.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Nguồn: Báo chính phủ