Trong mùa ĐHCĐ thường niên năm 2024, nhiều DN đã tiết lộ kế hoạch niêm yết, chuyển sàn đối với các công ty con trong hệ sinh thái. Đây là động thái được cho là đón đấu cơ hội huy động vốn khi TTCK Việt Nam nâng hạng.
Đồng loạt bàn kế hoạch lên sàn
Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) đã lên kế hoạch chuyển đổi các công ty con từ mô hình công ty TNHH sang công ty cổ phần. Theo đó, Công ty TNHH MTV Hoa Sen Phú Mỹ sẽ chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Ống thép Hoa Sen, tiếp nhận toàn bộ hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh ống thép.
Sau khi hoàn tất chuyển đổi, tiếp nhận mảng ống thép và kinh doanh có lợi nhuận, HSG sẽ tiến tới phương án phát hành cổ phiếu ra đại chúng và niêm yết cổ phiếu của Công ty cổ phần Ống thép Hoa Sen trên thị trường chứng khoán. Thời gian thực hiện chủ trương tái cấu trúc này là từ 1-5 năm. Cùng với đó, HSG cũng dự kiến chuyển đổi hệ thống Hoa Sen Home thành Công ty cổ phần Hoa Sen Home, đồng thời phát hành, niêm yết cổ phiếu của Công ty cổ phần Nhựa Hoa Sen trên thị trường chứng khoán.
Theo ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, các nhà đầu tư sẽ không còn chỉ so sánh cổ phiếu HSG với các cổ phiếu cùng ngành khác như HPG, NKG,… mà sẽ có thêm nhiều cổ phiếu khác trong hệ sinh thái của Hoa Sen.
Công ty cổ phần Tập đoàn Bamboo Capital (HoSE: BCG) cũng dự kiến đưa 2 công ty trong hệ sinh thái lên sàn chứng khoán trong thời gian là Công ty cổ phần BCG Energy và Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA.
Tại BCG Energy, BCG đã hạ tỷ lệ kiểm soát và tỷ lệ lợi ích từ 82,18% (quý III/2023) xuống còn 50,66% (quý I/2024). BCG đã lên kế hoạch IPO và và niêm yết, đại chúng hoá BCG Energy từ đầu năm 2023 và hiện vẫn đang trong lộ trình thực hiện.
Về Bảo hiểm AAA, BCG cho biết đang triển khai thực hiện hồ sơ tăng vốn điều lệ và đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống UPCoM. Trước đó, vào cuối năm 2023, BCG đã thành công đưa Công ty cổ phần BCG Land (UPCoM: BCR) lên hệ thống giao dịch UPCoM.
Tại ĐHCĐ của Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG), ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT cho biết, chuỗi Bách hoá Xanh (BHX) không còn trong giai đoạn bù lỗ, chỉ tập trung phát triển và sẽ thực hiện niêm yết công ty con đang sở hữu Bách hoá Xanh theo cam kết với nhà đầu tư.
“Bách hoá Xanh khi đủ lớn, có lợi nhuận vài nghìn tỷ đồng sẽ có thể bước lên sàn chứng khoán”, Chủ tịch MWG cho biết.
Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG) cho biết, việc niêm yết các công ty con trong hệ sinh thái vẫn đang tương đối mở, phụ thuộc vào phản ứng của thị trường. Kế hoạch IPO và niêm yết các công ty con chủ lực vẫn đang nằm trong sự cân nhắc của ban giám đốc để tối ưu hoá phần vốn. Khi các công ty này hoạt động tốt hơn, ban giám đốc sẽ có những chia sẻ chính thức về vấn đề này với cổ đông.
Bên cạnh kế hoạch niêm yết, Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, UPCoM: MCH) mới đây cũng đã công bố tờ trình về việc niêm yết toàn bộ cổ phiếu đang lưu hành của công ty trên Sở giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE). Trước đó, MCH đã chào sàn UPCoM vào năm 2017 và có 7 năm giao dịch liên tiếp trên hệ thống này.
Chứng khoán thiếu hàng mới
“Khan hàng” trên thị trường chứng khoán là bài toán nan giải trong những năm gần đây khi số lượng doanh nghiệp niêm yết mới rất ít.
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến các doanh nghiệp không mặn mà với việc lên sàn như gặp nhiều rào cản về các quy định niêm yết mới, hay do lo ngại vì các hành vi thao túng chứng khoán trên thị trường.
Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết nhiều doanh nghiệp quy mô lớn lo ngại về khả năng huy động khi lên sàn do nguồn vốn nội và ngoại vào thị trường chứng khoán đều đã đạt đến giới hạn nhất định, trừ khi thị trường được nâng hạng.
Theo đó, Chính phủ và các cơ quan quản lý đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp trong thời gian qua để hoàn thiện các tiêu chí do các tổ chức quốc tế đề ra trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán, từ nâng cấp công nghệ đến lấy ý kiến để sửa đổi quy định pháp lý liên quan.
Theo dự báo của giới phân tích, nếu đáp ứng được các tiêu chí của FTSE, đến tháng 9/2025, chứng khoán Việt Nam có thể được chính thức nâng hạng lên thị trường mới nổi. Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) ước tính, giá trị dòng vốn thụ động tối thiểu chảy vào thị trường Việt Nam đạt khoảng 882 triệu USD khi quyết định nâng hạng của FTSE có hiệu lực, dòng vốn chủ động có thể lớn hơn gấp 10 lần.
Việc hàng loạt doanh nghiệp, tập đoàn nô nức đưa ra các kế hoạch niêm yết đối với cá công ty con là tín hiệu tốt đối với thị trường chứng khoán đang trong trạng thái “khan hàng” nhiều năm qua. Những cổ phiếu mới này nếu lên sàn theo đúng lộ trình có thể đón được làn sóng nâng hạng thị trường, hưởng lợi dòng vốn hàng chục, hàng trăm triệu USD chảy vào Việt Nam.
Ngoài ra, việc các công ty này lên sàn cũng có thể gia tăng tính minh bạch thông tin của toàn bộ hệ sinh thái các tập đoàn lớn, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) thông qua các giao dịch trên sàn.
Nguồn: vietnamfinance.vn