Ngân hàng bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý I/2024, với lợi nhuận có sự phân hóa rõ nét giữa các nhà băng.

Lợi nhuận quý I/2024 giảm nhẹ

PGBank (PGB) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024. Theo báo cáo, lợi nhuận trước thuế quý I/2024 của ngân hàng này đạt 116 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế là 93 tỷ đồng, giảm 24%. Trong khi tổng thu nhập hoạt động quý 1/2024 của PGBank giảm 3,8% so với cùng kỳ, chỉ đạt 376 tỷ đồng, thì chi phí hoạt động lại tăng 16,8% lên 218 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro giảm 17,6%, ở mức 42 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính khiến tổng thu nhập hoạt động sụt giảm đến từ các mảng kinh doanh phi tín dụng. Ngân hàng ghi nhận lỗ thuần 9 tỷ đồng từ hoạt động dịch vụ, trong khi cùng kỳ có lãi 14 tỷ. Thu nhập lãi thuần trong khi đó tăng 11,3%, đạt 378 tỷ đồng.

Tại ngày 31/3/2024, tổng tài sản PGBank là 58.764 tỷ đồng, tăng 5,9% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng giảm 0,4% xuống 35.185 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 4,2% lên 37.244 tỷ đồng. Nợ xấu cuối quý I/2024 là 1.033 tỷ đồng, tăng 2,4% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 2,85% lên 2,93%.

Tuy nhiên, PGBank vẫn lên kế hoạch kinh doanh năm 2024 tăng trưởng mạnh so với năm 2023. Ngày 20/4 tới đây, PGBank sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên, trình cổ đông thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 là 554 tỷ đồng, tăng gần 58% so với năm 2023. PGBank dự kiến tổng thu thuần đạt mức 2.086 tỷ đồng, tăng gần 49,7% so với thực hiện năm 2023. Chi phí hoạt động và dự phòng được dự báo sẽ tăng thêm 46,9%, lên 1.532 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ các chi phí, lợi nhuận trước thuế năm 2024 của PGBank dự kiến đạt 554 tỷ đồng.

LPBank công bố, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 2.886 tỷ đồng, tăng tới 84,36% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.299 tỷ đồng, tăng 84,88% so với cùng kỳ. Trong tổng thu thuần từ các hoạt động kinh doanh quý I của LPBank, lãi thuần từ dịch vụ chiếm tới 18,29%, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2023. Mảng kinh doanh ngoại hối cũng khá ấn tượng khi chiếm tỷ trọng 3,31%.

Anh man hinh 2024 04 20 luc 21.46.41
Ngân hàng bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý I/2024 

Nhờ kiểm soát chi phí hoạt động ở mức hợp lý nên tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập thuần) cuối quý I đạt 30,74%, giảm 6,13% so với cuối năm trước và giảm tới 12,16% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi tăng trưởng huy động đạt 6,72% so với cuối năm 2023 (ở mức 304.531 tỷ đồng) thì đầu ra tín dụng của LPBank cũng rất khả quan. Tăng tín dụng so với cuối năm 2023 đạt 11,71% (ở mức 307.708 tỷ đồng). Nhìn chung, với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ROEA tại thời điểm cuối Quý 1/2024 là 26,07%, LPBank ở mức cao tương đối so với mặt bằng các ngân hàng thương mại.

SeABank hé lộ lãi trước thuế tăng gần 41% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 1.506 tỷ đồng. Trong kỳ, ngân hàng này gặt về 2.706 tỷ đồng tổng thu nhập hoạt động, tăng 19,54%; tổng doanh thu đạt 6.438 tỷ đồng, tăng 4,6%. Tổng huy động từ tiền gửi và giấy tờ có giá của ngân hàng này cũng tăng 4,3% so với cùng kỳ, đạt 168.605 tỷ đồng, đồng thời, tổng dư nợ cho vay tăng 1.487 tỷ đồng, đạt 181.238 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,95%.

Tại đại hội ngày 4/4, Tổng Giám đốc ACB ông Từ Tiến Phát cho biết, hoạt động kinh doanh của ACB quý I khá tốt. Tín dụng tăng 3,7% so với cuối năm, cao hơn số toàn ngành hơn gấp đôi toàn ngành và hơn hẳn so với cùng kỳ khi quý I năm ngoái giảm 0,6%. Huy động vốn tăng trưởng 2,1%, huy động tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng tốt hơn mức chung đạt 4,6%, tỷ lệ CASA cải thiện từ 22% lên 23% và cố gắng giữ vị trí top 5.

Lợi nhuận dự kiến 4.900 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ, nhưng bám sát với kế hoạch năm 2024 (ACB đặt chỉ tiêu lợi nhuận 2024 ở mức 22.000 tỷ đồng, tăng 10% so với 20223). Kết quả này giảm nhẹ so với cùng kỳ, nguyên nhân, theo ông Phát, do tăng trưởng tín dụng cao nên trích lập dự phòng chung cao hơn cùng kỳ. Nhưng trong quý I/2024, ACB có khoản thu nhập bất thường khoảng 360 tỷ đồng từ đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Do đó, lợi nhuận ACB quý I/2024 đạt ở mức khả quan, nếu loại trừ lợi nhuận cốt lõi vẫn tăng 3%.

Tương tự, tại ĐHCĐ ngày 2/4, Chủ tịch HĐQT VIB ông Đặng Khắc Vỹ cũng cho hay, tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng đầu năm nay là 1%, cao hơn mức trung bình ngành. Mặc dù, các ngân hàng mất 1 tháng hoạt động trong kỳ tết và các hoạt động kinh doanh bảo hiểm khó tránh ảnh hưởng nên toàn thị trường giảm sút nhiều.

Trong quý I/2024, VIB đạt lợi nhuận 2.600 tỷ đồng, giảm nhẹ so với quý cùng kỳ của 2023, nhưng so với kế hoạch 12.000 tỷ đồng đưa ra năm nay, lãnh đạo VIB cho biết, hoàn toàn khả thi. 3 tháng đầu năm 2024, VIB đã thu lại 200 tỷ đồng từ xử lý rủi ro. Với việc thị trường bất động sản đang ấm lên và thêm các giải pháp thu hồi nợ, ngân hàng này cũng kỳ vọng có thu nhập bất thường 1.000- 1.500 tỷ từ thu hồi các khoản nợ đã xử lý rủi ro.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cũng cho hay, lãi trước thuế của ngân hàng trong quý I/2024 dự kiến khoảng 1.000 – 1.200 tỷ đồng. Tín dụng tăng 4,6%. Trong khi đó, SeABank công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 1.506 tỷ đồng, tăng gần 41% so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng thu nhập hoạt động quý I/2024 của ngân hàng đạt 2.706 tỷ đồng, tăng 19,54%; Tổng doanh thu đạt 6.438 tỷ đồng, tăng 4,6%. Đồng thời, thu thuần ngoài lãi (NOII) của SeABank ghi nhận con số tăng trưởng gần 51% so với cùng kỳ, đạt 705 tỷ đồng.

Ngân hàng lớn khó tránh ảnh hưởng

Trong quý I/2024, SSI dự báo một số ngân hàng như VPBank, HDBank, Techcombank và OCB sẽ chứng kiến lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ trong khi MB và Vietcombank có thể ghi nhận lợi nhuận đi lùi. SSI Research vừa công bố báo cáo cập nhật ngành ngân hàng với ước tính tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của nhóm theo dõi trong quý I/2024 ở mức từ 5 đến 7,5%. Trong nhóm các ngân hàng được khảo sát, VPBank, HDBank, Techcombank và OCB được kỳ vọng có lợi nhuận tăng so với cùng kỳ, trong khi MB và Vietcombank có thể ghi nhận lợi nhuận đi lùi.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, lợi nhuận của ngành ngân hàng nhìn chung sẽ vẫn yếu do tăng trưởng tín dụng chỉ tăng tốc vào cuối tháng 3 và hoạt động dịch vụ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nợ quá hạn có thể tăng lên, trong khi biên lãi thuần (NIM) vẫn chịu áp lực và tăng trưởng tín dụng vẫn yếu.

Với Vietcombank, SSI dự báo lợi nhuận trước thuế của VCB trong quý I/2024 sẽ đạt 10.600 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ do tăng trưởng tín dụng dự báo tụ khoảng 1% so với cuối năm 2023 và NIM chưa cải thiện. BIDV và VietinBank, SSI kỳ vọng lợi nhuận tăng khoảng 5%. Trong đó, BIDV có thể ghi nhận lợi nhuận 7.000 đến 7.300 tỷ đồng trong quý I/2024 nhờ tăng trưởng tín dụng và huy động ở mức 1%. Với VietinBank, mặc dù tăng trưởng tín dụng có thể đạt mức 3 -4% so với đầu năm, ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục củng cố bộ đệm rủi ro bằng cách đẩy mạnh trích lập dự phòng. Do đó, lợi nhuận trước thuế dự báo tăng nhẹ 5% lên 6.300 – 6.400 tỷ đồng.

Còn với MB, SSI ước tính lợi nhuận trước thế hợp nhất dự kiến đạt khoảng 6.300 đến 6.400 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là bởi mức tăng trưởng tín dụng thấp, nhỏ hơn 1% và xu hướng nợ quá hạn tăng lên. Trong khi đó, SSI cho rằng, ngân hàng mẹ có thể duy trì mức lợi nhuận sau thuế tương đương với cùng kỳ. Mặt khác, MBS có thể đạt mức tăng trưởng mạnh trong khi hoạt động kinh doanh của MCredit và MBAgeas Life không mấy thuận lợi.

Nhóm ngân hàng VPBank, HDBank, Techcombank và OCB được kỳ vọng có lợi nhuận tăng so với cùng kỳ do tăng trưởng tín dụng tốt hơn so với trung bình của ngành. Trong đó, lợi nhuận của Techcombank dự báo sẽ tăng 20 – 24% so với cùng kỳ, lên 6.700 đến 7.000 tỷ dồng nhờ tăng trưởng tín dụng 6 – 7% trong quý IV. Lợi nhuận VPBank dự kiến ở mức 3.700 đến 3.900 tỷ đồng, tăng 45% đến 53% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng đạt 2% và chi phí vốn cải thiện.

Riêng HDBank, SSI dự báo mức lợi nhuận trước thuế 4.000 đến 4.200 tỷ đồng, tăng 46% – 53% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 6% trong quý I/2024. Đồng thời, mức tăng trưởng tín dụng mạnh vào cuối năm ngoái cũng sẽ đóng góp nguồn thu nhập lãi đáng kể trong quý I năm nay.

SSI kỳ vọng lợi nhuận OCB sẽ đạt 1.100 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ nhờ NIM phục hồi. SSI ước tính tăng trưởng tín dụng và huy động của ngân hàng lần lượt ở mức 4,6% và 5% so với đầu năm. Các chuyên viên phân tích ước tính có khoảng 375 tỷ đồng thu nhập lãi bị thoái thu trong quý IV/2023 có thể được ghi nhận trở lại vào quý I/2024. Các ngân hàng Sacombank, MSB và TPBank kỳ vọng lợi nhuận đi ngang hoặc tăng trưởng dưới 10%. Trong khi đó, một số ngân hàng như LPBank, SeABank, VIB, ACB … đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2024 phân hóa rõ nét giữa các nhà băng.

Cả năm 2024, SSI cũng đã điều chỉnh lại mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế so với dự báo đã công bố hồi tháng 1/2024. Nhưng nhìn chung ước tính lợi nhuận vẫn khá phù hợp với những gì đã công bố trước đó. SSI dự báo các yếu tố cơ bản có thể dần cải thiện trong nửa cuối năm 2024 khi tỷ lệ hình thành nợ xấu có thể thấp hơn dự kiến nếu tốc độ hồi phục của thị trường bất động sản và nền kinh tế duy trì được nhịp độ tốt, NIM cải thiện và thu từ nợ xấu đã xóa tốt hơn dự kiến.

Tuy nhiên, ngành ngân hàng cũng có thể đối mặt với một số rủi ro như: Lãi suất huy động tăng cao hơn dự kiến do áp lực tỷ giá; tỷ lệ hấp thụ thấp hơn dự kiến tại các dự án bất động sản dự kiến sẽ mở bán trong thời gian tới; và việc kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động cho vay với bên liên quan.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD vừa được NHNN đưa ra cho thấy, do kỳ vọng nền kinh tế có diễn biến tích cực, ngành sản xuất, xuất khẩu dần phục hồi, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “cải thiện” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.

Mặt bằng lãi suất huy động- cho vay trong quý II và năm 2024 tiếp tục ở mức thấp. Dư nợ tín dụng toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 3,8% trong quý II và tăng 13,6% trong năm 2024, điều chỉnh giảm 0,6 điểm phần trăm so với mức dự báo 14,2% tại kỳ điều tra trước. Các TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý II, nhưng vẫn thận trọng khi kỳ vọng cả năm 2024 với 70,9-72,7% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý II và cả 2024.

Theo đó, các TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế có thể phục hồi từ quý II/2024 với 57,3% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng so với quý I/2024, 30,9% TCTD kỳ vọng “không đổi” và 11,8% TCTD lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm. Năm 2024, 86,2% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2023, bên cạnh đó, vẫn có 10,1% TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2024 và 3,7% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Nguồn: baodautu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *