(FDI Việt Nam) – Bộ Xây dựng vừa chính thức phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2050, mở ra cơ hội lớn cho phát triển kinh tế biển tại địa phương.

Theo quy hoạch, cảng biển Quảng Ngãi bao gồm các khu bến quan trọng như Dung Quất, Sa Kỳ, Mỹ Á, Bến Đình (đảo Lý Sơn) cùng với các bến cảng tiềm năng khác trong khu kinh tế Dung Quất.

Hệ thống này không chỉ phục vụ giao lưu giữa đất liền và đảo Lý Sơn mà còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội địa phương, đồng thời bao gồm các khu neo đậu, chuyển tải và tránh bão.

Phát triển thêm các bến cảng mới tại cảng biển Quảng Ngãi

Mục tiêu đến năm 2030, cảng biển Quảng Ngãi được quy hoạch để đáp ứng lượng hàng hóa thông qua từ 47,20 – 48,20 triệu tấn và phục vụ 1,13 – 1,26 triệu lượt hành khách. Hạ tầng sẽ bao gồm 11 bến cảng với 41 cầu cảng, tổng chiều dài 8.251,5 m (chưa tính các bến cảng khác).

cảng biển quảng ngãi
Năm 2024, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Quảng Ngãi đạt khoảng 45,75 triệu tấn – Ảnh minh họa.

Với tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Quảng Ngãi đặt mục tiêu tăng trưởng hàng hóa bình quân 4,5% – 5,5%/năm, đồng thời phát triển thêm các bến cảng mới để đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa ngày càng tăng.

Trong đó, các bến cảng tại khu bến Dung Quất sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong hệ thống cảng biển Quảng Ngãi, với quy mô dự kiến đến năm 2030 gồm 9 bến cảng (38 cầu cảng) có tổng chiều dài 7.861 m (không bao gồm các bến cảng khác).

Hạ tầng hàng hải công cộng sẽ tiếp tục duy trì chuẩn tắc luồng hiện hữu, cho phép tàu có trọng tải lên đến 200.000 tấn lưu thông an toàn.

Trong trường hợp huy động được nguồn lực xã hội hóa, việc đầu tư nâng cấp luồng hàng hải sẽ được thực hiện phù hợp với quy mô quy hoạch bến cảng. Ngoài ra, hạ tầng phục vụ công tác đảm bảo an toàn hàng hải và quản lý nhà nước chuyên ngành cũng được quy hoạch đồng bộ tại khu vực cảng biển.

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, quy hoạch định hướng cần xây dựng cơ chế thu hút đầu tư phát triển hệ thống bến cảng, đặc biệt là các bến cảng phục vụ chung tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Điều này nhằm tối ưu hiệu quả sử dụng quỹ đất, mặt nước và nâng cao giá trị đầu tư cảng biển.

cảng dung quất cảng biển quảng ngãi
Cảng Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi – Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, cần tận dụng tối đa năng lực hạ tầng hiện có tại các bến cảng, hỗ trợ bốc dỡ đa dạng các loại hàng hóa, với ưu tiên dành cho hàng container và hàng tổng hợp để đáp ứng nhu cầu của Khu kinh tế Dung Quất. Đồng thời, việc phát triển các khu bến cần đồng bộ với cơ sở hạ tầng giao thông kết nối sau cảng, kết hợp xây dựng cơ chế khuyến khích các hãng tàu và đại lý hàng hải hoạt động tại khu vực cảng.

Ngoài ra, việc tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các chính sách về giá, phí tại cảng biển cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hiệu quả đầu tư và nâng cao sức hấp dẫn đối với các hãng tàu.

Cần hơn tỷ để đầu tư hệ thống cảng biển Quãng Ngãi

Với nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống cảng biển đến năm 2030 ước tính khoảng 10.830 tỷ đồng, việc huy động nguồn lực tài chính đòi hỏi áp dụng nhiều giải pháp đa dạng.

Trong đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế và các điều kiện để thu hút nguồn vốn từ cả trong và ngoài nước, phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển theo quy hoạch. Đồng thời, việc thể chế hóa các giải pháp về phân cấp và phân quyền trong huy động nguồn lực cũng là yếu tố quan trọng.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư và khai thác cảng biển. Việc đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển là giải pháp thiết yếu, giúp huy động tối đa các nguồn lực xã hội.

Đặc biệt, cần tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong việc chia sẻ trách nhiệm đầu tư và bảo trì kết cấu hạ tầng công cộng tại cảng biển, coi đây là một phần quan trọng trong dự án đầu tư và khai thác cảng biển của các doanh nghiệp.

Quy hoạch cũng đề ra các giải pháp trọng tâm về phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả khai thác cảng biển.

Đáng lưu ý, để duy trì độ sâu luồng hàng hải phục vụ tàu lớn, UBND tỉnh Quảng Ngãi được giao trách nhiệm chủ trì ban hành quy định và công bố danh mục khu vực, địa điểm tiếp nhận hoặc nhận chìm chất nạo vét từ hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển Quảng Ngãi theo quy định hiện hành.

Nguồn: Báo chính phủ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *