(FDI Việt Nam) – Quỹ Nhà ở Quốc gia được thành lập như một giải pháp đột phá, hướng đến việc giải quyết nhu cầu nhà ở cho các đối tượng chính sách và người lao động thu nhập thấp, đồng thời tạo nền tảng vững chắc để người dân an cư, lạc nghiệp.

Tại buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu nghiên cứu thành lập “Quỹ Nhà ở Quốc gia” nhằm phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn.
Đề xuất này được đánh giá là tín hiệu tích cực, mang đến kỳ vọng lớn trong việc giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà giá rẻ tại những thành phố đông dân như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản ngày càng đối mặt với tình trạng khan hiếm quỹ đất và giá nhà đất liên tục leo thang, việc sở hữu một căn nhà đã trở thành thách thức không nhỏ đối với người lao động thu nhập thấp.
Mặc dù chương trình phát triển nhà ở xã hội đã được triển khai nhiều năm qua, nhưng kết quả vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng.
Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030. Tuy nhiên, đến nay, cả nước mới chỉ hoàn thành hơn 66.755 căn, chiếm chưa đến 7% kế hoạch.
Sự chậm trễ này khiến hàng triệu người lao động vẫn phải chật vật trong cảnh thuê trọ chật chội, thiếu tiện nghi. Việc thành lập Quỹ Nhà ở Quốc gia được kỳ vọng sẽ là giải pháp đột phá, giúp người dân an cư, lạc nghiệp trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay.
Tại các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai – nơi tập trung đông đảo công nhân và lao động nhập cư, vấn đề khan hiếm nhà ở giá rẻ ngày càng trở nên trầm trọng. Nhiều dự án nhà ở xã hội vẫn chỉ nằm trên giấy hoặc bị đình trệ do thiếu vốn, vướng mắc pháp lý và chưa đủ sức hút đối với nhà đầu tư.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản hiện đang phát triển mất cân đối với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng phân khúc nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội.
Trong bối cảnh đó, Quỹ Nhà ở Quốc gia được kỳ vọng là giải pháp đột phá, giúp đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các đối tượng chính sách và người lao động thu nhập thấp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và tạo điều kiện cho người dân “an cư lạc nghiệp.”
Đồng thời, quỹ này còn được xem là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt tại các khu công nghiệp và đô thị lớn, giúp cân bằng cung-cầu và đảm bảo sự phát triển bền vững cho thị trường bất động sản.
Mô hình Quỹ Nhà ở Quốc gia được đánh giá là khả thi đối với Việt Nam. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả lâu dài, cần có thiết kế phù hợp với đặc thù thị trường và nguồn lực tài chính trong nước.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, để phát triển Quỹ Nhà ở Quốc gia một cách hiệu quả, Nhà nước cần quy hoạch và dành quỹ đất cụ thể cho mục tiêu này. Việc tận dụng tối đa quỹ đất công, kết hợp với các chính sách ưu đãi, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các dự án nhà ở phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân.
Ngoài nguồn lực từ Nhà nước, sự đóng góp từ phía người lao động cũng đóng vai trò quan trọng. Việc trích một phần nhỏ từ tiền lương hàng tháng để đóng góp vào Quỹ Nhà ở Quốc gia là một giải pháp mang tính xã hội hóa cao, thể hiện tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng và góp phần chung tay giải quyết bài toán nhà ở.
Đồng thời, các doanh nghiệp bất động sản cũng cần tham gia tích cực vào việc phát triển nhà ở xã hội. Trích một phần lợi nhuận từ các dự án nhà ở thương mại để đầu tư vào nhà ở xã hội hoặc nhà cho thuê không chỉ giúp giải quyết nhu cầu nhà ở cho người lao động thu nhập thấp mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững cho thị trường bất động sản.
“Các khu công nghiệp cần phải gắn trách nhiệm của mình với việc xây dựng nhà ở cho công nhân. Việc phó mặc vấn đề này cho chính quyền địa phương đã gây ra nhiều hệ lụy về an sinh xã hội, môi trường và an ninh trật tự. Các doanh nghiệp cần tham gia vào việc phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng nhà ở và dịch vụ thương mại hoặc đóng góp tài chính để Nhà nước thực hiện các dự án này,” ông Đính nhận định.
Đồng quan điểm, ông Tô Anh Hùng – chuyên gia bất động sản, Giám đốc điều hành A-City bổ sung quỹ còn cần huy động nguồn vốn từ ngân hàng và tổ chức tài chính. Ngoài ra, có thể hợp tác với các ngân hàng thương mại để tạo ra các gói tín dụng dài hạn hỗ trợ phát triển dành cho cả doanh nghiệp và cá nhân mua nhà. Ngân hàng Nhà nước sẽ không tính room tín dụng, tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay dài hạn… cho các gói tín dụng này.

Nguồn vốn của Quỹ Nhà ở Quốc gia không chỉ giới hạn trong ngân sách nhà nước mà còn có thể được huy động từ khu vực tư nhân và quốc tế.
Việc khuyến khích các quỹ đầu tư trong và ngoài nước rót vốn vào quỹ bằng cách cam kết lợi suất ổn định hoặc thúc đẩy các hình thức hợp tác công – tư (PPP) sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia tích cực vào quá trình phát triển nhà ở.
Về hoạt động, ông Tô Anh Hùng – chuyên gia bất động sản, Giám đốc điều hành A-City – cho rằng Quỹ Nhà ở Quốc gia nên tập trung vào việc phát triển hai phân khúc chủ chốt là nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ với mức giá khoảng 35 triệu đồng/m².
Quỹ cần hỗ trợ tài chính cho người mua nhà, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư thông qua việc tiếp cận quỹ đất, miễn giảm thuế và các ưu đãi về vốn. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ này cần đi kèm với những điều kiện rõ ràng để đảm bảo nguồn lực được phân bổ đúng đối tượng, hạn chế tình trạng trục lợi và đầu cơ.
“Đặc biệt, để quỹ có thể tự duy trì và phát triển, cần có phương án tái đầu tư vào các dự án bất động sản và tài chính. Chúng ta nên nghiên cứu mô hình của Quỹ Dự phòng Trung ương (CPF) của Singapore, tái đầu tư vào hạ tầng đô thị và các khu đô thị mới để tăng giá trị bất động sản trong dài hạn,” ông Tô Anh Hùng cho biết.
Bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh – nhấn mạnh rằng Nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo trong việc thiết lập, điều phối và vận hành Quỹ Nhà ở Quốc gia. Đồng thời, cần khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế khác nhằm huy động tối đa nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động của quỹ.
Một cơ chế xét duyệt và giám sát chặt chẽ là yếu tố cốt lõi để đảm bảo sự minh bạch, hiệu quả và hạn chế tình trạng thất thoát. Điều này giúp nguồn vốn được phân bổ đúng đối tượng thực sự có nhu cầu, góp phần giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động thu nhập thấp.
Nếu được triển khai đồng bộ và bài bản, Quỹ Nhà ở Quốc gia có tiềm năng trở thành giải pháp quan trọng, giúp hàng triệu người dân tiếp cận nhà ở giá hợp lý, đồng thời hỗ trợ sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh – đề xuất rằng để hiện thực hóa Quỹ Nhà ở Quốc gia, Bộ Xây dựng cần tiếp tục nghiên cứu và xây dựng một đề án hoàn chỉnh về phát triển nhà ở thương mại với giá cả phù hợp.
Đồng thời, cần đưa ra cơ chế hỗ trợ để những người mua nhà lần đầu có thể tiếp cận mức lãi suất thương mại hợp lý, tạo điều kiện tốt hơn cho việc sở hữu nhà ở.
Tuy nhiên, việc triển khai Quỹ Nhà ở Quốc gia là một vấn đề mới mẻ và đầy thách thức, đòi hỏi sự đồng hành của các tổ chức tín dụng. Các ngân hàng thương mại, dựa trên nguồn lực của mình, có thể tham gia đóng góp vào quỹ này nhằm hỗ trợ các chủ đầu tư phát triển nhà ở thương mại với giá cả phải chăng cũng như nhà ở xã hội.
Việc huy động thêm nguồn vốn từ khu vực ngân hàng không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho ngân sách nhà nước mà còn tạo động lực thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển cân bằng và bền vững hơn.
Sự hợp tác này sẽ là yếu tố quan trọng giúp hiện thực hóa mục tiêu đưa nhà ở giá rẻ đến gần hơn với người lao động và các đối tượng có thu nhập thấp.
Nguồn: Vietnam Plus