Phương án đầu tư Dự án xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận đang dần được định hình bởi nhà đầu tư đề xuất và đơn vị lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Ban quản lý dự án 7 – đơn vị được giao lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vừa có báo cáo gửi Bộ GTVT về việc triển khai đầu tư Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận theo phương thức đầu tư PPP.
Theo đó, Ban quản lý dự án 7 đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm có cập nhật, điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đối với đoạn cao tốc TP.HCM – Trung Lương để có cơ sở thẩm định, phê duyệt.
Để giải quyết các vướng mắc với địa phương, qua đó đảm báo tính khả thi của Dự án và tiến độ triển khai thực hiện, đối với đoạn qua tỉnh Long An, Ban quản lý dự án 7 đề xuất Dự án không bao gồm hạng mục đầu tư hoàn thiện dự án thành phần 7 thuộc đường Vành đai 3 TP.HCM (đoạn đi qua tỉnh Long An dài 6,37 km) với chi phí dự kiến khoảng 1.794 tỷ đồng và trạm dừng nghỉ tại lý trình Km12+800 (bên trái tuyến) với quy mô khoảng 20 ha. Hạng mục này sẽ do địa phương nghiên cứu đầu tư theo phương thức và thời gian phù hợp.
Đối với đoạn qua tỉnh Tiền Giang, Dự án sẽ không bao gồm hạng mục đường gom dân sinh (tổng chiều dài khoảng 49 km) và đề nghị địa phương nghiên cứu đầu tư theo phương thức và thời gian phù hợp.
Về phương án hoàn trả vốn ngân sách nhà nước ứng trước để đầu tư Dự án TP.HCM – Trung Lương (giai đoạn 1, đơn vị lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi kiến nghị thống nhất phương án kiến nghị của nhà đầu tư đề xuất dự án (liên danh do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu).
Cụ thể, nhà đầu tư sẽ sử dụng doanh thu trong 10 năm đầu thu phí hoàn vốn để hoàn trả vốn ngân sách nhà nước ứng trước để đầu tư Dự án TP.HCM – Trung Lương (giai đoạn 1).
Nếu thực hiện theo phương án này, thời gian thu phí hoàn vốn Dự án PPP đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận là 23 năm 5 tháng, trong đó 9 năm đầu doanh thu không đủ trả lãi vay nên nhà đầu tư phải thu xếp phương án bù lãi vay khoảng 6.300 tỷ đồng.
Được biết, Dự án có phạm vi nghiên cứu chính là toàn tuyến cao tốc dài 91,8 km từ TP.HCM đến Mỹ Thuận, các nút giao (liên thông và trực thông), các công trình trên tuyến (cầu, cống…), hệ thống giao thông thông minh, hệ thống thu phí.
Thực hiện ý kiến bằng văn bản của TP.HCM , tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang, Cục Đường bộ Việt Nam, nhà đầu tư đã mở rộng phạm vi nghiên cứu, bao gồm: phương án trung tâm điều hành giao thông khu vực; xây dựng đường kết nối từ ĐT.818 vào cao tốc trên địa bàn tỉnh Long An; mở rộng Vành đai 3 TP.HCM (đoạn qua tỉnh Long An dài 6,37 km); làm mới khoảng 49 km đường song hành với tuyến cao tốc trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, vị trí và quy mô của các trạm dừng nghỉ phục vụ nhu cầu giao thông trên Dự án (tại Km28+200 và Km78+220); hoàn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 1 đoạn cao tốc TP.HCM – Trung Lương.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu về phạm vi đầu tư, nhà đầu tư căn cứ vào cơ sở pháp lý của Dự án, đã tính toán, xây dựng các kịch bản đầu tư mở rộng tuyến đường bộ cao tốc từ TP.HCM đến Mỹ Thuận theo các phương án khác nhau (đầu tư từng đoạn như là dự án độc lập, đầu tư mở rộng toàn tuyến là một dự án, đầu tư theo phương thức đầu tư công, đầu tư theo phương thức PPP).
Từ đó nhà đầu tư đã lựa chọn được phương án đầu tư tối ưu đó là đầu tư mở rộng toàn tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận dài 91 km trong giai đoạn năm 2024-2028 theo phương thức PPP, hợp đồng BOT, không có vốn ngân sách nhà nước tham gia trong Dự án.
Với việc mở rộng đoạn tuyến hiện hữu lên quy mô 8 làn xe, đầu tư các công trình hạ tầng đồng bộ, Dự án PPP đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ có sơ bộ tổng mức đầu tư là 38.693 tỷ đồng.
Dự kiến 100% vốn thực hiện Dự án sẽ do nhà đầu tư thu xếp, trong đó, vốn chủ sở hữu là 5.804 tỷ đồng (15% tổng mức đầu tư), vốn vay và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác 32.889 tỷ đồng (85% tổng mức đầu tư).
Được biết, sau khi Dự án mở rộng cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt về phát triển kinh tế – xã hội; tạo không gian phát triển và quỹ đất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương và khu vực.
Công trình còn góp phần tăng cường năng lực lưu thông hành khách và hàng hóa, tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển trên hành lang vận tải TP.HCM đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ; góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng; giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1 và tuyến cao tốc hiện hữu; tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.