(FDI Việt Nam) – Liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa được kỳ vọng là chìa khóa cho phát triển Việt Nam. Tuy nhiên, sau nhiều năm, mối liên kết này vẫn còn lỏng lẻo và chưa phát huy hết tiềm năng lan tỏa.

Liên kết giữa doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) và doanh nghiệp trong nước đã từ lâu được coi là yếu tố quan trọng để Việt Nam khai thác tối đa lợi ích từ việc thu hút đầu tư, đồng thời thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, sau hàng chục năm doanh nghiệp FDI hiện diện tại Việt Nam, mối liên kết này vẫn còn yếu, thiếu chiều sâu và chưa phát huy được hiệu quả lan tỏa như kỳ vọng.

liên kết doanh nghiệp fdi và nội địa
Các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp để tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp FDI và nội địa tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2025 (lần thứ 5) – Ảnh: VN Economy.

Tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2025 (lần thứ 5) do VnEconomy tổ chức ngày 23/4/2025, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp để tăng cường kết nối, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.

“Từ góc nhìn của các doanh nghiệp châu Âu, trong tương quan so sánh với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam hội tụ đồng thời các lợi thế lớn. Đó là vị trí địa lý chiến lược; mức độ hội nhập cao thể hiện qua mạng lưới các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký kết; chính sách ngoại giao linh hoạt, chủ động; cùng với nền tảng văn hóa đặc trưng và nguồn nhân lực chất lượng”, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam), khẳng định.

Nhờ vào những lợi thế vượt trội, các kết quả khảo sát về niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho thấy phần lớn (khoảng 70%) lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn hàng đầu trên thế giới.

Các doanh nghiệp châu Âu đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam, cho rằng quốc gia này đã trở thành trung tâm quan trọng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sản xuất, chế biến, chế tạo và phân phối trong khu vực.

NỚI LỎNG QUY ĐỊNH VỀ GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG VÀ THỊ THỰC

Theo đại diện EuroCham Việt Nam, các nhà đầu tư, đặc biệt là từ châu Âu, hiện đang ngày càng quan tâm đến việc phát triển Việt Nam thành một trung tâm trung chuyển logistics và kho bãi. Tuy nhiên, mô hình trung chuyển hiện đại không chỉ đơn giản là việc thuê kho lưu trữ, mà còn bao gồm các dịch vụ giá trị gia tăng như bảo hành và bảo trì. Việt Nam hiện là quốc gia duy nhất trong khu vực có khả năng cung cấp đầy đủ các dịch vụ này, trong khi Singapore lại gặp phải những khó khăn trong việc mở rộng quy mô các dịch vụ tương tự.

Để làm được điều đó, Việt Nam phải nhanh chóng cải thiện thể chế, khung khổ pháp lý và chính sách thương mại. “Chúng ta cần một hệ thống luật minh bạch, linh hoạt hơn, trao nhiều quyền lợi và sự chủ động hơn cho nhà đầu tư,” ông Nguyễn Hải Minh nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt, đầu tiên phải thu hút được những nhà đầu tư chất lượng đến Việt Nam và giữ họ thật lâu bằng môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, ổn định.

kết nối doanh nghiệp fdi và nội địa
Biểu đồ minh họa vốn đầu tư nước ngoài thực hiện trong giai đoạn 1988 đến 2024 – Ảnh: WB và Bộ Tài chính.

Nhiều ý kiến cho rằng để thúc đẩy mối quan hệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, yếu tố quan trọng nhất chính là chuyển giao tri thức và kinh nghiệm.

Tuy nhiên, để đạt được điều này, sự hỗ trợ từ phía Nhà nước là vô cùng cần thiết, đặc biệt là trong việc nới lỏng các quy định về giấy phép lao động và thị thực đối với chuyên gia và lao động chất lượng cao. Khi những rào cản này được tháo gỡ, mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ.

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, cũng đồng thuận với việc phân loại các nhóm nhà đầu tư nước ngoài. Việc này sẽ giúp Việt Nam nhận diện rõ ràng loại hình nhà đầu tư cần thu hút và xây dựng các chính sách tương ứng.

Chính sách không chỉ tập trung vào việc thu hút đầu tư mà còn tạo ra sự kết nối chặt chẽ hơn giữa khu vực FDI và doanh nghiệp nội địa, từ đó mở ra cơ hội phát triển bền vững cho cả hai bên.

NHANH CHÓNG NÂNG CAO NĂNG LỰC CỦA DOANH NGHIỆP NỘI ĐỊA

Một nhóm doanh nghiệp FDI đáng chú ý là những doanh nghiệp có mục tiêu xuất khẩu. Đây là những nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam làm địa điểm đặt cơ sở sản xuất, nhưng mục tiêu chính của họ không phải phục vụ thị trường nội địa, mà chủ yếu là đáp ứng nhu cầu của các thị trường quốc tế.

Các doanh nghiệp này thường hoạt động như một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tận dụng các lợi thế của Việt Nam như chi phí lao động cạnh tranh, chất lượng ngày càng được nâng cao, cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và logistics đang không ngừng được cải thiện.

Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết cũng đóng vai trò quan trọng, giúp hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam nhận được ưu đãi về thuế quan, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, các tập đoàn đa quốc gia thường đã xây dựng sẵn hệ sinh thái chuỗi cung ứng toàn cầu, và khi đầu tư vào Việt Nam, họ thường tiếp tục sử dụng mạng lưới đối tác đã có hoặc những nhà cung cấp quen thuộc, thay vì chủ động tìm kiếm đối tác từ doanh nghiệp nội địa.

Để có thể gia nhập chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước cần đáp ứng một loạt các yêu cầu nghiêm ngặt, không chỉ về chất lượng sản phẩm và tiến độ giao hàng, mà còn về trình độ công nghệ, năng lực quản trị, và quy trình kiểm soát chất lượng.

Điều quan trọng hơn là phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững như ESG (môi trường, xã hội, và quản trị doanh nghiệp). Đây là xu hướng không thể tránh khỏi trong bối cảnh toàn cầu hóa, yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn kết nối sâu hơn với khối FDI, cần chủ động nâng cao năng lực và chuẩn hóa các hoạt động theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Nhóm nhà đầu tư thứ hai là những doanh nghiệp hướng đến khai thác thị trường nội địa. Các nhà đầu tư này yêu cầu sản phẩm sản xuất tại Việt Nam có thể tiêu thụ ngay trong nước. Đối với nhóm này, yếu tố thị trường nội địa đóng vai trò quan trọng nhất.

Nhóm thứ ba là những nhà đầu tư trong các lĩnh vực dịch vụ cao cấp và có giá trị gia tăng cao. Các nhà đầu tư này có xu hướng đầu tư lâu dài và gắn bó sâu sắc với hệ sinh thái địa phương, đồng thời đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Ông Cương cho rằng, đây là nhóm nhà đầu tư chú trọng vào sự phát triển bền vững, vì vậy, Việt Nam cần có chiến lược rõ ràng để nâng cấp hạ tầng, cải thiện năng lực quản trị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm đáp ứng yêu cầu của nhóm nhà đầu tư này.

“Khi hiểu rõ bản chất của từng loại dự án FDI, chúng ta sẽ có cơ sở để thiết kế chính sách phù hợp, từ đó tối ưu hóa đóng góp của FDI vào nền kinh tế”, ông Cương cho biết.

Theo ông Cương, vai trò của Nhà nước cần được phát huy rõ rệt trong việc xây dựng cơ chế kết nối giữa hai khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa. Vai trò này thể hiện rõ nhất ở việc định hướng các chính sách thu hút đầu tư theo các vùng, ngành và lĩnh vực có khả năng thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trong nước.

Một vấn đề quan trọng khác là sự thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao, điều này đang làm giảm khả năng tiếp nhận công nghệ và tri thức từ khu vực FDI. Các chuyên gia khuyến nghị các cơ quan chức năng cần sớm đưa ra giải pháp để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, bao gồm việc đảm bảo cơ cấu dân số và quy mô dân số trong độ tuổi lao động hợp lý, cải thiện năng suất lao động và phát triển lao động có tay nghề cao, lao động tinh hoa.

Nguồn: Vietnam Economy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *