(FDI Việt Nam) – Đại diện Techcom Securities (TCBS) đề xuất giao dịch chứng khoán được mã hóa trên sàn tài sản số trong giai đoạn thí điểm.

Tại hội thảo “Kinh nghiệm và vận hành các sàn giao dịch tài sản mã hóa” diễn ra ngày 27/3, bà Đoàn Mai Hạnh – Giám đốc cao cấp Kinh doanh và Tự doanh thị trường tài chính của Công ty Chứng khoán Kỹ thương (Techcom Securities – TCBS) đã đề xuất thí điểm giao dịch chứng khoán được mã hóa trên sàn tài sản số.

Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh các cơ quan quản lý đang hoàn thiện hồ sơ Nghị quyết thí điểm về phát hành và giao dịch tài sản mã hóa, dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5 tới.

Bà Hạnh cho biết, khi tài sản mã hóa được công nhận và có hành lang pháp lý rõ ràng, TCBS sẽ tích hợp sản phẩm này vào dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Điều này giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư và giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh rằng tài sản mã hóa vẫn là lĩnh vực mới, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, việc lựa chọn loại tài sản phù hợp, an toàn là rất quan trọng.

Hiện tại, các sàn giao dịch lớn như Binance hỗ trợ hơn 400 đồng tiền số, trong khi Coinbase có trên 200 đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo TCBS cho rằng Việt Nam nên thí điểm với số lượng đồng tiền số giới hạn, ưu tiên các loại có giá trị, thanh khoản cao và được công nhận tại nhiều nền kinh tế.

giao dịch chứng khoán
Bà Đoàn Mai Hạnh, đại diện Techcom Securities phát biểu tại sự kiện ngày 27/3 ở Hà Nội

Bà Đoàn Mai Hạnh, Giám đốc cao cấp Kinh doanh và Tự doanh thị trường tài chính của TCBS, cũng đề xuất thí điểm chứng khoán được mã hóa trên sàn giao dịch tài sản số. Bà cho biết, loại tài sản này tương tự với các sản phẩm tài chính truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu hay chứng chỉ quỹ, nhưng có lợi thế là có thể chia nhỏ – điều mà chứng khoán truyền thống không làm được.

“Các tổ chức cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư đều có kinh nghiệm với những loại tài sản truyền thống nên khi đưa vào nền tài chính số sẽ an toàn hơn cho các bên”, đại diện TCBS chia sẻ.

Tại hội thảo về vận hành sàn giao dịch tài sản mã hóa, đại diện Dragon Capital đã đề xuất thí điểm token hóa các sản phẩm quỹ ETF (Exchange Traded Fund) thông qua công nghệ blockchain. Những sản phẩm này được bảo chứng bằng tài sản thực (RWAs) và cung cấp bởi các tổ chức tài chính uy tín, dưới sự giám sát của cơ quan quản lý. Đề xuất nhằm khuyến khích nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường vốn, kết hợp giữa tài sản số và truyền thống.

Các sàn giao dịch tập trung tại Việt Nam — vốn xử lý lượng giao dịch lớn — được đề xuất đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát pháp lý, đảm bảo tuân thủ KYC (nhận diện khách hàng) và AML (chống rửa tiền).

Hiện tại, Việt Nam chưa có khung pháp lý cho tiền mã hóa và tài sản mã hóa. Nhiều doanh nghiệp đã đăng ký tại Singapore hoặc Mỹ rồi hoạt động tại Việt Nam, dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh và thất thu thuế. Việc thiếu minh bạch cũng khiến người dùng đối mặt với rủi ro trong giao dịch. Do đó, xây dựng khung pháp lý sớm sẽ giúp định danh và định giá tài sản số, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng để đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng cần giới hạn chặt chẽ khi thí điểm mô hình tài chính mới này. Ông Phạm Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), cho biết thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam vẫn nằm trong “vùng xám”, nhưng có nhiều sàn giao dịch và công ty đổi mới sáng tạo mong muốn hoạt động chính thức tại đây. Theo ông, việc thí điểm sẽ giúp chuẩn hóa thị trường, tạo tiền đề cho các bước phát triển tiếp theo.

Ông Trung cũng lưu ý rằng không phải tất cả các đơn vị đều tham gia được trong giai đoạn đầu. Các bên cần phối hợp với cơ quan quản lý để xây dựng chính sách lành mạnh, dù không tham gia trực tiếp ngay từ đầu.

Tuần trước, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, trong dự thảo Nghị quyết trình Chính phủ, cơ quan này đã đề xuất thí điểm với quy mô hạn chế. Điều này giúp nhà chức trách có thời gian hoàn thiện chính sách quản lý tiền mã hóa, tài sản mã hóa. Bộ Tài chính, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước cũng được đề xuất cùng quản lý sàn giao dịch tài sản mã hóa để hạn chế rủi ro về an ninh tài chính.

giao dịch chứng khoán
Phó phòng chống khủng bố, Cục An ninh nội địa Dương Đức Hùng phát biểu tại sự kiện ngày 27/3

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), tính đến cuối năm 2024, Việt Nam có khoảng 17 triệu người sở hữu tài sản mã hóa, xếp top 7 toàn cầu. Trong năm qua, Việt Nam nhận về 105 tỷ USD tiền mã hóa, giảm so với 120 tỷ USD của năm 2023. Hiện có khoảng 20 sàn giao dịch tiền mã hóa đang hoạt động trong nước.

Liên quan đến việc thí điểm sàn giao dịch tài sản chứng khoán, ông Dương Đức Hùng, Phó phòng chống khủng bố (Cục An ninh nội địa, Bộ Công an) đề xuất thành lập tổ công tác liên ngành, gồm đại diện từ Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và VBA. Tổ công tác này sẽ giám sát, chia sẻ thông tin về các giao dịch đáng ngờ nhằm ngăn chặn nguy cơ rửa tiền và các hoạt động tài chính bất hợp pháp.

Mặc dù Việt Nam chưa ghi nhận các vụ việc liên quan đến tài trợ khủng bố qua tiền mã hóa, nhưng ông Hùng cảnh báo nguy cơ này là hoàn toàn hiện hữu. Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm Đông Nam Á, gần các quốc gia từng bị ảnh hưởng bởi hoạt động khủng bố như Indonesia, Philippines và Thái Lan, nên có thể trở thành điểm trung chuyển cho các dòng tiền bất hợp pháp xuyên quốc gia.

Đại diện Bộ Công an cũng đề xuất các chế tài xử phạt nghiêm, thậm chí rút giấy phép hay truy cứu trách nhiệm hình sự với những sàn không tuân thủ quy định.

Nguồn: VN Express

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *