(FDI Việt Nam) – Đại diện các quỹ, hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đánh giá cao thị trường Việt Nam cũng như có những kiến nghị để nguồn lực FDI được khơi thông mạnh mẽ hơn thời gian tới.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 – 2030, Việt Nam cần đồng thời đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao năng lực quản lý và xây dựng một hệ sinh thái tài chính toàn diện.
Trong đó, quỹ đầu tư và vốn FDI được xác định là hai trụ cột quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, bền vững và có chiều sâu.

Nhận định này được đại diện các quỹ đầu tư và các chuyên gia tài chính chia sẻ tại Hội nghị “Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam”, diễn ra ngày 28/3 tại TP.HCM, do Bộ Tài chính tổ chức.
Thị trường Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn
Đại diện các quỹ và hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đánh giá cao thị trường Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh, đồng thời đưa ra nhiều kiến nghị nhằm khơi thông mạnh mẽ hơn nguồn lực FDI trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam, Seck Yee Chung, nhận định thị trường Việt Nam có tiềm năng lớn nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm hạ tầng chưa đồng bộ, thủ tục hành chính phức tạp, pháp lý thiếu minh bạch và cạnh tranh gay gắt trong khu vực.
Ông đề xuất đẩy mạnh cải cách hành chính, ưu tiên đầu tư vào hạ tầng giao thông – logistics, đào tạo nghề và tăng cường hợp tác công – tư để thu hút FDI bền vững.
Đại diện Warburg Pincus kiến nghị, thị trường Việt Nam nên nới lỏng giới hạn trần sở hữu nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, hiện đang giới hạn ở mức 30% — thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực.
Nếu tăng lên 50% như ngành hàng không, thị trường Việt Nam sẽ tạo ra bước ngoặt lớn trong việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược và tài chính.
Bên cạnh đó, Warburg Pincus cũng đề xuất nới lỏng các điều kiện IPO cho các công ty công nghệ và fintech — những doanh nghiệp thường có lỗ lũy kế trong giai đoạn đầu nhưng lại sở hữu tiềm năng tăng trưởng vượt trội.
Việc điều chỉnh này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển thị trường tài chính bền vững và toàn diện hơn.
Ông Jeong Ji-Hoon – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh các nền kinh tế toàn cầu đang trải qua sự biến động mạnh mẽ, thị trường Việt Nam vẫn duy trì được sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.
” Thị trường Việt Nam vẫn là một điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong bối cảnh dòng vốn đầu tư vào các quốc gia khác có dấu hiệu giảm sút. Với việc đầu tư vào hạ tầng quy mô lớn và sự cam kết của Chính phủ đối với các chính sách thu hút FDI, Việt Nam vẫn là một trong những thị trường tiềm năng nhất trong khu vực”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh.

Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Văn Sử chia sẻ tại buổi đối thoại rằng, Việt Nam đã chuyển từ việc thụ động thu hút đầu tư sang chủ động tiếp cận các tập đoàn lớn và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục định hướng thu hút FDI có chọn lọc, tập trung vào các dự án chất lượng cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường.
Ngoài việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và cải thiện thể chế, Việt Nam đang thực hiện chương trình đào tạo 100.000 kỹ sư điện tử và 50.000 kỹ sư bán dẫn; đồng thời khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo và thúc đẩy cơ chế mua bán điện trực tiếp.
Đặc biệt, Việt Nam áp dụng chính sách ưu đãi thuế hấp dẫn, bao gồm thuế suất 5% trong 37 năm, miễn thuế 6 năm và giảm 50% trong 13 năm cho các trung tâm R&D có vốn từ 3.000 tỷ đồng hoặc các dự án từ 30.000 tỷ đồng có tiến độ giải ngân nhanh và có yếu tố chuyển giao công nghệ.
Sẽ sớm nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh Việt Nam hướng đến tăng trưởng GDP từ 8% trở lên từ năm 2025, việc huy động nguồn vốn qua quỹ và FDI trở thành động lực quan trọng.”

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh rằng, bên cạnh việc tinh gọn bộ máy và cải cách thể chế, Việt Nam cần xây dựng các chính sách hiệu quả nhằm huy động nguồn lực từ cả khu vực tư nhân trong nước lẫn nhà đầu tư nước ngoài.
Trong đó, phát triển hệ sinh thái quỹ đầu tư được coi là cầu nối quan trọng, giúp dẫn vốn vào các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng chiến lược. Ông Thắng cũng kêu gọi cộng đồng tài chính quốc tế đồng hành với Chính phủ trong việc nâng cao chất lượng dòng vốn, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Ngoài ra, Bộ trưởng cho biết Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan, bao gồm Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, triển khai mạnh mẽ các giải pháp nhằm sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên thị trường mới nổi trong năm 2025, tạo cơ hội thu hút dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư tổ chức toàn cầu.
Để mở rộng và đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang tiến hành nghiên cứu và chuẩn bị ban hành các quy định mới cho các quỹ như: quỹ chỉ số, quỹ đầu tư vào công cụ thị trường tiền tệ, và quỹ đầu tư vào trái phiếu cơ sở hạ tầng.
Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho biết, cơ quan quản lý đang trong quá trình sửa đổi khung pháp lý nhằm nâng cao hạn mức đầu tư của các quỹ đầu tư chứng khoán. Cụ thể, Ủy ban đang dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 98/2020/TT-BTC, với định hướng tăng hạn mức đầu tư của quỹ vào trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ lên khoảng 15% – 20%.
Nguồn: Báo chính phủ