Chỉ riêng trong năm 2023, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đóng góp vào ngân sách nhà nước 18,3 tỷ USD (chiếm khoảng 25,4% tổng thu ngân sách) và xuất khẩu khoảng 259,1 tỷ USD (tương đương 73,1% kim ngạch xuất khẩu cả nước),…
Hiện nay, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không chỉ là một trụ cột quan trọng cho sự phát triển kinh tế mà còn là động lực thúc đẩy cải cách, đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Tư duy tiếp cận và định hướng phát triển mới đối với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam” do Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương tổ chức vào sáng ngày 31/10, việc thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức cần giải quyết, đòi hỏi các chiến lược và chính sách hiệu quả hơn để cải thiện tình hình.
KHU VỰC FDI – TRỤ CỘT QUAN TRỌNG CỦA NỀN KINH TẾ
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương chia sẻ mặc dù năm 2023 được đánh giá là một năm đầy thách thức nhưng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam tăng mạnh.
Cụ thể, số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra rằng tổng số vốn FDI đăng ký tại Việt Nam trong năm 2023 đạt 36,61 tỷ USD (tăng 32,1% so với năm 2022, trong khi vốn FDI toàn cầu chỉ tăng 3%); vốn giải ngân đạt trên 23 tỷ USD (chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội).
Đặc biệt, khu vực FDI đã đóng góp vào ngân sách nhà nước 18,3 tỷ USD (chiếm khoảng 25,4% tổng thu ngân sách) và xuất khẩu khoảng 259,1 tỷ USD (tương đương 73,1% kim ngạch xuất khẩu cả nước), bình quân mỗi năm thu hút thêm hơn 360.000 lao động tại thị trường Việt Nam.
“Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) góp phần đưa Việt Nam tham gia nhiều công đoạn của chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Dự kiến, Việt Nam có thể thu hút vốn FDI khoảng 39-40 tỷ USD cho cả năm 2024”.
Bước sang năm 2024, xu hướng tích cực của vốn FDI tiếp tục được ghi nhận là tăng trưởng tích cực. Chỉ riêng trong 9 tháng đầu năm 2024 cho thấy, tổng vốn FDI đạt hơn 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023; vốn giải ngân đạt khoảng 17,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số các dự án FDI tại Việt Nam trong khoảng thời gian này, có 11 dự án lớn với số vốn đầu tư trên 100 triệu USD.
“Dòng vốn FDI vào nước ta cao kỷ lục trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ bên ngoài cho thấy khả năng phục hồi và sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là điểm đến đầu tư và đối tác thương mại”, PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn bày tỏ.
Đặc biệt, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) không chỉ góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đa dạng hóa cơ cấu sản xuất, mà còn tạo sự lan tỏa về công nghệ, kinh nghiệm quản lý hiện đại, góp phần đưa Việt Nam tham gia nhiều công đoạn của chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.
“Những đóng góp của khu vực FDI cũng đã tạo ra những nền tảng thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế thúc đẩy kinh tế đối ngoại, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam trong nhiều năm vừa qua”, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay.
Một điểm sáng khác trong việc thu hút FDI tại Việt Nam trong thời gian gần đây đó chính là thu hút hoạt động FDI của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, tập đoàn lớn như Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất của mình vào Việt Nam. Đồng thời, “bộ ba” đối tác quen thuộc của Apple tại Việt Nam là Foxconn, Luxshare và Goertek cũng đồng loạt tăng vốn, mở rộng nhà máy ở Việt Nam, ….
Thông qua sự hợp tác của các doanh nghiệp FDI trong các lĩnh vực này, các chuyên gia đánh giá rằng trong năm 2024 và những năm sắp tới, Việt Nam sẽ có khả năng khai thác, sản xuất chất bán dẫn ở quy mô lớn hơn.. Dự kiến, Việt Nam có thể kỳ vọng thu hút vốn FDI khoảng 39-40 tỷ USD cho cả năm 2024.
“BẤT CẬP” VẪN CÒN TỒN ĐỌNG
Mặc dù khu vực FDI có nhiều đóng góp đối với nền kinh tế Việt Nam nhưng các chuyên gia kinh tế vẫn nhấn mạnh về tình trạng tiêu cực, cảnh báo về “lợi bất cập hại” trong thu hút FDI.
Theo GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), xét về lợi ích – một tiêu chí quan trọng trong hoạt động đầu tư FDI, Việt Nam vẫn bị thua thiệt vì nhà đầu tư nước ngoài chuyển về quốc gia của họ “những khoản lợi nhuận khổng lồ”. Về công nghệ và quản trị, Việt Nam vẫn chưa thực sự thu được nhiều kỹ năng quản trị và gần như chưa nhận được tác động chuyển giao công nghệ từ các dự án FDI.
Hiện nay, có khoảng 68,5% các doanh nghiệp FDI đánh giá Việt Nam có thuận lợi hơn về địa điểm đầu tư so với những quốc gia khác mà doanh nghiệp cân nhắc đầu tư như các vấn đề chi phí và chất lượng lao động, thuế và khả năng ứng phó của Chính phủ Việt Nam đối với các tình thế khẩn cấp được cho là tích cực hơn các quốc gia khác.
“Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp FDI cho rằng vấn đề tham nhũng và hệ thống thủ tục hành chính, chất lượng cơ sở hạ tầng, chất lượng cung cấp dịch vụ công ở Việt Nam vẫn chưa bằng quốc gia xuất xứ”, GS.TSKH. Nguyễn Mại cho hay.
Ngoài ra, theo bà Dương Thị Vĩnh Hà, Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) (Bộ kế hoạch và Đầu tư), chính sách ưu đãi đầu tư nêu trên của Việt Nam được đánh giá là cạnh tranh nhưng vẫn còn một số hạn chế.
Cụ thể, nhiều chính sách ưu đãi về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn thiếu tính đa dạng và cạnh tranh do chủ yếu là ưu đãi thuế dựa trên thu nhập mà chưa có các hình thức ưu đãi dựa trên chi phí. Bệnh cạnh đó, một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đã được quy định như tại Điều 18 Luật Đầu tư nhưng chưa được quy định thống nhất và đồng bộ với pháp luật về ngân sách nhà nước nên không thể thực thi trong thực tế.
“Việt Nam vẫn chưa bắt kịp được với các chính sách tiên tiến, thông lệ quốc tế. Đồng thời, nhiều chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn chưa phù hợp với yêu cầu trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi”, Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho hay.
Theo Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), một số quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam vẫn mắc “bẫy” về giá trị gia tăng thấp khi thu hút được FDI như: không có sự hình thành các mối liên kết với nền kinh tế trong nước; hiệu quả hoạt động thấp xét về mọi mặt (đầu tư, năng suất, phát triển kỹ năng…); chủ yếu đầu tư vào các ngành thâm dụng lao động, cạnh tranh bằng giá, nhìn nhận lao động là yếu tố chi phí hơn là nguồn lực…
CẦN THAY ĐỔI CHIẾN LƯỢC, CHÍNH SÁCH TRONG THU HÚT FDI
Qua những bất cập mà Việt Nam vẫn còn gặp phải trong thu hút FDI, GS. Nguyễn Thị Xuân Thuý, Giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị (Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội) đề xuất rằng Việt Nam cần xây dựng bộ chỉ số FDI để tận dụng được tối đa những lợi ích từ việc thu hút FDI, từ đó có cơ sở dữ liệu phục vụ cho cơ quan tư vấn chính sách nhằm đánh giá tác động của nguồn vốn FDI lên nền kinh tế. Đồng thời, cần thay đổi chiến lược thu hút đầu tư, chuyển từ ưu đãi trước đầu tư sang ưu đãi sau đầu tư kết hợp với đa dạng hoá nhà đầu tư, tránh phụ thuộc quá mức vào một (vài) nhà đầu tư lớn.
“Không những thế, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư, tăng tính chống chịu, bền vững thông qua việc liên kết FDI với doanh nghiệp trong nước, phát triển công nghiệp xanh, chuyển đổi năng lượng; phát triển năng lực công nghệ sản xuất cơ bản để có thể phục vụ mô hình kinh tế tuần hoàn; và môi trường chính sách minh bạch, dài hạn dễ dự báo…”, bà Thúy gợi ý.
Cùng với đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng dòng vốn FDI vào Việt Nam dù đã mang lại nhiều dự án tốt, góp phần tạo động lực mới cho nền kinh tế, nhưng cũng có những dự án từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể đảm nhiệm.
Vì vậy, để nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, bà Lan nhấn mạnh rằng đã đến lúc mà Việt Nam cần chủ động chọn và sẵn sàng từ chối những dự án FDI không phù hợp, không đáp ứng các tiêu chí do Việt Nam đặt ra. “Đồng thời, Việt Nam cũng cần thiết lập các tiêu chuẩn về môi trường, yêu cầu các doanh nghiệp FDI phải tuân thủ khi đầu tư vào Việt Nam”, bà Lan bổ sung thêm.
Trong dài hạn, Việt Nam cũng cần xây dựng một lộ trình thu hút FDI cụ thể cũng như có các chương trình cụ thể về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
“Để nâng cao được dòng vốn FDI, Việt Nam rất cần tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, tuy nhiên muốn thu hút được dòng vốn FDI vào lĩnh vực công nghệ thì cần phải có đội ngũ nhân lực đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp FDI”, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cũng gợi ý