Samsung, LG và nhiều “ông lớn” công nghệ khác đã lần lượt coi Việt Nam là “cứ điểm” sản xuất, thậm chí còn là cứ điểm chiến lược về nghiên cứu và phát triển (R&D). Liệu Apple có đi theo con đường này?

apple
Lần lượt Foxconn, Pegatron, Winston, rồi Goertek, Luxshare… đã đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam

Tiến sâu vào chuỗi giá trị của Apple

Tỷ phú Tim Cook, CEO của Apple (doanh nghiệp có giá trị vốn hóa khoảng 3.000 tỷ USD) vừa có chuyến thăm Việt Nam. Một chuyến thăm ngắn, chỉ kéo dài 2 ngày, nhưng mở ra kỳ vọng về những khoản đầu tư tỷ USD vào Việt Nam từ các đối tác sản xuất của công ty công nghệ lớn nhất thế giới.

Trong cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhân vật quyền lực hàng đầu ở “táo khuyết” cho biết, Apple cam kết mua nhiều hơn các linh phụ kiện do các đối tác sản xuất tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo; tăng cường khoản chi cho nhà cung cấp tại Việt Nam… Con số mà ông Tim Cook chia sẻ, đó là từ năm 2019 tới nay, Apple đã chi khoảng 400.000 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD) cho khoảng 150 nhà cung cấp tại Việt Nam.

Đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Apple và các đối tác đối với sự phát triển của Việt Nam, nhất là trong tạo việc làm, đưa Việt Nam tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Apple, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Apple chú trọng đầu tư phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh, xác định Việt Nam là một cứ điểm của Apple trên toàn cầu…

Chưa có cam kết nào được đưa ra, song rõ ràng, Việt Nam đang ngày càng trở nên quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Apple.

Apple – không giống như Samsung hay LG, không có nhà máy trực tiếp sản xuất sản phẩm, mà thường thông qua các đối tác sản xuất thiết bị gốc (OEM), chủ yếu ở Trung Quốc, Ấn Độ… Kể từ sau thương chiến Mỹ – Trung và đặc biệt là sau Covid-19, Apple có những chiến lược rõ ràng về việc dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Ngay tại thời điểm Covid-19, các nhà lãnh đạo của Apple đã nhiều lần có các cuộc làm việc trực tuyến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm thúc đẩy việc dịch chuyển chuỗi sản xuất sang Việt Nam.

Kế hoạch này đã và đang trở thành hiện thực và đó là lý do những năm gần đây, lần lượt Foxconn, Pegatron, Winston, rồi Goertek, Luxshare… đã đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam. Ban đầu chỉ là sản xuất linh kiện, sau đó là các sản phẩm như AirPod, Macbook…

Thậm chí cuối năm ngoái, thông tin cho biết, Apple sẽ hợp tác với BYD để chuyển nguồn lực phát triển sản phẩm (NPI) iPad sang Việt Nam. Quá trình thẩm định kỹ thuật để sản xuất thử nghiệm mẫu iPad này dự kiến hoàn thiện vào nửa cuối năm 2024.

BYD đã bắt đầu hoạt động đầu tư tại Việt Nam từ tháng 9/2021, với quy mô nhà máy ở Phú Thọ là 269 triệu USD, năm ngoái đã tăng vốn lên 413 triệu USD. Đó chính là nơi BYD sản xuất, lắp ráp iPad cho Apple.

Nhưng giữa sản xuất, lắp ráp và chuyển NPI sang là hai câu chuyện khác nhau. NPI đòi hỏi phải có các nguồn lực đáng kể từ cả Apple lẫn các nhà cung cấp, không chỉ là về kỹ sư, mà còn phải đầu tư phòng thí nghiệm để kiểm nghiệm các tính năng mới của sản phẩm. Hiện hầu hết quy trình này đang thực hiện tại Trung Quốc, với sự hợp tác của các kỹ sư từ trụ sở chính của Apple. Lần đầu tiên, Apple chuyển NPI sang Việt Nam, chứng tỏ tầm quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của Apple lớn thế nào.

Vào thời điểm đó, ông Ivan Lam, nhà phân tích kỹ thuật của Counterpoint Research đã nói với Nikkei Asia Review rằng: “Bản đồ chuỗi cung ứng gần đây của Apple đã chứng tỏ khả năng của cơ sở tại Việt Nam trong việc sản xuất và mở rộng sản xuất iPad”.

Bao giờ là “cứ điểm”

BYD không phải là nhà sản xuất OEM duy nhất của Apple có mặt tại Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Apple hoạt động tại Việt Nam chủ yếu thông qua 70 nhà máy của các đối tác sản OEM, chuyên sản xuất linh kiện điện tử và lắp ráp sản phẩm Apple.

Một con số rất đáng chú ý, đó là giá trị xuất khẩu các sản phẩm của Apple tại Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng, từ khoảng 20 tỷ USD vào năm 2020 lên tới 26 tỷ USD vào năm 2021 và 30 tỷ USD vào năm 2022. Đây là minh chứng cho thấy, Apple đang thực sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và sản xuất sang Việt Nam.

Tương ứng với tốc độ gia tăng kim ngạch xuất khẩu là tốc độ tăng các khoản đầu tư của các đối tác OEM của Việt Nam. Foxconn đã đầu tư tại Việt Nam tới hơn 3 tỷ USD, với các nhà máy quy mô lớn ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Trong khi đó, Luxshare liên tục tăng vốn đầu tư ở Bắc Giang và Nghệ An. Chỉ riêng trong năm ngoái, Luxshare đầu tư thêm 330 triệu USD để nâng tổng vốn đầu tư lên hơn 500 triệu USD ở Bắc Giang. Ở Nghệ An, công ty này đã dốc gần 360 triệu USD để xây dựng nhà máy chuyên sản xuất các thiết bị điện tử.

Trong khi đó, Goertek cũng không ngừng đầu tư mở rộng ở Bắc Ninh và Nghệ An. Chỉ riêng tại Bắc Ninh, Goertek đã đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD và đang có kế hoạch tăng vốn đầu tư gấp 3-4 lần con số hiện tại trong vòng 5-10 năm tới.

Cả Quanta, rồi Compal… cũng đầu tư hàng trăm triệu USD để xây dựng các nhà máy ở Nam Định, Thái Bình. Tất cả đều là các nhà sản xuất thiết bị gốc và linh kiện cho Apple.

Việc không có nhà máy sản xuất khiến không dễ để định hình đâu là “cứ điểm” của Apple. Nhưng rõ ràng, với việc đã chi tới 16 tỷ USD cho các nhà cung ứng và với việc các nhà sản xuất OEM của Apple không ngừng mở rộng đầu tư tại Việt Nam, Việt Nam đang dần trở thành một mắt xích quan trọng, không thể thiếu trong chuỗi cung ứng của Apple.

Lần lượt, các sản phẩm trọng yếu của Apple đã được sản xuất tại Việt Nam. Giấc mơ còn lại là bao giờ Apple sẽ lựa chọn sản xuất iPhone tại Việt Nam? Đây là điều mà Việt Nam đã chờ đợi từ lâu, nhưng thách thức là không nhỏ, bởi còn liên quan đến chuỗi cung ứng linh phụ kiện, mà theo các chuyên gia trong ngành là “vô cùng lớn”. Thông tin cho biết, mỗi sản phẩm của Apple có tới hơn 2.000 linh phụ kiện và do vậy, số lượng các công ty cung ứng phải lên tới trên 600. Con số này, Việt Nam chưa dễ đáp ứng.

Tuy vậy, cơ hội vẫn còn ở phía trước, khi Việt Nam đang là tâm điểm của chuỗi cung ứng toàn cầu, dòng đầu tư đang dịch chuyển về đây. Và Thủ tướng Chính phủ trong cuộc gặp với ông Tim Cook cho biết, Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Apple thành lập tổ công tác để hỗ trợ Apple trong việc đầu tư, mở rộng hoạt động tại Việt Nam nhanh, mạnh, bền vững, lâu dài, góp phần thúc đẩy, cụ thể hóa khuôn khổ quan hệ mới giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ trên cơ sở “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Con đường để Việt Nam trở thành “cứ điểm” của Apple vẫn đang rộng mở…

Nguồn: baodautu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *