(FDI Việt Nam) – Chính phủ đã đưa ra quyết định quan trọng về việc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 19/8/2025.

Đây là nội dung tại Thông báo số 171/TB-VPCP ngày 11/4/2025 của Văn phòng Chính phủ, kết luận Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06.
trung tâm dữ liệu quốc gia
Chính phủ đã đưa ra quyết định đưa Trung tâm Dữ liệu Quốc gia vào hoạt động từ ngày 19/8/2025.

Thông báo kết luận nêu rõ, công tác phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, cải cách hành chính và triển khai Đề án 06 đã đạt nhiều kết quả tích cực. Sự chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương đã tạo ra một khí thế mới trong toàn xã hội.

Thể chế, cơ chế, chính sách từng bước được hoàn thiện với việc ban hành 4 Luật, 32 Nghị định, và 34 Thông tư. Chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ, với thương mại điện tử đạt 28 tỷ USD, thanh toán không dùng tiền mặt tăng nhanh, và doanh thu công nghiệp ICT đạt 152 tỷ USD. Việt Nam đã thu hút nhiều tập đoàn công nghệ lớn đầu tư vào quốc gia.

Công tác cải cách hành chính đạt được kết quả nổi bật, đặc biệt là cải cách tổ chức bộ máy hành chính, với nhiều đột phá mang tính cách mạng. Toàn bộ hệ thống đã triển khai khẩn trương và quyết liệt để xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu quả và hoạt động có hiệu lực cao.

Đề án 06 được triển khai hiệu quả, với 100% công dân đủ điều kiện đã được cấp căn cước công dân gắn chip. Cùng với đó, 61 triệu tài khoản định danh điện tử đã được kích hoạt, và dịch vụ công trực tuyến ngày càng hoàn thiện. Những kết quả này giúp Việt Nam thăng hạng đáng kể trong các chỉ số quốc tế về Chính phủ điện tử, đổi mới sáng tạo và an toàn, an ninh mạng.

Ngày 13/3/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 598/QĐ-TTg, thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06. Ban Chỉ đạo này được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, một số nhiệm vụ trong công tác triển khai vẫn còn chậm tiến độ. Các Nghị định và Kế hoạch liên quan chưa được ban hành kịp thời; chuyển đổi số chưa đạt tương xứng với tiềm năng, khi chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số.

Việc tiếp cận internet tại các vùng sâu, vùng xa còn khó khăn; công tác cải cách hành chính và cắt giảm thủ tục hành chính chưa đạt kết quả như kỳ vọng, với chất lượng dịch vụ công trực tuyến vẫn chưa cao. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số còn thiếu và yếu, và chưa có cơ chế hợp tác công tư phù hợp để thúc đẩy sự phát triển này.

Với phương châm “Bộ máy tinh gọn, dữ liệu kết nối, quản trị thông minh”, Chính phủ xác định rằng phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là yêu cầu khách quan mà còn là nhiệm vụ chiến lược ưu tiên hàng đầu, gắn kết chặt chẽ với công cuộc đổi mới và hoàn thiện bộ máy hành chính. Điều này nhằm tạo ra một nền tảng thúc đẩy sự phát triển bền vững, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm của mọi quá trình triển khai.

Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng thông thoáng và linh hoạt, với quan điểm “một Luật sửa nhiều Luật”. Đồng thời, Chính phủ cũng nhấn mạnh việc phát triển đồng bộ hạ tầng số, bảo đảm kết nối thông suốt, đẩy mạnh triển khai mạng 5G, phát triển hệ thống cáp quang tốc độ cao, vệ tinh và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu.

Một trong những ưu tiên tiếp theo là khẩn trương xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải cách hành chính và triển khai Đề án 06.

Không yêu cầu công dân phải xuất trình giấy tờ, sao y, công chứng

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030. Các cơ quan này cần rà soát và đưa ra các giải pháp thiết thực để tạo ra những đột phá mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, đặc biệt trong năm 2025 và các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan khẩn trương xây dựng và thực hiện Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 14/03/2025 về đẩy mạnh triển khai Đề án 06 theo đúng tiến độ đã được giao. Các bộ, ngành chủ quản cũng cần hoàn thành việc xây dựng và kết nối các cơ sở dữ liệu quan trọng như: Đất đai, xây dựng, bảo hiểm, tài chính, doanh nghiệp, lao động việc làm, y tế, giáo dục với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hoàn thành trong tháng 6/2025.

trung tâm dữ liệu quốc gia
Phiên họp lần thứ nhất ban chỉ đạo của chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đề án 06.

Khẩn trương triển khai đầy đủ các nhiệm vụ đã được giao tại Thông báo số 56/TB-VPCP ngày 23/02/2025 của Văn phòng Chính phủ về kết luận Phiên họp tổng kết hoạt động của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, trong đó tập trung vào các nội dung:

“100% sân bay, bến cảng, cửa khẩu ứng dụng công nghệ sinh trắc học trên nền tảng VneID, hoàn thành trong Quý II/2025; hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch, dữ liệu đất đai, các dữ liệu khác, tái sử dụng dữ liệu, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo thẩm quyền, hoàn thành trong Quý II/2025; đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính phủ không giấy tờ, yêu cầu tất cả lãnh đạo, cán bộ, công chức các bộ, ngành, địa phương các cấp phải xử lý hồ sơ công việc toàn trình trên môi trường mạng và sử dụng chữ ký số để giải quyết công việc, hoàn thành trước ngày 30/6/2025”.

Bên cạnh đó, cắt giảm thành phần hồ sơ đối với các thủ tục hành chính có thông tin giấy tờ đã tích hợp trên tài khoản định danh điện tử, hoàn thành trong Quý II/2025; đẩy mạnh cung cấp, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến gắn với sắp xếp đơn vị hành chính; tái cấu trúc, số hóa quy trình nghiệp vụ, hồ sơ tài liệu, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tái sử dụng 100% dữ liệu đã số hóa để cắt giảm tối đa thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.

Hợp nhất và nâng cấp các Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị, không làm gián đoạn việc quản lý, theo dõi, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, hoàn thành trong tháng 4/2025; điều chỉnh quy trình nghiệp vụ, cho phép sử dụng các giấy tờ điện tử tích hợp trên tài khoản định danh điện tử tương đương với giấy tờ truyền thống khi thực hiện các thủ tục hành chính, không yêu cầu công dân phải xuất trình giấy tờ, phải sao y, công chứng, hoàn thành trong tháng 4/2025.

Triển khai Chính phủ không giấy tờ

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ được giao xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành: (1) Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược, hoàn thành trong tháng 5/2025; (2) thành lập Quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược và Đề án hình thành các doanh nghiệp công nghệ chiến lược quy mô lớn trong nước để phát triển hạ tầng số, nhân lực số, dữ liệu số, công nghệ chiến lược, an toàn an ninh mạng, hoàn thành trong tháng 9/2025; (3) Chương trình phát triển Chính phủ số, hoàn thành trong tháng 6/2025.

Triển khai Chính phủ không giấy tờ và thực hiện chỉ đạo, điều hành trên môi trường điện tử dựa trên dữ liệu, hoàn thành trong tháng 9/2025; đẩy mạnh phát triển hệ thống truyền dẫn dữ liệu qua vệ tinh, cáp quang băng thông rộng tốc độ cao, hoàn thành trong tháng 4/2025.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế phù hợp để đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp công nghệ số phát triển phần mềm trợ lý ảo nhằm hỗ trợ cán bộ, công chức thực hiện công vụ, hỗ trợ người dân trong thực hiện thủ tục hành chính, tra cứu thông tin pháp lý, rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong Quý II/2025.

Đưa Trung tâm dữ liệu quốc gia đi vào hoạt động vào ngày 19/8/2025

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Công an triển khai các giải pháp để đưa Trung tâm dữ liệu quốc gia vào hoạt động vào ngày 19/8/2025; nghiên cứu và thành lập Trung tâm sáng tạo và khai thác dữ liệu quốc gia tại Trung tâm dữ liệu quốc gia trong tháng 4/2025.

Bộ Công an sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu và triển khai các công nghệ, sản phẩm dữ liệu cốt lõi, bao gồm: nền tảng điều phối, xử lý dữ liệu quốc gia; sàn giao dịch dữ liệu quốc gia; nền tảng chuỗi khối quốc gia; ứng dụng định danh phi tập trung quốc gia; sàn giao dịch tiền mã hóa quốc gia; trung tâm tính toán hiệu năng cao; trợ lý ảo quốc gia; và trung tâm dữ liệu dân sự.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp cùng Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) và Văn phòng Chính phủ khẩn trương xây dựng dịch vụ công tập trung đối với 6 thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia, với sự tham gia của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến sẽ vận hành và triển khai chính thức vào ngày 19/8/2025.

Đồng thời, nghiên cứu và đề xuất các nhiệm vụ cụ thể về ứng dụng định danh điện tử trên nền tảng VNeID, nhằm triển khai xây dựng nền tảng xác thực dùng chung cho việc định danh sở hữu trí tuệ phục vụ quản lý bản quyền tác giả và tác quyền. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc minh bạch hóa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị.

Ngoài ra, cũng sẽ triển khai định danh xác thực truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, bảo đảm minh bạch và thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước và liên thông quốc tế, ưu tiên cho các hàng hóa nông nghiệp trong giai đoạn đầu.

Nguồn: Báo đầu tư

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *