(FDI Việt Nam) – Với tinh thần chủ động và tầm nhìn dài hạn, Vingroup, Thaco, Hòa Phát, FPT… cùng nhiều doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam đã nhanh chóng triển khai các dự án đầu tư tầm cỡ, mở ra những động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế đất nước.

nghị quyết 68
Nhiều doanh nghiệp lớn tư Việt Nam đã nhanh chóng hành động trước Nghị quyết 68 – Ảnh: Báo dân trí

SỨ MỆNH CỦA NHỮNG “ĐẦU TÀU” KINH TẾ TƯ NHÂN

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 68 với nhiều nội dung đổi mới, tạo ra bước ngoặt quan trọng để khơi thông dòng chảy phát triển của kinh tế tư nhân. Nghị quyết 68 đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng các doanh nghiệp dân tộc hùng mạnh, có khả năng dẫn dắt và hỗ trợ sự lớn mạnh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Một trong những mục tiêu cụ thể mà Nghị quyết 68 hướng tới là đến năm 2030 sẽ có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn của Việt Nam tham gia sâu vào mạng lưới giá trị toàn cầu. Để đạt được điều này, Nghị quyết 68 đã đưa ra các giải pháp đặc biệt nhằm thúc đẩy sự hình thành và phát triển nhanh chóng của các doanh nghiệp lớn và vừa, cũng như các tập đoàn kinh tế tư nhân có tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế.

Nghị quyết 68 cũng mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân khi nêu rõ chủ trương tăng cường sự tham gia của họ vào các dự án trọng yếu của quốc gia.

Nhà nước sẽ chủ động có các chính sách như đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu hoặc các ưu đãi đặc biệt để khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân cùng tham gia vào các lĩnh vực chiến lược, các dự án và nhiệm vụ nghiên cứu khoa học then chốt, có ý nghĩa quốc gia như đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, công nghiệp mũi nhọn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, giao thông xanh, công nghiệp quốc phòng và an ninh.

Bộ Chính trị cũng ghi rõ cần khẩn trương xây dựng, triển khai Chương trình phát triển 1.000 doanh nghiệp tiêu biểu, tiên phong trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.

Trên thực tế, ngay từ trong cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị các doanh nghiệp lớn tham gia vào các dự án quan trọng quốc gia. Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Trường Hải nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất toa tàu và tiến tới sản xuất đầu máy cho đường sắt tốc độ cao, Tập đoàn Hòa Phát làm ray đường sắt tốc độ cao, Tập đoàn FPT tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, thiết kế chip bán dẫn…

nghị quyết 68 và vingroup
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ các doanh nghiệp tư nhân hồi tháng 2 – Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

VINGROUP VÀ NHIỆM VỤ “CẮM CỜ” TRÊN THẾ GIỚI

Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, từng chia sẻ, với nhận thức doanh nghiệp tư nhân là động lực của nền kinh tế, trong những năm qua doanh nghiệp đã không ngừng nỗ lực đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực mang tính chiến lược như hạ tầng năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế số, công nghiệp hỗ trợ nhằm góp phần hiện thực hóa tầm nhìn phát triển bền vững.

Ví dụ dự án VinFast không chỉ đơn thuần sản xuất xe điện mà còn tập trung xây dựng chuỗi công nghiệp hỗ trợ từ sản xuất pin, trạm sạc cho đến các giải pháp năng lượng thông minh.

Việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho xe điện VinFast là chìa khóa để phát triển bền vững đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Đặc biệt với mục tiêu góp phần giảm phát thải, VinFast đóng vai trò tiên phong trong làn sóng chuyển đổi xanh của Việt Nam, tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường.

Trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 hồi cuối tháng 4, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng nhấn mạnh chiến lược phát triển của VinFast. Ông cho biết VinFast đã hoàn thành mục tiêu cắm cờ trên thế giới khi đặt chân đến Mỹ và nhiều nước trên thế giới.

“Việc của chúng ta là cắm cờ cho thế giới biết xe điện Việt Nam đạt tiêu chuẩn thế giới”, chủ tịch Vingroup nói.

Ngoài ra, tỷ phú Phạm Nhật Vượng còn nhấn mạnh việc sẽ mở rộng thêm 2 trụ cột kinh doanh là Hạ tầng và Năng lượng với số vốn hàng tỷ USD, minh chứng cho triết lý “đã làm phải lớn” của Vingroup.

vingroup
Ông Phạm Nhật Vượng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên Vingroup – Ảnh: Linh Nguyễn.

Theo đó, Vingroup đã đề xuất với Chính phủ để thực hiện dự án đường sắt cao tốc Phú Mỹ Hưng – Cần Giờ và dự án đường sắt Hà Nội – Quảng Ninh. Ngoài ra, doanh nghiệp này đã đăng ký với các cơ quan Nhà nước đến năm 2030 sẽ phát triển 22,5 GW điện năng lượng tái tạo và LNG.

Ông nêu ra 3 lý do khiến Vingroup tham gia lĩnh vực điện. Đầu tiên, tập đoàn muốn tạo ra một hệ sinh thái xanh, xe điện sẽ sử dụng điện thân thiện với môi trường, “xanh từ đầu đến cuối”. Thứ 2 là doanh nghiệp muốn giải quyết việc thiếu năng lượng, nhất là điện xanh. Cuối cùng, công ty làm các dự án này vì muốn đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Năm 2025, Vingroup đặt mục tiêu đạt 300.000 tỷ đồng doanh thu năm , tăng 58,7% so với mức thực hiện năm 2024. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 10.000 tỷ đồng, tăng 89,5%.

HÒA PHÁT VÀ NHIỆM VỤ TIÊN PHONG ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO

Chia sẻ tại họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long khẳng định doanh nghiệp sẽ luôn ở trong tâm thế tiến về phía trước.

“Tập đoàn cam kết giai đoạn 2025-2030 sẽ duy trì mức tăng trưởng không dưới 15% mỗi năm, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam”, ông Trần Đình Long nhấn mạnh.

Theo ông Trần Đình Long, với năng lực hiện có, Hòa Phát đang hướng đến sản xuất các loại thép chất lượng cao, góp phần thay thế hàng nhập khẩu. Ông khẳng định Hòa Phát tự tin đủ năng lực nghiên cứu sản xuất thép đường ray, thép làm trục bánh xe tàu hỏa, tàu cao tốc theo đặt hàng của Chính phủ, cũng như các loại thép chất lượng cao phục vụ cho các dự án trọng điểm quốc gia và xuất khẩu ra thế giới.

Một tín hiệu tích cực là Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ cơ chế giao đơn hàng và nhiệm vụ cụ thể cho các doanh nghiệp lớn, trong đó có Hòa Phát. Khi dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 hoàn thành, năng lực sản xuất thép của tập đoàn có thể đạt 15 triệu tấn/năm, dự kiến đưa doanh nghiệp vào top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới, theo Chủ tịch Trần Đình Long.

hòa phát
Ông Trần Đình Long tại phiên họp ĐHĐCĐ Hòa Phát – Ảnh: MK.

Dung Quất 2 cũng là nơi được Hòa Phát quyết định triển khai dự án sản xuất đường ray với quy mô đầu tư 14.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, lễ động thổ sẽ diễn ra trong tháng 5 tới và đơn hàng đầu tiên dự kiến có thể xuất xưởng vào tháng 5/2027.

Trong nhiều năm tới, Hòa Phát xác định sẽ tập trung sản xuất thép chất lượng cao, phục vụ cho các ngành công nghiệp đầu cuối, trong đó có ôtô và đường sắt. Doanh nghiệp đã và đang chủ động tiếp cận nhiều doanh nghiệp trong ngành ô tô và vận tải như VinFast, Thành Công, Thaco và ngành đường sắt Việt Nam.

Năm nay, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 170.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 15.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 21% và 24,7% so với thực hiện năm 2024. Nếu hoàn thành kế hoạch, doanh thu của tập đoàn này sẽ đạt mức kỷ lục mới, còn lợi nhuận cao nhất trong 4 năm.

FPT VỚI NHIỆM VỤ TIÊN PHONG TRONG LĨNH VỰC CÔNG NGHỆ

Nghị quyết 68 xác định rõ ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số là hướng đi chiến lược để khu vực tư nhân nâng cao năng suất, giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng tiếp cận nguồn vốn.

Bộ Chính trị đặt mục tiêu rõ ràng đến năm 2030, trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của Việt Nam thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á.

Được Thủ tướng giao nhiệm vụ tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, thiết kế chip bán dẫn, Tập đoàn FPT được xem là cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực công nghệ.

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình chia sẻ chiến lược 3 năm 2025-2027, trong đó tiếp tục nhấn mạnh các công nghệ sẽ tái định hình, sắp xếp lại thế giới.

“Ngay ngày đầu năm mới 2025, khi DeepSeek với mô hình AI giá rẻ tạo ra cơn địa chấn trên quy mô toàn cầu, tôi nhận thấy cơ hội lớn chưa từng có cho Việt Nam. Chúng ta đang đi sau nhưng có cơ hội để khẳng định vị thế tiên phong, khai phá những đỉnh cao mới”, Chủ tịch FPT nhận định.

Chiến lược của FPT sẽ lấy trí tuệ nhân tạo dẫn dắt. Tập đoàn này sẽ nhắm tới 4 mục tiêu trọng điểm như phát triển nền tảng hệ thống “trợ lý AI” Made by FPT, nâng cao năng suất với AI trọng tâm, tích hợp AI vào toàn bộ sản phẩm dịch vụ, phát triển nguồn nhân lực AI.

Ông Trương Gia Bình cam kết đào tạo 50.000 kỹ sư AI, cung cấp kỹ năng, kiến thức về AI cho 500.000 nhân lực vào năm 2030.

fpt
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông – Ảnh: FPT.

Các chiến lược công nghệ khác sẽ được doanh nghiệp triển khai trong thời gian tới cũng trùng khớp với định hướng của Nghị quyết 68 như chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, lĩnh vực bán dẫn với mảng lắp ráp và kiểm thử, công nghệ ô tô, giáo dục.

Chia sẻ về tình hình khối công nghệ, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa cho biết FPT sẽ mở rộng mô hình AI Factory, hướng đến trở thành nhà cung cấp hạ tầng AI hàng đầu thế giới.

“Tập đoàn đánh giá Nghị quyết 57 là cuộc cách mạng về khoa học công nghệ. Trước chúng ta nói nhiều đến cách mạng 4.0, giờ chúng ta nói đến cách mạng Nghị quyết 57, khoa học công nghệ là kim chỉ nam đưa đất nước phát triển. Xây dựng các chiến sĩ cách mạng 57, xây dựng chiến sĩ cách mạng công nghệ, đưa Việt Nam có các sản phẩm chiến lược về khoa học công nghệ. Sắp tới sẽ có các sản phẩm công nghệ lõi made by FPT”, ông Khoa chia sẻ.

Năm 2025, FPT đặt kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu doanh thu đạt 75.400 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 13.395 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 21% so với thực hiện 2024.

THACO ĐẶT TRỌNG TÂM VÀO THAM GIA CÁC DỰ ÁN ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ

Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Tập đoàn Thaco – trong thông điệp đầu năm đã nhận định năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% cùng với nhiều nỗ lực và các giải pháp tích cực. Do có độ trễ nên sức mua của nền kinh tế dự báo chỉ như năm 2024 và tăng nhẹ trong 6 tháng cuối năm.

Trong buổi làm việc với Thaco gần đây, Thủ tướng giao cho doanh nghiệp các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Đó là tiên phong đổi mới sáng tạo; tăng tốc, bứt phá trong tăng trưởng; bao trùm, toàn diện, bền vững trong phát triển; tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế sáng tạo, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường sáng – xanh – sạch – đẹp; làm tốt hơn nữa công tác an sinh xã hội.

thaco
Chủ tịch HĐQT Thaco Trần Bá Dương phát biểu tại hội nghị – Ảnh: VGP.

Thủ tướng cũng đề nghị Thaco nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất toa tàu đường sắt tốc độ cao; đồng thời kỳ vọng doanh nghiệp đóng góp thực hiện mục tiêu tăng trưởng 10% của Quảng Nam và ít nhất 8% của cả nước trong năm nay.

Nhận “lệnh” của Thủ tướng, Chủ tịch Thaco cho biết tập đoàn sẽ tập trung tham gia vào làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép.

Ông Trần Bá Dương khẳng định với lực lượng kỹ sư cũng như kinh nghiệm về nghiên cứu và phát triển sản phẩm, hợp tác quốc tế, Thaco sẽ có sự chuyển giao công nghệ hợp lý, tổ chức sản xuất tại chỗ nhằm giảm giá thành; đồng thời có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam, chịu trách nhiệm về vấn đề chất lượng và giá thành

“Chúng tôi sẽ đề cao tính hợp tác thông qua các dự án lớn, giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi sản xuất, cũng như liên kết để đặt hàng thép chế tạo theo đúng tiêu chuẩn của sản phẩm”, ông Dương nhấn mạnh.

CÁC DOANH NGHIỆP KHÁC CŨNG BẮT ĐẦU VÀO CUỘC

Là một trong 2 doanh nghiệp đầu tiên niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán, Cơ Điện Lạnh (mã chứng khoán: REE) được dẫn dắt phát triển thành công ty đa ngành với 3 lĩnh vực chính: Cơ điện công trình; Bất động sản thương mại và văn phòng; Năng lượng tái tạo, nước sạch và môi trường..

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh – Tổng giám đốc – nói môi trường kinh doanh năm 2025 rất khả quan khi Chính phủ tạo điều kiện pháp lý hơn và muốn kiến tạo hơn, môi trường rất tích cực. Kết quả kinh doanh quý đầu năm tốt hơn cùng kỳ, trong đó mảng điện tích cực, mảng nước có chuyển biến dù chưa nâng giá bán.

Tổng giám đốc REE đặt nhiều kỳ vọng vào mảng năng lượng tái tạo. Doanh nghiệp đặt mục tiêu đạt công suất 5.000 MW vào năm 2035, tức sẽ phát triển thêm 4.000 MW trong 10 năm tới.

Bà Thanh nhấn mạnh kỳ vọng này có cơ sở, khi năm nay công ty sẽ hoàn thành nhà máy điện gió công suất 48 MW. Một nhà máy thủy điện công suất 30 MW khác dự kiến hoàn thành cuối năm 2026. Trong năm nay, REE cũng sẽ đấu thầu và hi vọng trúng thầu dự án 176 MW, dự kiến phát điện vào cuối năm 2026.

Trong lĩnh vực bất động sản, trước cánh cửa của chu kỳ tăng trưởng mới, nhiều ông lớn địa ốc không ngừng đưa ra những quyết sách mới, mang định hướng dài hạn.

Ông Nguyễn Xuân Quang – Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG) – nêu quan điểm kiên định với tầm nhìn đến năm 2030, bao gồm phát triển các khu đô thị tích hợp đáng sống; mở rộng đầu tư và phát triển quỹ đất tại các vùng TPHCM, Hà Nội; thực hiện chiến lược mua bán sáp nhập (M&A) đa dạng hóa danh mục.

Ban lãnh đạo công ty cũng đặt kế hoạch 3 năm tới lợi nhuận tăng 1,2 lần và doanh số tăng hơn 3 lần. Trong quá trình đó, doanh nghiệp đang đẩy mạnh hoàn thiện pháp lý nhiều dự án ở Đồng Nai, Hải Phòng, dự kiến mở bán sản phẩm từ cuối năm nay.

Tại Novaland, ông Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch HĐQT – chia sẻ năm 2024 và 2025 tiếp tục là thời kỳ đầy biến động nhưng cũng mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp có bản lĩnh, sản phẩm tốt và chiến lược rõ ràng. Với Novaland, năm 2025 sẽ là bước ngoặt với chiến lược mới, mở thêm phân khúc nhà ở cho người có thu nhập trung bình. Chiến lược này không mang lại nhiều lợi nhuận nhưng sẽ bền vững vì có dòng tiền ổn định cho Novaland và thực hiện theo chiến lược phát triển của quốc gia.

Cũng theo ông Nhơn, Novaland chú trọng hài hòa ba lợi ích: Doanh nghiệp, khách hàng, quốc gia. Vì thế, không chỉ tái cấu trúc để tồn tại, tập đoàn còn hướng đến giai đoạn phát triển mới, hòa nhập với sự tăng trưởng 2 con số của quốc gia, nâng tầm vị thế trong khu vực.

Nói thêm về chiến lược mở thêm phân khúc nhà ở cho người có thu nhập trung bình, ông Bùi Thành Nhơn cho biết Novaland đang xin chủ trương chuyển đổi 2 dự án tại TPHCM sang nhà ở xã hội và nhà ở cho người có thu nhập trung bình.

Trong năm nay, Novaland xác định các ưu tiên hàng đầu bao gồm giải quyết các vấn đề pháp lý, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và tối ưu hóa dòng tiền. Song song đó, công ty sẽ kiện toàn bộ máy quản trị và điều hành theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đồng thời tiến hành chuyển đổi số toàn diện để nâng cao năng suất và từng bước áp dụng các tiêu chuẩn ESG.

Về kế hoạch kinh doanh năm nay, Novaland đưa ra hai kịch bản với mức tăng trưởng doanh thu dự kiến từ 15% đến 48%. Kịch bản 1 dự kiến doanh thu thuần đạt 13.411 tỷ đồng và lỗ sau thuế 12 tỷ đồng. Kịch bản 2 thận trọng hơn với doanh thu thuần 10.453 tỷ đồng và lỗ sau thuế 688 tỷ đồng. Theo Novaland, kết quả kinh doanh của công ty trong năm nay sẽ phụ thuộc lớn vào tiến độ giải quyết các vấn đề pháp lý của các dự án.

Nguồn: Báo dân trí

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *