(FDI Việt Nam) – Với lợi thế vị trí chiến lược, kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường đầu tư ngày càng hấp dẫn, Việt Nam đang nắm bắt cơ hội vươn mình trở thành trung tâm tài chính quốc tế.

Cơ hội vàng để tham gia chuỗi trung tâm tài chính toàn cầu

Tại Hội nghị Xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam diễn ra chiều 28/3 tại TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được nhấn mạnh rằng việc Trung ương lựa chọn TP.HCM làm nơi đặt trung tâm tài chính quốc tế toàn diện là niềm vinh dự lớn, đồng thời cũng là trọng trách nặng nề mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố sẽ nỗ lực hết mình để hoàn thành.

Theo ông Nguyễn Văn Được, TP.HCM hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để đảm nhận vai trò đầu tàu trong chiến lược phát triển trung tâm tài chính với bốn lý do chính.

Trước hết, TP.HCM sở hữu nền tảng kinh tế năng động và hội nhập quốc tế sâu rộng. Thành phố đóng góp 15,5% GDP cả nước, chiếm hơn 25,3% tổng thu ngân sách quốc gia và gần 11,3% kim ngạch xuất nhập khẩu.

Đây là trung tâm thương mại, dịch vụ và tài chính lớn nhất Việt Nam, là nơi đặt trụ sở của nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước — yếu tố quan trọng để phát triển trung tâm tài chính quốc tế.

trung tâm tài chính
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được phát biểu.

Thứ hai, TP. Hồ Chí Minh đang khẳng định vị thế là trung tâm tài chính hàng đầu của Việt Nam với nền tảng hạ tầng tài chính hiện đại và vận hành bài bản. Các thiết chế quan trọng như thị trường chứng khoán, thị trường vốn, trung tâm thanh toán, ngân hàng số và ứng dụng fintech đã được xây dựng đồng bộ. Đặc biệt, Việt Nam đã nghiên cứu cơ chế sandbox, tạo điều kiện thí điểm cho fintech và chuyển đổi số, giúp các quỹ đầu tư dễ dàng tiếp cận và ươm mầm cho các dự án đổi mới sáng tạo mang tính đột phá.

Thứ ba, TP. Hồ Chí Minh sở hữu vị trí địa lý chiến lược và có mối liên kết chặt chẽ với các trung tâm tài chính lớn trong khu vực như Singapore, Hong Kong, Thượng Hải và Tokyo thông qua các hoạt động đầu tư và thương mại. Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, tương lai là sân bay Long Thành cùng với hệ thống cảng biển lớn tạo nền tảng thuận lợi để xây dựng hệ sinh thái tài chính toàn cầu.

Thứ tư, quyết tâm chính trị và chiến lược phát triển rõ ràng từ Trung ương đến địa phương đã xác định TP. Hồ Chí Minh là trung tâm tài chính quốc tế trong tương lai. Thành phố không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ rào cản pháp lý và phát triển hạ tầng số, công nghệ tài chính. Những bước đi cụ thể này đang góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu cho TP. Hồ Chí Minh.

Việt Nam sẽ có cơ chế chính sách vượt trội để phát triển trung tâm tài chính

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhận định, châu Á – khu vực phát triển năng động nhất thế giới – đang chứng kiến sự trỗi dậy của nhiều trung tâm tài chính mới.

Trong bối cảnh đó, với vị trí địa chính trị quan trọng, kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường đầu tư ngày càng cải thiện, Việt Nam đứng trước “cơ hội vàng” để tham gia và khẳng định vị thế trong chuỗi trung tâm tài chính toàn cầu.

Những năm gần đây, TP.HCM đã chính thức có mặt trong bảng xếp hạng các trung tâm tài chính toàn cầu, trong khi TP Đà Nẵng cũng nổi lên là một trung tâm công nghệ tài chính cấp vùng đầy tiềm năng nhờ định hướng thành phố thông minh và đổi mới sáng tạo.

Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đang soạn thảo dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc phát triển trung tâm tài chính tại Việt Nam. Nghị quyết này nhằm thiết lập khung pháp lý minh bạch, cùng các chính sách ưu đãi đặc thù và vượt trội, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, các điều kiện và nền tảng cần thiết cũng đang được chuẩn bị để thúc đẩy sự phát triển của trung tâm tài chính tại Việt Nam.

trung tâm tài chính
Hội nghị thu hút sự tham gia đông đảo của đại diện doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước – Ảnh: Vietnam Net

Dự thảo cơ chế chính sách cho trung tâm tài chính đang được xây dựng theo hướng vượt trội hơn so với quy định hiện hành, tuân thủ thông lệ quốc tế. Chính sách này nhằm thu hút vốn, công nghệ và phương thức quản lý hiện đại, đồng thời thử nghiệm các loại hình kinh doanh mới.

“Xây dựng trung tâm tài chính là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ đối với Việt Nam. Do đó, chúng tôi sẽ triển khai một cách thận trọng, bài bản, tiến từng bước vững chắc. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm từ các mô hình đi trước, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn để không phải bỏ lỡ thời cơ phát triển. 

Chính phủ chủ trương mở cửa theo lộ trình phù hợp nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao khả năng thích ứng của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh các rủi ro an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.

Nguồn: Vietnam Net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *