(FDI Việt Nam) – Nhật Bản đã hỗ trợ cung cấp thiết bị đào tạo nguồn nhân lực nuôi trồng thủy sản, góp phần tái cơ cấu ngành thủy sản từ đánh bắt sang nuôi trồng nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên biển của Việt Nam.

Ngày 28/3, trong nỗ lực tái cơ cấu ngành thủy sản, Đại sứ quán Nhật Bản đã bàn giao trang thiết bị đào tạo cho Trường Cao đẳng Thủy sản và Công nghệ thực phẩm tại Hải Phòng. Gói trang thiết bị bao gồm các lồng lưới thực hành, máy chế biến thức ăn và thiết bị đảm bảo an toàn ngoài khơi, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho ngành thủy sản.

ngành thủy sản việt nam
Lồng lưới thực hành nuôi trồng thủy sản được bàn giao cho Trường Cao đẳng Thủy sản và Công nghệ thực phẩm – Ảnh: Vietnam+

Hoạt động này thuộc khuôn khổ “Dự án Cung cấp trang thiết bị đào tạo nuôi trồng thủy sản cho Trường Cao đẳng Công nghệ, Kinh tế và Thủy sản Hải Phòng” với tổng giá trị viện trợ 65.573 USD (hơn 1,5 tỷ đồng), được tài trợ theo Chương trình viện trợ không hoàn lại cấp cơ sở Kusanone của Nhật Bản.

Ngành thủy sản là một trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng của Việt Nam, đóng góp khoảng 5% vào tổng GDP quốc gia. Với đường bờ biển dài 3.260 km và vùng đặc quyền kinh tế khoảng 1 triệu km², Việt Nam có tiềm năng lớn trong khai thác và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, thu nhập của ngư dân vẫn còn thấp và thiếu ổn định so với các ngành nghề khác. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đang khiến sản lượng đánh bắt biến động mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân.

Trước những thách thức này, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản và ứng phó với biến đổi khí hậu. Cơ cấu của ngành thủy sản cũng đang dịch chuyển từ khai thác tự nhiên sang nuôi trồng, đặc biệt là nuôi trồng hải sản, nhằm đảm bảo phát triển bền vững.

Trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ, Kinh tế và Thủy sản là một trong ba trường cao đẳng chuyên ngành thủy sản trên cả nước, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Trường thu hút nhiều sinh viên đến từ các gia đình có thu nhập thấp tại các khu vực nông nghiệp và ngư nghiệp, đặc biệt ở phía Bắc, góp phần tạo ra lực lượng lao động chất lượng cho ngành thủy sản trong tương lai.

ngành thủy sản
Ông Ito Naoki, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ bàn giao thiết bị – Ảnh: Vietnam+

Ngoài ra, trường dự kiến sẽ đào tạo nguồn nhân lực nuôi trồng thủy sản để đáp ứng chính sách của Chính phủ Việt Nam chuyển từ nghề cá đánh bắt sang nuôi trồng nên đã xây dựng một khóa học hai năm và một khóa học nghề ngắn hạn cho người đang đi làm, hướng dẫn các kỹ thuật về nuôi trồng thủy hải sản.

Hiện nay, khoảng 100 học viên đang theo khóa học nuôi trồng thủy sản, nhưng do thiếu hụt trang thiết bị cần thiết theo quy định pháp luật về đào tạo nghề, trường mới chỉ tập trung giảng dạy lý thuyết trên lớp, chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực hành thực tiễn.

Bên cạnh đó, dù trường đã lên kế hoạch hợp tác với một doanh nghiệp nuôi trồng thủy hải sản trong vùng để triển khai thực hành trên biển, nhưng việc thiếu thiết bị đào tạo khiến học viên không thể làm quen và sử dụng các thiết bị chuyên dụng — yếu tố quan trọng trong thực hành. Điều này dẫn đến tình trạng thực hành chưa được thực hiện hiệu quả và trơn tru như mong đợi.

ngành thủy sản
Giới thiệu về các thiết bị đảm bảo an toàn ngoài khơi – Ảnh: Vietnam+

Dự án đã trang bị cho Trường Cao đẳng nghề Công nghệ, Kinh tế và Thủy sản Hải Phòng một bộ thiết bị phục vụ đào tạo trong ngành thủy sản, đặc biệt là lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản. Điều này giúp cải thiện môi trường đào tạo thực hành tại trường, nâng cao chất lượng giáo dục và tạo cơ hội việc làm tốt hơn cho ngư dân, góp phần tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.

Việc Nhật Bản cung cấp thiết bị đào tạo nuôi trồng thủy sản biển lần này không chỉ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành thủy sản Việt Nam mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tái cơ cấu từ khai thác sang nuôi trồng. Đây là nỗ lực nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên biển và phát triển bền vững cho ngành thủy sản.

Phát biểu tại lễ bàn giao, ông Ito Naoki, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, bày tỏ hy vọng rằng với sự hỗ trợ từ dự án, việc thực hành sẽ trở nên hiệu quả hơn, giúp đào tạo đội ngũ nhân lực có kiến thức và kinh nghiệm sâu rộng trong ngành thủy sản. Điều này không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành thủy sản Việt Nam.

“Tôi cũng hy vọng rằng các sinh viên tham dự buổi lễ hôm nay sẽ tích cực học tập, rèn luyện và trải nghiệm một cuộc sống sinh viên đầy ý nghĩa với tinh thần mong muốn dẫn dắt phát triển ngành thủy sản Việt Nam trong tương lai. Và tôi mong rằng dự án này sẽ củng cố hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nhật Bản và Việt Nam, đánh dấu một bước tiến mới cho hợp tác Nhật – Việt trong tương lai,” Đại sứ Ito Naoki nói.

Nguồn: Vietnam Plus

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *