(FDI Việt Nam) – Nghị định số 75/2025/NĐ-CP ban hành chính sách thí điểm mới, giúp rút ngắn quy trình, giảm thiểu rào cản và khai thông những dự án bất động sản đang bị ách tắc vì vướng mắc quỹ đất.
Rút ngắn thời gian làm thủ tục
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 75/2025/NĐ-CP (ngày 1/4/2025) nhằm hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Nghị quyết 171/2024/QH15 của Quốc hội. Nghị định này cho phép thí điểm triển khai dự án nhà ở thương mại thông qua hình thức thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, hướng đến mục tiêu tháo gỡ các vướng mắc pháp lý và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.
Chia sẻ với phóng viên, ông Dương Tuấn Tú – Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Anh Tuấn – cho biết, hiện quá trình giao đất cho doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc vào nguồn gốc đất, chỉ tiêu quy hoạch và thủ tục từ các cơ quan chức năng.
“Trước đây, doanh nghiệp muốn phát triển dự án phải chứng minh quỹ đất đã có yếu tố đất ở, trong khi phần lớn quỹ đất đang chờ quy hoạch là đất nông nghiệp. Quy định này đã gây tác động lớn đến thị trường bất động sản, khiến nhiều dự án bị đình trệ”, ông Tú nói.

Tuy nhiên, theo quy định mới tại Nghị định 75, doanh nghiệp có thể chủ động thỏa thuận với người dân để nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, thay vì phải chờ quy hoạch chuyển đổi sang đất ở như trước. Điều này giúp rút ngắn quy trình, giảm bớt rào cản pháp lý và tạo điều kiện để nhà đầu tư nhanh chóng triển khai dự án.
Chung nhận định, ông Hà Văn Thiện – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Trần Anh Group – cho biết, trước đây, doanh nghiệp muốn triển khai dự án phải bỏ vốn mua đất từ người dân, sau đó lại tiếp tục thực hiện các thủ tục xin giao đất hoặc thuê đất từ cơ quan nhà nước.
Quy trình này kéo theo hàng loạt thủ tục hành chính phức tạp như xin chủ trương đầu tư, tham gia đấu thầu hoặc đấu giá quyền sử dụng đất, khiến thời gian chuẩn bị dự án kéo dài và tạo nhiều áp lực cho doanh nghiệp.
“Ngay cả khi đã gom đủ đất, doanh nghiệp vẫn phải chờ quyết định giao đất chính thức, thậm chí phải tham gia đấu thầu, đấu giá mới có thể bắt tay vào triển khai”, ông Thiện nói.
Tuy nhiên, với Nghị định 75, doanh nghiệp bất động sản sẽ chủ động hơn khi được phép trực tiếp thỏa thuận với người dân để nhận quyền sử dụng đất, thay vì phải thông qua hình thức đấu giá hoặc đấu thầu. Đây được xem là bước cải cách quan trọng, góp phần tinh giản thủ tục hành chính, rút ngắn đáng kể thời gian chuẩn bị dự án.
Dù vậy, theo vị lãnh đạo doanh nghiệp, tiến độ triển khai dự án không chỉ phụ thuộc vào quy trình pháp lý, mà còn phụ thuộc lớn vào khả năng tiếp cận quỹ đất phù hợp. Nếu không có sẵn quỹ đất được quy hoạch đồng bộ và đáp ứng tiêu chí phát triển, doanh nghiệp vẫn sẽ gặp khó khăn trong việc triển khai, dù các thủ tục đã được đơn giản hóa.
Chính vì vậy, việc thay đổi cơ chế thông qua Nghị định 75 được đánh giá là mang lại lợi ích rõ rệt, đặc biệt trong việc tháo gỡ nút thắt pháp lý. Quy định mới không chỉ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tiếp cận quỹ đất, mà còn góp phần thúc đẩy tiến độ triển khai, tạo động lực phát triển cho thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Với chính sách mới, nhiều dự án đang vướng mắc về quỹ đất sẽ được tháo gỡ
Trao đổi với phóng viên, các lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho rằng, chính sách mới này dự kiến sẽ giúp khai thông những dự án đang bị ách tắc vì vướng mắc quỹ đất. Bở hơn 90% quỹ đất tiềm năng hiện nay là đất nông nghiệp, do đó, khi các doanh nghiệp có thể tiếp cận và triển khai nhanh chóng, sẽ giúp cung cấp nhiều sản phẩm bất động sản hơn cho thị trường.

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, theo thống kê ban đầu, hiện nay, thành phố có 343 dự án đang thực hiện dự án nhà ở dưới 20 ha mà không có đất ở.
“Nếu không có Nghị định thí điểm này, toàn bộ các dự án trên sẽ bị tắc. Doanh nghiệp không thể tiếp tục thực hiện các bước chấp thuận chủ trương đầu tư và các bước điều chỉnh quy hoạch và triển khai dự án”, ông Thắng nói.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Nghị định số 75/2025/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực trong vòng 5 năm, từ 2025 đến 2030, với kỳ vọng tháo gỡ những vướng mắc pháp lý tồn tại lâu nay. Đây được xem là bước đi quan trọng, mở ra nguồn lực lớn để các doanh nghiệp có thể chủ động triển khai các dự án nhà ở thương mại, từ đó góp phần cải thiện nguồn cung trên thị trường.
Bên cạnh đó, một chính sách trọng điểm khác là Nghị định số 76/2025/NĐ-CP, quy định chi tiết việc thực hiện Nghị quyết số 170 của Quốc hội. Nghị định này hướng đến việc xử lý dứt điểm các vướng mắc liên quan đến đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, cũng như các bản án đã có hiệu lực pháp luật tại ba địa phương trọng điểm: TP.HCM, TP. Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.
Riêng tại TP.HCM, có 3 dự án lớn đã được tháo gỡ nhờ nghị định này, bao gồm: khu đất 30,224 ha tại phường Bình Khánh, TP. Thủ Đức (dự án The Water Bay); khu đất 30,106 ha tại Nam Rạch Chiếc (dự án Lakeview City); và dự án 39 – 39B Bến Vân Đồn, quận 4 (The Tresor).
Nguồn: Báo đầu tư