(FDI Việt Nam) – Sáng 11/4 tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã chính thức công bố Sách Trắng 2025.

Sáng 11/4, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) chính thức ra mắt Sách Trắng 2025 vạch ra những “trận chiến phải thắng” mà Việt Nam cần vượt qua nhằm tạo ra những đột phá trong tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Sách Trắng 2025: Động lực cải cách và chuyển đổi 

Với chủ đề “Cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi kép: Hiện thực hóa nền kinh tế xanh và bền vững”, Sách Trắng 2025 một lần nữa khẳng định vai trò là cầu nối quan trọng, phản ánh tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tới các cơ quan hoạch định chính sách.

Chủ đề năm nay truyền tải một tầm nhìn thống nhất về một Việt Nam sẵn sàng đổi mới, chủ động cải cách hành chính và theo đuổi con đường phát triển bền vững trong bối cảnh kinh tế toàn cầu liên tục biến động.

công bố sách trắng 2025
Lễ công bố Sách Trắng 2025 với chủ đề “Cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi kép: Hiện thực hóa nền kinh tế xanh và bền vững” – Ảnh: VGP.

Ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam, cho biết dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Việt Nam đang từng bước chuyển mình để bước vào một giai đoạn phát triển mới với mục tiêu đầy khát vọng: trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Để tiến gần hơn tới đích này, Việt Nam đang tích cực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng cường đầu tư cho giáo dục, đồng thời khai thác hiệu quả các hạ tầng chiến lược nhằm tạo động lực tăng trưởng kinh tế và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ông Bruno Jaspaert cho rằng đây là thời điểm then chốt, đòi hỏi các chiến lược táo bạo và có tầm nhìn dài hạn để ứng phó với những biến động toàn cầu đang diễn ra nhanh chóng, từ đó củng cố vị thế của Việt Nam như một trung tâm đầu tư năng động và có tính cạnh tranh cao trên toàn cầu.

Việt Nam hiện đang nắm giữ nhiều lợi thế mà không phải quốc gia nào cũng có được: Vị trí địa chiến lược, trữ lượng đất hiếm lớn, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, lực lượng lao động dồi dào, và một Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trên mọi chặng đường phát triển. Khả năng thích ứng, thu hút đầu tư và duy trì đà tăng trưởng sẽ là yếu tố then chốt định hình tương lai dài hạn của Việt Nam.

Ông Bruno Jaspaert nhận định rằng Việt Nam đang đứng trước một giai đoạn mang tính quyết định, đòi hỏi sự triển khai của những chiến lược đột phá, dài hạn và có tầm nhìn xa để ứng phó kịp thời với làn sóng biến động toàn cầu đang diễn ra nhanh chóng. Những bước đi này sẽ góp phần quan trọng trong việc củng cố vị thế của Việt Nam như một điểm đến đầu tư năng động và có sức cạnh tranh cao trên bản đồ kinh tế thế giới.

Theo ông, Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế mà ít quốc gia nào có thể sánh kịp: từ vị trí địa chính trị chiến lược, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, trữ lượng đất hiếm lớn, đến lực lượng lao động trẻ và đông đảo. Đặc biệt, một Chính phủ quyết liệt trong cải cách và luôn đồng hành cùng doanh nghiệp chính là yếu tố then chốt giúp Việt Nam gia tăng khả năng thích ứng, thu hút đầu tư và duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn.

Chính vì vậy, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhằm tăng cường hiệu quả quản lý và đơn giản hóa thủ tục hành chính là “chìa khóa” để mở rộng không gian tăng trưởng.

“Bảy năm tới sẽ là giai đoạn then chốt cho Việt Nam tăng tốc phát triển hạ tầng và củng cố các cơ chế quản lý để đạt các mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng,” ông Bruno Jaspaert dự báo.

Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ông Julien Guerrier, bày tỏ sự ghi nhận đối với những nỗ lực cải cách hành chính không ngừng của Việt Nam. Ông cho rằng đây chính là minh chứng rõ nét cho cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc xây dựng một nền hành chính hiện đại, hiệu quả và linh hoạt – sẵn sàng thích nghi với những biến động phức tạp của môi trường toàn cầu.

Năm 2025 là dấu mốc có ý nghĩa đặc biệt trong quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, khi đánh dấu 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm triển khai Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA). “Các sự kiện kỷ niệm này diễn ra đồng thời với những bước tiến mạnh mẽ của Việt Nam trong cải cách hành chính và hiện đại hóa thể chế, tạo ra động lực hoàn hảo để làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác toàn diện giữa hai bên”, ông Julien Guerrier nhấn mạnh.

Doanh nghiệp châu Âu lạc quan với môi trường đầu tư tại Việt Nam

Cam kết của Việt Nam trong việc trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 hoàn toàn tương đồng với định hướng phát triển bền vững và toàn diện mà Liên minh châu Âu theo đuổi.

Trong năm 2025, mối quan hệ đối tác giữa Việt Nam và EU được kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng, tập trung vào những lĩnh vực trọng yếu hỗ trợ tiến trình hiện đại hóa của Việt Nam như: chuyển đổi năng lượng bền vững, chuyển đổi số, giao thông thông minh, cải cách hệ thống giáo dục, cũng như phát triển các ngành công nghiệp chiến lược mới nổi như vật liệu quan trọng và bán dẫn.

lễ ra mắt sách trắng 2025
Sách Trắng 202 tập hợp khuyến nghị cụ thể và mang tính thực tiễn nhằm cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam – Ảnh: Báo Công Thương.

Ấn phẩm Sách Trắng 2025, với độ dày 228 trang, là tập hợp những khuyến nghị cụ thể và mang tính thực tiễn nhằm cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Các nội dung bao quát nhiều lĩnh vực như: chuyển đổi số, quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng – bất động sản, sáp nhập và mua lại, hợp tác công – tư (PPP), thuế và định giá chuyển nhượng.

Bên cạnh đó, Sách Trắng cũng tập trung phân tích sâu các giải pháp thúc đẩy năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, hệ thống giao thông – hậu cần, đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe, quản lý lao động nước ngoài, cũng như các công cụ tài chính hỗ trợ chiến lược xuất khẩu quốc gia.

Trước đó, Báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) của EuroCham quý IV/2024, với điểm số BCI đạt 61,8 – mức cao nhất kể từ đầu năm 2022. Đây không chỉ là dấu hiệu phục hồi, mà là tuyên bố rõ ràng: các doanh nghiệp châu Âu đã sẵn sàng thích nghi, đổi mới và phát triển ngay cả trong thời điểm đầy thách thức.

Đáng chú ý hơn, 3 trong số 4 doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam được khảo sát cho biết sẽ giới thiệu Việt Nam là điểm đến đầu tư, với hơn 70% lên kế hoạch mở rộng hoạt động.

Nguồn: Báo chính phủ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *