Sự trở lại của các nhiệm vụ cụ thể liên quan trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp trong Nghị quyết 02/2024/NQ-CP được kỳ vọng sẽ tìm lại đà tăng tốc cho đầu tư tư nhân.
Khi các vướng mắc được nhắc đến trúng và đúng
Các doanh nghiệp ngành thủy sản “mừng mừng, tủi tủi” khi đọc dòng nhiệm vụ liên quan đến thủy sản được giao cho Bộ Tài chính trong Nghị quyết 02/2024/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Quyết nghị chưa đầy 100 chữ, nhưng là mong mỏi của các doanh nghiệp trong ngành đã hơn 5 năm nay.
“Đó là: Nghiên cứu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ chế biến thủy sản là ‘hoạt động chế biến’ để thực hiện chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp theo tinh thần đã nêu tại Văn bản số 2550/BTC-TCT ngày 12/3/2021 của Bộ Tài chính về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp. Hoàn thành trong tháng 9/2024”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) chia sẻ ngay khi Nghị quyết được ban hành.
Cũng phải nhắc lại, đây là vấn đề nổi lên từ năm 2019, khi nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản bối rối không biết có thuộc diện được áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, với mức thuế suất ưu đãi 15% hay phải theo mức thuế suất 20% do việc xác định tiêu chí “hoạt động chế biến” chưa rõ, việc áp dụng giữa các địa phương khác nhau. Chính vì vậy, với Văn bản số 2550/BTC-TCT, Bộ Tài chính đã xác định rõ hoạt động chế biến thủy sản để thực hiện chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tuy nhiên, điều các doanh nghiệp cần là đưa nội dung này vào văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thống nhất, hiệu lực và hiệu quả. “Trong quá trình hoàn thiện nội dung Nghị quyết 02/2024/NQ-CP, chúng tôi đã được tham vấn, được tham gia ý kiến, gửi kiến nghị. Rất vui vì nhiều ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp đã có tên trong các nhiệm vụ được Chính phủ giao các bộ, ngành”, ông Nam nói.
Đây cũng là lý do mà đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) bày tỏ sự vui mừng khi nhắc đến nhiệm vụ mà Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì để tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).
Nghị quyết 02/2024/NQ-CP ghi rõ 3 nội dung cần nghiên cứu liên quan đến EPR.
Một là, doanh nghiệp được thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế trong cùng năm cho cùng một loại bao bì, sản phẩm thải bỏ.
Hai là, doanh nghiệp nộp đóng góp tái chế trên cơ sở quyết toán theo số lượng thực tế khi kết thúc năm và thời hạn nộp đến hết quý I của năm tiếp theo.
Ba là, đề xuất chính sách ưu đãi đối với bao bì thân thiện với môi trường hoặc sử dụng vật liệu tái chế.
“Nghị quyết 02/2024/NQ-CP đã nhắc đến đúng và trúng 3 vấn đề mà 13 hiệp hội trong nước cùng Amcham, Eurocham đã nhiều lần kiến nghị, nhưng chưa được giải quyết. Với nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 02/2024/NQ-CP, chúng tôi hy vọng, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tháo gỡ các vướng mắc này”, đại diện các hiệp hội chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.
Các bộ, ngành bắt đầu “đạp chân ga”
Điểm đặc biệt của Nghị quyết 02/2024/NQ-CP là các nhiệm vụ trên của Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng nhiều nhiệm vụ cụ thể khác của các bộ, ngành được xác định phải hoàn thành trong năm nay.
Cụ thể, ngay trong tháng 2/2204, nghĩa là chỉ hơn 1 tháng nữa, Văn phòng Chính phủ sẽ phải trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các nhóm thủ tục hành chính liên thông điện tử, tích hợp, cung cấp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2024…
Trong tháng 3/2024, Bộ Công an phải hoàn thành việc sửa đổi các quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế; phù hợp với đặc điểm vị trí, địa lý hoặc đặc thù của dự án, công trình, phương tiện.
Bộ Giao thông – Vận tải cũng phải hoàn thành các giải pháp đảm bảo hạ tầng đồng bộ, đủ năng lực tiếp nhận, sàng lọc, khai thác và sử dụng dữ liệu kết nối từ doanh nghiệp, nhất là dữ liệu camera từ xe ô tô kinh doanh vận tải trong năm 2024.
Nhiệm vụ cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện đối với những ngành nghề có thể áp dụng các biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn cũng phải được các bộ, ngành hoàn thành trong tháng 9/2024, trong tháng 12/2024 sẽ trình kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh…
Đặc biệt, trước ngày 20/1/2024, các bộ, ngành, địa phương sẽ phải hoàn tất việc xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch hành động, văn bản cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết này, trong đó xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, dự kiến kết quả đối với từng nhiệm vụ và phân công đơn vị chủ trì thực hiện, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Rõ ràng, sẽ không có thời gian cho bất cứ sự chần chừ, chờ đợi nào từ các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện Nghị quyết 02/2024/NQ-CP.
“Các bộ, ngành, địa phương buộc phải ‘đạp chân ga’ trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, thì mới đảm bảo tiến độ. Đây chính là điều doanh nghiệp mong chờ nhiều nhất và cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ nhất, ít tốn kém nhất”, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định khi đón nhận sự trở lại của Nghị quyết hàng năm về cải thiện môi trường kinh doanh.
Tìm lại đà tăng tốc cho khu vực tư nhân
Trong rất nhiều báo cáo đánh giá tình hình kinh tế năm 2023, mức tăng rất thấp, khoảng 2,7% vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước so với năm 2022, được nhắc đến với nhiều lo ngại về sức khỏe của khu vực đang chiếm hơn 56% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2023.
Mặc dù không trực tiếp đề cập con số này, song phần đánh giá tình hình của Nghị quyết 02 cũng đã nhắc đến sự suy giảm nhu cầu đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Nguyên do được lý giải khá rõ, gồm cả những tác động từ kinh tế thế giới đến những vấn đề trong nước.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận, nếu môi trường kinh doanh trong nước được cải thiện nhanh, các vướng mắc được tháo gỡ kịp thời, sẽ phần nào bù đắp được những khó khăn do bối cảnh bên ngoài.
“Điều quan trọng là, doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm thực hiện các kế hoạch đầu tư mở rộng, đầu tư mới để khi kinh tế thế giới thuận lợi hơn, họ sẽ tận dụng ngay được cơ hội đó và bứt phá”, ông Cung phân tích.
Cũng chính vì vậy, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, cũng như các chuyên gia kinh tế không chỉ đặt kỳ vọng, mà đang thực hiện vai trò giám sát, thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ mà các bộ, ngành, địa phương được giao tại Nghị quyết 02/2024/NQ-CP.
Là người được giao chắp bút nội dung Nghị quyết trên, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Cải cách môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) cũng đặc biệt kỳ vọng vào áp lực từ cộng đồng doanh nghiệp tới việc thực thi các nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương.
“Các bộ, ngành, địa phương đã được giao phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội doanh nghiệp tổ chức các hoạt động đối thoại với người dân, doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và giải quyết các khó khăn, vướng mắc; đảm bảo đối thoại thực chất, giải quyết ngay được các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Chúng tôi tin rằng, với cách làm việc này, môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện thực chất, đúng như yêu cầu của Chính phủ”, bà Thảo chia sẻ.
Cũng phải nói thêm, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, sẽ tìm thấy thêm nhiều hỗ trợ với sự trở lại của nhiệm vụ nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh mà Nghị quyết 02/2024/NQ-CP giao các bộ, ngành, địa phương. Sau rất nhiều năm vắng bóng, sự trở lại của nhiệm vụ này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh, sức chống chịu trước xu thế phát triển đầy thách thức, nhưng cũng nhiều cơ hội…
Nguồn: baodautu.vn