Những ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Đà Nẵng như: công nghệ chip bán dẫn, công nghiệp vi mạch, bán dẫn, chế tạo linh kiện, điện tử linh hoạt (PE), chip, vật liệu mới…

công nghệ
Khu Công nghệ cao Đà Nẵng – Ảnh minh họa

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng.

Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP. Đà Nẵng nhằm tạo cơ chế vượt trội trong việc lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược vào các ngành, lĩnh vực mà Thành phố có ưu thế, phù hợp với xu hướng thời đại, có tác động lớn, lan tỏa đến kinh tế của Thành phố, vùng miền Trung – Tây Nguyên và cả nước.

Theo đó, danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP. Đà Nẵng bao gồm: Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) và gắn với đào tạo; đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ AI; công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch, có quy mô vốn đầu tư từ 2.000 tỷ đồng trở lên.

Đối với đầu tư dự án, Thành phố sẽ ưu tiên lĩnh vực công nghệ chip bán dẫn, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, các lĩnh vực công nghệ cao khác, có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên.

Đối với khu thương mại tự do, sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng và kinh doanh phân khu thương mại, khu dịch vụ y tế, khu dịch vụ giáo dục và dịch vụ bổ trợ khác tại khu đô thị sườn đồi, quy mô vốn trên 6.000 tỷ đồng; Đầu tư xây dựng và kinh doanh phân khu sản xuất – logistics gắn với cảng biển Liên Chiểu và Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng và quy mô vốn trên 6.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, các hình thức đầu tư khác như đầu tư xây dựng và kinh doanh, tổ hợp dịch vụ hậu cần cảng biển (có thể kết hợp đầu tư các khu công nghiệp sinh thái) có quy mô vốn trên 6.000 tỷ đồng; Đầu tư xây dựng và kinh doanh khu tổ hợp công viên chuyên đề vui chơi giải trí có quy mô đầu tư từ 8.000 tỷ đồng trở lên. Đặc biệt, đầu tư xây dựng và kinh doanh cảng biển Liên Chiểu theo quy hoạch vốn đầu tư từ 50.000 tỷ đồng trở lên.

Để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, Thành phố cam kết nhiều ưu đãi như: Được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) bằng 150% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) thực tế được xác định theo quy định của pháp luật về kế toán;

Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định đối tượng, mức ưu đãi về chi phí tiền thuê đất cơ cấu trong mức thu tiền sử dụng tài sản (đối với công trình do nhà nước đầu tư) và mức hỗ trợ đào tạo nhân lực đối với các lĩnh vực chip bán dẫn và công nghệ AI;

Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan và thủ tục về thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của dự án đầu tư do nhà đầu tư chiến lược thực hiện tại Thành phố khi đáp ứng các điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định của pháp luật về hải quan và thuế, trừ điều kiện về kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu.

Tuy nhiên, nhà đầu tư chiến lược phải cam kết giải ngân vốn đầu tư trong thời hạn 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong thời gian này, nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng dự án; Hỗ trợ kinh phí để đào tạo nghề đối với lao động bị ảnh hưởng tại khu vực dự án; ưu tiên tiếp nhận lao động địa phương vào làm việc tại dự án; thực hiện cam kết về việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao (nếu có).

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chính sách này giúp hình thành được các trụ cột kinh tế mới: Cảng biển gắn với logistics, Khu Thương mại tự do, khoa học công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo, sản xuất công nghiệp công nghệ cao sẽ tác động lan tỏa cả về mặt trực tiếp và gián tiếp đến nền kinh tế, văn hóa xã hội và tạo ổn định chính trị…

Nguồn: vneconomy.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *