Theo Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội, tỷ lệ mua sắm linh phụ kiện từ các doanh nghiệp Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản chỉ chiếm 15%. Con số này thấp hơn các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia…

a
Trong tổng số lượng nội địa hóa, tỷ lệ mua sắm linh phụ kiện từ các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 15%.

Phát biểu tại lễ khai mạc Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 10 tại Hà Nội, ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện văn phòng Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội, cho rằng trong 10 năm trở lại đây (từ 2013 -2022), kim ngạch thương mại của Nhật Bản với Việt Nam tăng gần gấp đôi.

Đây là sự tăng trưởng mạnh mẽ nếu nhìn vào con số tăng trưởng 25% kim ngạch thương mại của Nhật Bản với thế giới trong giai đoạn này.

hdd 7771 scaled
Ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Jetro tại Hà Nội.

Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam năm 2022 tăng 12% so với năm trước, đạt 4,6 tỷ USD. Nhật Bản trở thành đối tác đầu tư vô cùng quan trọng của Việt Nam, là quốc gia đầu tư lớn thứ 3 nếu tính theo lũy kế về giá trị, đứng thứ 2 nếu tính theo số lượng dự án.

Tuy nhiên, Trưởng đại diện Jetro tại Hà Nội cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn khi đầu tư vào Việt Nam. Một trong những khó khăn lớn gặp phải là tỷ lệ nội địa hóa cung cấp nguyên liệu, linh phụ kiện tại Việt Nam còn thấp.

Theo khảo sát của Jetro, tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã tăng từ 28% 10 năm trước lên đến 37% năm 2022. “Mặc dù tỷ lệ nội địa hóa tăng trưởng nhưng vẫn chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của hai nước”, ông Nakajima Takeo nhận định.

Tiếp đến, trong tổng số lượng nội địa hóa, tỷ lệ mua sắm linh phụ kiện từ các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 15%. Con số này thấp hơn các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia. Vì vậy, ông Nakajima Takeo cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, Jetro đã phối hợp với các cơ quan hữu quan Việt Nam tổ chức “Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản” luân phiên tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Lần này là lần thứ 10 triển lãm được tổ chức tại Hà Nội, với sự tham gia trưng bày của 22 doanh nghiệp Nhật Bản muốn tìm kiếm các nhà cung cấp Việt Nam và 28 doanh nghiệp Việt Nam muốn có cơ hội cung cấp cho các đối tác Nhật Bản.

dc22ba0f c045 4a93 a3f0 19fb98b60719
200 đơn vị tham gia triển lãm.

Các doanh nghiệp mua hàng của Nhật Bản tham gia trưng bày lần này là những doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ trong các lĩnh vực sản xuất linh phụ kiện xe máy, ô tô, máy móc công nghiệp, khuôn mẫu tại Việt Nam.

Khảo sát của Jetro thực hiện trước triển lãm lần này với các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia trưng bày, kết quả cho thấy gần 70% doanh nghiệp trả lời là tỷ lệ nội địa hóa dưới 30%. Khó khăn doanh nghiệp gặp phải là chất lượng nhà cung cấp còn yếu, chính vì thế họ kỳ vọng sẽ có cơ hội gặp gỡ các nhà cung cấp ưu tú tại triển lãm lần này.

28,5% doanh nghiệp còn lại trả lời mặc dù tỷ lệ nội địa hóa trên 50% nhưng vấn đề gặp phải là giá thành, chính vì thế lần này họ tìm kiếm những nhà cung cấp cạnh tranh về giá.

Phó Đại sứ, Đại sứ quán Nhật Bản ông Watanabe Shige cho rằng hiện nay rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang tập trung quan tâm tới Việt Nam, mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng của mình.

Do đó, Việt Nam cần củng cố vững chắc ngành công nghiệp hỗ trợ. Nếu như tại Việt Nam việc cung cấp nguyên liệu, linh phụ kiện được ổn định thì sẽ tăng cường linh hoạt nguồn cung ứng, giảm chi phí, nâng cao năng lực ngành công nghiệp hỗ trợ. Điều đó sẽ góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất chế tạo trong nước ngày càng phát triển.

Ông Nakajima Takeo cho biết năm nay, Jetro phối hợp cùng với Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và các cơ quan liên quan của Việt Nam để lựa chọn các doanh nghiệp và nhận được sự tham gia của 28 doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có 10 doanh nghiệp lần đầu tiên tham gia. Đã có khoảng 50 doanh nghiệp đăng ký, dự kiến kết nối khoảng 400 cuộc.

“Triển lãm kỳ vọng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp, cống hiến cho sự tăng trưởng thương mại và đầu tư giữa hai nước, hướng đến kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật – Việt”, Trưởng đại diện Jetro tại Hà Nội nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định, Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư hết sức quan trọng, góp phần khai phá tiềm năng hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Đồng thời mang đến những cơ hội thiết thực để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tiếp cận, học hỏi những xu thế mới của thị trường, thành tựu đổi mới về kỹ thuật, công nghệ, gặp gỡ trực tiếp các đối tác tiềm năng đến từ Nhật Bản và quốc tế, đóng góp quan trọng cho bước chuyển mình mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần nâng tổng kim ngạch thương mại hai chiều hai nước tăng trưởng trong những năm qua và những dự án đầu tư của Nhật Bản vẫn tiếp tục tìm đến thị trường Việt Nam.

“Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản” (Supporting Industries Exhibition – SIE)” lần thứ 10 tại Hà Nội và “Triển lãm quốc tế về Công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam (Vietnam Manufacturing Expo – VME 2023)” lần thứ 14 diễn ra từ ngày 09-11/8/2023 tại Trung tâm Triển lãm I.C.E Hà Nội.

Với sự góp mặt của hơn 200 đơn vị triển lãm là các nhà sản xuất, phân phối kinh doanh, các hãng chế tạo công nghệ và máy móc tiên tiến đến từ 20 quốc gia. Trong khuôn khổ triển lãm, nhiều hoạt động sẽ được tổ chức xuyên suốt 3 ngày để hỗ trợ các doanh nghiệp, khách tham quan trong công tác kết nối cùng các đại lý, nhà phân phối và đối tác kinh doanh.

Nguồn: vnecnonomy.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *