Chỉ tính nửa đầu tháng 4/2024, sản lượng hoa quả tươi xuất khẩu qua các cửa khẩu Lạng Sơn( biên giới Việt– Trung) đã đạt hơn 200 nghìn tấn, lưu lượng phương tiện thông quan qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị quý 1/2024 đạt 52.139 lượt xe, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2023…

Việt
Ảnh minh họa

Theo thông tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai, tính từ đầu năm đến 15/4, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu làm thủ tục tại Chi cục đạt 382,4 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 223,23 triệu USD, tăng tới 88% (tương đương tăng gần 100 triệu USD), kim ngạch nhập khẩu đạt 159,2 triệu USD, tăng 44% (tương đương tăng gần 50 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2023.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn từ đầu năm đến nay có nhiều khởi sắc, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu.

Theo bà Bình, kim ngạch xuất khẩu tăng cao do mặt hàng nông sản có trị giá cao là sầu riêng, thanh long và các mặt hàng nông sản thế mạnh khác duy trì được sự ổn định.

Ở chiều ngược lại, hàng hóa các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc qua cửa khầu Lào Cai chủ yếu là nông sản, plastic, các sản phẩm bằng plastic, sắt thép và các sản phẩm từ sắt thép, máy và các thiết bị cơ khí, phân bón, hóa chất, than cốc, điện năng…

Tại Lạng Sơn, hoạt động giao thương biên mậu cũng diễn ra sôi động. Theo thống kê từ Cục Hải quan Lạng Sơn, quý 1/2024 kim ngạch mở tờ khai tại Cục đạt trên 1 tỷ USD, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu tất cả các loại hình ước đạt trên 13,1 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, mặt hàng hoa quả tươi xuất khẩu đạt gần 1 triệu tấn, tăng hơn 61% so với cùng kỳ năm 2023, các sản phẩm chủ yếu là thanh long, sầu riêng, dưa hấu, xoài, mít… được xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.

Chỉ tính nửa đầu tháng 4/2024, sản lượng hoa quả tươi xuất khẩu qua các cửa khẩu Lạng Sơn đã đạt hơn 200 nghìn tấn, lưu lượng phương tiện thông quan qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị quý 1/2024 đạt 52.139 lượt xe, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu các loại hình đạt khoảng 12,7 tỷ USD.

Ở góc nhìn rộng hơn, theo tổng kết mới nhất từ Bộ Công Thương, kết thúc quý 1/2024, hoạt động xuất, nhập khẩu sang thị trường Trung Quốc tiếp tục phục hồi tích cực.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc ước đạt 12,68 tỷ USD, tăng 5,2%, đứng thứ hai sau Mỹ. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc ước đạt 29,4 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc đạt xấp xỉ 171,2 tỷ USD, chiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước. Trung Quốc luôn giữ vị trí thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam với 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch, chiếm 61,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước.

Ngoài ra, còn có các nhóm ngành hàng đạt kim ngạch xuất khẩu cao như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; thực phẩm chế biến…

Với lợi thế về quy mô thị trường, xu hướng tiêu dùng, vị trí địa lý, Trung Quốc luôn là thị trường trọng điểm của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.  Trong quá trình thực hiện cam kết về Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc, Trung Quốc đã giảm thuế cho hơn 8.000 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

Đồng thời, trong bối cảnh phí vận tải tàu biển tăng cao, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang tìm kiếm nguồn cung nhập khẩu đường bộ  tại các khu vực xung quanh trong đó có Việt Nam, với các sản phẩm được quan tâm nhiều là thực phẩm, bánh kẹo các loại, đồ uống, nước ép đóng chai, thủy sản, nông sản nhiệt đới, trái cây chất lượng của Việt Nam.

Bám sát biến động của thị trường, Bộ Công Thương đã và đang tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp Việt Nam giao dịch, làm việc tại các địa phương và hội chợ ở Trung Quốc để kết nối giao thương trực tiếp cũng như đón nhiều đoàn địa phương và doanh nghiệp Trung Quốc sang làm việc tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng phối hợp với các địa phương biên giới như Lào Cai tổ chức hội chợ thương mại quốc tế để tăng cường giao lưu thương mại giữa hai bên, đẩy mạnh tăng trưởng kim ngạch xuất, nhập khẩu với thị trường Trung Quốc…

Nguồn: vneconomy.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *