Dự thảo Luật PPP (sửa đổi) được đề xuất có thêm phương án sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ các dự án BOT giao thông đang trong giai đoạn khai thác gặp khó khăn về tài chính, để nhà đầu tư có thể tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Bổ sung quy định chuyển tiếp
Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) vừa có Công văn số 12443/BGTVT – CĐCTVN gửi lãnh đạo Chính phủ về việc bổ sung quy định trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án BOT.
Tại Công văn số 12443, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu bổ sung tại Điều khoản chuyển tiếp của Dự thảo Luật PPP (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ tám.
Cụ thể, đối với dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT ký kết hợp đồng trước năm 2021, sử dụng vốn nhà nước thanh toán để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, hoặc sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ dự án trong giai đoạn khai thác để tiếp tục thực hiện hợp đồng, Chính phủ quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí dự án BOT được áp dụng.
Theo ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT, Dự thảo Luật PPP (sửa đổi) đã bổ sung các quy định, đủ cơ sở để thực hiện chấm dứt hợp đồng đối với dự án BOT giao thông. Tuy nhiên, đối với giải pháp sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ trong giai đoạn khai thác để tiếp tục thực hiện hợp đồng chưa có quy định rõ ràng.
Vì vậy, trong phiên thảo luận tại tổ và tại hội trường, một số đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ trong giai đoạn khai thác để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với một số dự án BOT ký hợp đồng trước thời điểm Luật PPP ban hành.
Trên cơ sở ý kiến các đại biểu Quốc hội, hiện Ủy ban Kinh tế đang phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT nghiên cứu phương án tiếp thu, trong đó đề xuất phương án bổ sung vào điều khoản chuyển tiếp trong Dự thảo Luật PPP (sửa đổi), đồng thời giao Chính phủ quy định điều kiện, tiêu chí dự án BOT giao thông được áp dụng.
Theo đó, bổ sung tại Điều khoản chuyển tiếp của Dự thảo Luật PPP (sửa đổi) quy định: “Đối với dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT ký kết hợp đồng trước năm 2021 (thời điểm Luật PPP có hiệu lực) được sử dụng vốn nhà nước thanh toán để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn hoặc sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ dự án trong giai đoạn khai thác để tiếp tục thực hiện hợp đồng, Chính phủ quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí dự án BOT được áp dụng”.
“Nếu Quốc hội thông qua sẽ đủ cơ sở pháp lý để xử lý khó khăn, vướng mắc các dự án BOT giao thông và không phải tiếp tục thực hiện Đề án giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT”, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá.
Bảo đảm hài hòa lợi ích
Theo quan điểm của Bộ GTVT, tại thời điểm Quốc hội đang xem xét Dự thảo Luật PPP (sửa đổi), phương án bổ sung quy định tại Điều khoản chuyển tiếp trong Dự thảo để xử lý khó khăn, vướng mắc dự án BOT là phù hợp do chỉ xử lý đối với nhóm dự án cụ thể (dự án BOT giao thông ký kết hợp đồng trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực).
“Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ xây dựng điều kiện, tiêu chí dự án BOT được áp dụng, trách nhiệm chia sẻ của các bên (nhà đầu tư, ngân hàng cung cấp tín dụng) nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, gây thất thoát, lãng phí”, Công văn số 12443 nêu rõ.
Trước đó, vào cuối tháng 5/2024, Bộ GTVT có Tờ trình số 5671/TTg-BGTVT trình Thường trực Chính phủ về Đề án xử lý khó khăn, vướng mắc dự án BOT giao thông.
Tại Đề án, Bộ GTVT đề xuất 2 giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc dự án BOT giao thông.
Một là, bổ sung vốn nhà nước hỗ trợ (giai đoạn khai thác) để các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Hai là, chấm dứt hợp đồng và bố trí vốn nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư; nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng có trách nhiệm chia sẻ giảm lợi nhuận, lãi vay, bảo đảm hài hòa lợi ích.
Cũng tại Tờ trình số 5671, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ thống nhất giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc đối với 8 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua phương án sử dụng khoảng 10.650 tỷ đồng từ nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2023 để triển khai thực hiện.
Trong số này, Nhà nước sẽ dùng ngân sách để hỗ trợ chấm dứt hợp đồng 5 dự án; dùng ngân sách hỗ trợ để tiếp tục thực hiện hợp đồng đối với 3 dự án khác.
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn một số dự án tiềm ẩn nguy cơ sụt giảm doanh thu (chủ yếu do đầu tư đường cao tốc song hành, đường ngang) nhưng chưa thể định lượng được như: Dự án BOT Quốc lộ 26 nguy cơ sụt giảm doanh thu do đầu tư cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột; Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14, đoạn Cầu 38 – thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) và Dự án mở rộng Quốc lộ 14, đoạn Km817 – Km887 (Đăk Nông) nguy cơ sụt giảm doanh thu do đầu tư cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành; Dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn và Quốc lộ 1 sụt giảm doanh thu do bỏ 1 trạm thu phí…
“Số dự án dạng này không nhiều, nhưng nếu không có giải pháp xử lý dứt điểm sẽ ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp dự án, nhất là các tổ chức tín dụng và mức độ tín nhiệm, môi trường thu hút đầu tư”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.