Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết để giải quyết những khó khăn cho các doanh nghiệp thì không chỉ là các biện pháp giảm thuế mà còn nhiều giải pháp khác như tháo gỡ nút thắt về mặt pháp lý, mở rộng thị trường tiêu thụ, tín dụng ngân hàng, thủ tục hành chính,…
Trao đổi tại Talkshow Phố Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết trong năm 2023, bộ đã ghi nhận những khoản thu tiềm năng mà trước đó chưa thu được, trong đó 73 doanh nghiệp nước ngoài như Youtube, Google, Facebook,… đã nộp thuế cho Nhà nước trong năm vừa qua. Ngoài ra, việc phát hành và quản lý chặt hơn hoá đơn điện tử đã đem về doanh thu chính xác hơn và tăng cao dù vẫn thực hiện chính sách miễn giảm thuế.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết các giải pháp quản lý chặt các vấn đề hoàn thuế, chống chuyển chuyển giá cũng như kết nối với dữ liệu liên thông với các máy tính tiền,… đã đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Nợ công ở thời điểm đầu năm 2024 đã giảm xuống 37%, đặc biệt nợ nước ngoài còn 34%, trong khi ở thời điểm năm 2021 vẫn đạt mức 43,1% (dư địa được Quốc hội giao cho Chính phủ điều hành là 60%). Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng còn một khoảng dư địa rất lớn để huy động nợ công phục vụ cho các công trình hạ tầng thiết yếu và các công trình hạ tầng kiến tạo cho sự phát triển tương lai.
Theo dự báo của giới phân tích, các khó khăn và thách thức của năm 2023 dự kiến sẽ còn kéo dài sang năm 2024. Bộ trưởng cho biết ngoài vấn đề tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội giảm thuế VAT (giá trị gia tăng) trong 6 tháng đầu năm 2024 từ 10% xuống 8%, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị giảm thuế môi trường trong xăng dầu và giảm các loại phí và lệ phí, cũng như giảm 3% tiền thuê đất để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn.
“Tuy nhiên, để giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp thì không chỉ là các biện pháp giảm thuế mà còn cần nhiều biện pháp khác như tháo gỡ những nút thắt về mặt pháp lý, tín dụng ngân hàng, các thủ tục hành chính, mở rộng thị trường tiêu thụ”, Bộ trường Hồ Đức Phớc cho biết.
Trong ngắn hạn, Bộ trưởng cho rằng có thể giảm thuế để đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng về dài hạn, phải có giải pháp để thuế suất ổn định và nâng cao sức mạnh của tài chính công.
Đối với thị trường vốn, trong năm vừa qua, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 08 và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn, vừa thiết lập trật tự, kỷ cương để minh bạch hóa thị trường tài chính.
Bộ trưởng cho biết, hiện dư nợ của trái phiếu doanh nghiệp chỉ còn 1 triệu tỷ đồng, tương đương chưa đầy 10% GDP và chủ yếu từ kênh phát hành là các ngân hàng thương mại.
Bộ Tài chính cho rằng trái phiếu doanh nghiệp là một kênh huy động vốn tốt, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Bộ đã xây dựng sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để đảm bảo sự minh bạch trên thị trường, cũng như tăng cường công tác kiểm tra.
Bộ trưởng cho hay theo chiến lược, kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ chiếm khoảng 25% GDP. Như vậy, dư địa để huy động trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ còn khoảng 15-16% GDP.
Nguồn: vietnamfinance.vn