Lựa chọn kênh đầu tư hiệu quả trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới tiềm ẩn nhiều biến số là bài toán khó với nhà đầu tư, theo chuyên gia.
Dưới đây là một số đánh giá của các chuyên gia về tiềm năng của các kênh đầu tư phổ biến năm 2024.
Gửi tiết kiệm
Năm 2023, sau bốn lần điều chỉnh lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng bước vào “cuộc đua” giảm lãi suất huy động. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng từ mức đỉnh 10-12,5% thời điểm đầu năm được điều chỉnh xuống chỉ còn 5% trước khi năm 2023 khép lại.
Nhiều nhà băng trong nhóm big 4 – ngân hàng quốc doanh cũng đưa ra mức lãi suất thấp kỷ lục. Cuối tháng 12, Vietcombank và Agribank đã đồng loạt giảm lãi suất ở các kỳ hạn dưới 12 tháng. Lãi suất tiền gửi một tháng tháng của Vietcombank chỉ còn 1,9% một năm, thấp nhất từ trước tới nay. Trước đó, hai nhà băng quốc doanh còn lại là VietinBank và BIDV cũng hạ lãi suất từ 0,3 đến 0,4 điểm phần trăm với tất cả kỳ hạn, đưa lãi suất huy động cao nhất cho khoản tiền gửi một năm trở xuống về 5%.
Đến nay, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng toàn hệ thống ngân hàng về mức 5%. Nếu mục tiêu lạm phát năm 2024 đạt 4-4,5% như Quốc hội đặt ra thì lãi suất thực của tiền gửi chỉ còn 0,5-1% một năm.
Nhận định về xu hướng giảm lãi suất, ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Khối Đầu tư Công ty quản lý quỹ Dragon Capital cho rằng, lãi suất cho vay và huy động đang ở mức thấp hơn vùng Covid -19. Tuy nhiên, theo chuyên gia của Dragon Capital, lãi suất huy động tại Việt Nam có thể sẽ tiếp tục giảm một nhịp nữa trong vòng 4-5 tháng tới, kỷ lục lãi suất hiện tại có thể bị phá vỡ. Lãi suất tiết kiệm Cập nhật đến ngày: 25/12/2023
Vàng
Trả lời trên VnExpress, ông Ngô Thành Huấn, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân, Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT cho biết, hai năm gần đây vàng tăng hấp dẫn nhưng trong khoảng thời gian 10 năm trở lại vàng SJC chỉ tăng bình quân 4%, mức này còn thấp hơn so với lãi suất gửi tiết kiệm.
Trước đó, những tháng cuối năm 2023 giá vàng miếng SJC liên tục nhảy múa, đã có lúc giá kim loại quý vượt mức 80 triệu đồng một lượng, rồi nhanh chóng lao dốc trước khi dao động quanh mức 72-75 triệu đồng một lượng.
“Vàng có thể sẽ được neo giữ ở vùng giá tốt trong năm 2024 nhưng sang năm 2025, khi kinh tế tăng trưởng vàng có thể sẽ giảm hoặc đi ngang”, ông Huấn nói.
Bất động sản
Bức tranh bất động sản năm 2023 khép lại với diễn biến ảm đạm ở tất cả phân khúc, dù Chính phủ và các bộ ngành đã có nhiều động thái nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Nhiều phân khúc đầu tư, đầu cơ có xu hướng giảm giá mạnh 40-50% nhưng chững giá hoặc neo giá cao ở các phân khúc phục vụ nhu cầu ở thật như chung cư, nhà riêng lẻ, theo ghi nhận của VnExpress.
Đánh giá về triển vọng bất động sản trong năm 2024, theo báo cáo phân tích thị trường của công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), bất động sản năm nay sẽ tích cực hơn nhờ các yếu tố mặt bằng lãi suất và Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bất động sản vẫn phải đối mặt với các vấn đề như dự án bị trì trệ và khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Theo ông Ngô Thành Huấn, bất động sản chỉ có thể phục hồi sau thị trường chứng khoán từ 3-6 tháng nhưng ở các phân khúc như chung cư, thổ cư hoặc khu vực trung tâm. Các phân khúc đầu cơ sẽ phục hồi chậm hơn, trong thời gian khoảng một năm.
“Nếu nhà đầu tư xuống tiền mua bất động sản giai đoạn đầu năm 2024 sẽ gặp rủi ro ‘kẹt vốn’ 1 năm, trong khi thị trường chứng khoán giai đoạn này có thể tăng 30-50%”, ông Huấn nhận định.
Trái phiếu
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu (VBMA), tính đến 22/12/2023, tổng giá trị trái phiếu phát hành được ghi nhận đạt gần 274.000 tỷ đồng, trong đó 90,1% là trái phiếu phát hành riêng lẻ.
Năm qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 có phân hóa khá rõ ràng. Nửa đầu năm, kênh huy động vốn này gần như đóng băng nhưng kể từ quý II tình hình đã có dấu hiệu cải thiện. Cụ thể, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành 6 tháng cuối năm cao gấp gần 6 lần lượng phát hành nửa đầu năm.
Kể từ tháng 1/2024, nhà đầu tư cá nhân muốn mua trái phiếu doanh nghiệp cũng phải tuân thủ các điều kiện tại Nghị định số 65/2022 như quy định về giá trị nắm giữ tối thiểu. Do đó, một bộ phận nhà đầu tư chọn mua qua quỹ mở trái phiếu để hạn chế rủi ro từ việc đầu tư trái phiếu trực tiếp.
Ghi nhận trên Fmarket, nền tảng tập trung quỹ mở được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, nhiều quỹ mở trái phiếu ghi nhận lợi nhuận cao hơn so với lãi suất ngân hàng kỳ hạn 12 tháng như SSIBF: 9,94%, VCBF-FIF: 9,91%, VNDBF: 9,52%, DCBF: 9,03%, DFIX: 8,16%…
Cổ phiếu
Trải qua một năm nhiều biến động, thị trường chứng khoán khép lại năm 2023 với chỉ số VN-Index đóng cửa sát 1.130 điểm, tăng 12,2% so với đầu năm. Trong đó, một số mã cổ phiếu có hiệu suất vượt trội với mức tăng 35-78% đến từ các nhóm ngành như thép, hóa chất, công nghệ… Ngược lại, một số mã lại sụt giảm mạnh khoảng 80-90% khiến nhiều nhà đầu tư nắm giữ hụt hẫng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm xuống thấp và định giá thị trường hợp lý, nhiều chuyên gia đặt kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường chứng khoán trong năm 2024. Báo cáo của MBS nhận định, VN-Index sẽ tăng lên mức 1.250 – 1.280 điểm trên cơ sở lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết năm 2024 tăng 16.8% và định giá P/E 12 – 12.5 lần.
“Định giá thị trường hợp lý là cơ hội để tích lũy cổ phiếu với tầm nhìn dài hạn”, báo cáo đánh giá.
Đồng quan điểm, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, chỉ số VN-Index có thể đạt đỉnh tại vùng 1.300 điểm trong năm 2024. Tuy nhiên, VN-Index có thể có những nhịp điều chỉnh giảm mạnh xen kẽ giữa những phiên tăng điểm. Công ty chứng khoán này đánh giá, mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ cho mức định giá của thị trường trong năm 2024.
Chứng chỉ quỹ mở
Dù nhiều chuyên gia kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ phục hồi trong năm 2024. Tuy nhiên, trọng tâm thị trường sẽ đến từ việc phục hồi và tăng trưởng của từng nhóm ngành, từng doanh nghiệp. Điều này dẫn đến sự phân hóa lớn trong tỷ suất lợi nhuận của từng cổ phiếu khác nhau.
Chia sẻ tại tòa đàm “Đầu tư năm rồng: Triển vọng thị trường và chiến lược 2024”, ông Phạm Lê Duy Nhân, Trưởng phòng Quản lý Danh mục đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank nhận định, để chọn ra các cổ phiếu tốt trước diễn biến thị trường có sự phân hóa lớn đòi hỏi nhà đầu tư phải am hiểu kiến thức, có phương pháp, kinh nghiệm để đánh giá đúng và đưa ra lựa chọn hiệu quả. Do đó, với những nhà đầu tư không chuyên thì lựa chọn đầu tư vào quỹ mở là cách tham gia chứng khoán hiệu quả đáp ứng được kỳ vọng lợi nhuận trong dài hạn.
“Nếu đầu tư vào quỹ VCBF-BCF từ ngày thành lập từ năm 2014 đến nay, nhà đầu tư có thể thu về lợi nhuận bình quân hàng năm xấp xỉ 12% mỗi năm. Mức này tốt hơn nhiều so với mức tăng chỉ quanh 7% một năm của thị trường chứng khoán nói chung và cũng tốt hơn rất nhiều so với lãi suất tiết kiệm trong cùng thời gian 9 năm”, ông Nhân phân tích.
Tính riêng trong năm 2023, nhiều quỹ mở cổ phiếu duy trì mức lợi nhuận cao hơn so với VN-Index, gồm quỹ VCBF-MGF: 31,77%, VINACAPITAL-VESAF: 30,58%, SSISCA: 28,85%, DCDS: 28,14%, UVEEF: 17,74%…