Dòng tiền từ doanh nghiệp niêm yết dự kiến chảy hàng chục ngàn tỷ đồng về tài khoản cổ đông trong các tháng cuối năm thông qua hình thức chi trả cổ tức bằng tiền mặt, thậm chí mua cổ phiếu quỹ.

a t6 kho cang PV Gas Thi Vai
Kho cảng LNG Thị Vải của PV GAS. Ảnh: Đức Thanh

Rầm rộ báo tin cổ tức

Đầu tuần này, Tổng công ty Khí Việt Nam – Công ty cổ phần (PV GAS) chính thức chốt ngày nhận tiền cổ tức năm 2023 cho các cổ đông. Tỷ lệ cổ tức 60% bằng tiền mặt đã được chốt trước đó tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên giữa năm. Đây là mức cao kỷ lục chưa từng ghi nhận trong lịch sử hoạt động của PV GAS cả về con số tương đối và tuyệt đối.

Với gần 2,3 tỷ cổ phiếu lưu hành, PV GAS sẽ chi hơn 13.780 tỷ đồng về tài khoản cổ đông vào ngày 28/11/2024. Cùng ngày chốt quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt (ngày 16/9), cổ đông PV GAS còn có thêm quyền nhận cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, tỷ lệ 50:1.

PV GAS không phải là doanh nghiệp sản xuất duy nhất báo tin cổ tức những ngày gần đây. Chỉ riêng nhóm cổ phiếu dầu khí do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sở hữu cổ phần chi phối đã có vài “ông lớn” chi trả “mưa” cổ tức thời gian này.

Gần đây nhất, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ) hoàn tất chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2023 vào hôm 22/8. Theo kế hoạch, vào ngày 24/9, với mỗi cổ phiếu nắm giữ, cổ đông nhận về tài khoản 2.000 đồng. Số tiền chi cổ tức tổng cộng 783 tỷ đồng.

Trong khi đó, đối với cổ đông của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, toàn bộ cổ tức năm 2023 sẽ được chi trả cho cổ đông trong danh sách vào ngày 15/10. Dù tỷ lệ không quá cao, nhưng với hơn 3,1 tỷ cổ phiếu lưu hành, BSR dự chi 2.170 tỷ đồng cho đợt cổ tức này.

Tính chung, ba doanh nghiệp “họ” dầu khí sẽ chi trả hơn 16.700 tỷ đồng. Trong đó, gần 15.667 tỷ đồng về túi tiền của cổ đông mẹ PVN, hơn ngàn tỷ đồng còn lại về tài khoản của các cổ đông nhỏ lẻ.

Nhiều “con gà đẻ trứng vàng” cũng chính thức công bố lịch chi trả cổ tức. Công ty cổ phần Dược Hậu Giang trả cổ tức đợt 2 năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 35%, qua đó hoàn thành kế hoạch cổ tức cả năm với tổng tỷ lệ 75% – cao hơn nhiều bình quân 3 năm gần đây (35-40%), vượt trội so với các năm trước đó. Cổ đông ngoại Taisho Pharmaceutical và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) lần lượt nhận về 233 tỷ đồng và 198 tỷ đồng chỉ riêng đợt trả lần này.

Tập đoàn Thiên Long cũng trả thêm cổ tức đợt 2 với tỷ lệ 10%, qua đó trả xong phần cổ tức bằng tiền và chỉ còn lại một phần cổ tức bằng cổ phiếu (10%) cho cả năm 2023. Một số doanh nghiệp khác trả mức khá cao như Công ty Thực phẩm Quốc tế – IFS (24%), Công ty cổ phần Cảng Cát Lái (26%)… sẽ chốt quyền trong thời gian này. Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông thậm chí đã trả xong cổ tức năm 2023 (tỷ lệ 50%) từ tháng 4/2024 và vừa chốt quyền tạm ứng cổ tức lần đầu hôm 19/8 với tỷ lệ 25%.

Dòng tiền có tái đầu tư?

Theo quy định, cổ tức phải được thanh toán đầy đủ tới các cổ đông trong vòng 6 tháng kể từ ngày kết thúc họp đại hội đồng cổ đông thường niên. Do đó, đây cũng là thời gian cao điểm mà các doanh nghiệp chuẩn bị cho hoạt động này.

Không riêng hàng chục ngàn tỷ đồng cổ tức chi trả, Công ty cổ phần Vinhomes đầu tháng 8 vừa qua cũng bất ngờ công bố kế hoạch mua cổ phiếu quỹ với số tiền dự kiến hơn 13.760 tỷ đồng. Phương án này đang được lấy ý kiến cổ đông đến ngày 15/9 và có thể được thực hiện nhanh chóng sau đó khi hoàn tất thủ tục với cơ quan quản lý.

Hàng tỷ USD từ doanh nghiệp chảy về tài khoản của các cổ đông. Một phần không nhỏ trong số này sẽ về các cổ đông lớn Nhà nước như PVN, SCIC…, phân bổ theo các kế hoạch đầu tư – kinh doanh.

Trong chia sẻ mới đây về định hướng hoạt động đầu tư của SCIC, ông Lê Thanh Tuấn, Phó tổng giám đốc SCIC cho biết, sẽ thúc đẩy hơn việc đầu tư trên thị trường chứng khoán, trước hết tập trung đầu tư vào những doanh nghiệp đang trong hệ sinh thái của chính SCIC. Ngoài ra, SCIC đã yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Đầu tư SCIC (SIC) xây dựng kế hoạch tăng vốn, để SCIC sẽ tham gia tích cực hơn nữa vào thị trường chứng khoán thông qua đơn vị này.

Cùng với đó, một phần tiền cổ tức, tiền mua cổ phiếu quỹ về tài khoản của các nhà đầu tư cũng có thể được tái đầu tư trở lại vào thị trường khi có cơ hội, nhất là trong bối cảnh định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam về mức hấp dẫn hơn sau nhịp điều chỉnh mạnh.

Theo chuyên gia phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, hệ số P/E của VN-Index trung tuần tháng 8 đã có thời điểm chạm mức -1 độ lệch chuẩn, từ đó kích thích dòng tiền “bắt đáy” nhập cuộc. Dòng tiền này được hỗ trợ bởi triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung hạn từ 6-12 tháng tới. Trong đó, kết quả kinh doanh tích cực trong quý II/2204 cũng củng cố cho dự báo về lợi nhuận toàn thị trường có thể tăng trưởng 18% trong năm nay.

Cũng theo VNDirect, kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất điều hành 2-3 lần từ nay đến cuối năm 2024 đang dần trở nên hiện hữu và sẽ giảm bớt áp lực tỷ giá. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước có thể linh hoạt hơn để bơm thanh khoản vào hệ thống, đặc biệt là trong quý IV, qua đó giúp duy trì mặt bằng lãi suất trong nước ở mức hấp dẫn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

“Chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm Chỉ số VN-Index có thể đóng cửa năm 2024 ở vùng 1.300-1.350 điểm ở kịch bản cơ sở và có thể trên 1.400 điểm trong kịch bản tích cực khi Fed hạ lãi suất điều hành như thị trường kỳ vọng và Ngân hàng Nhà nước có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ”, VNDirect đánh giá.

Vùng hỗ trợ 1.200 điểm được các chuyên gia cho là cơ hội tốt để nhà đầu tư dài hạn xem xét gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và xây dựng danh mục đầu tư cho tầm nhìn 6-12 tháng tới.

Nguồn: baodautu.v

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *