Vừa qua, công trình mở rộng hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng đã được khánh thành, mục tiêu trở thành điểm đến xanh của TP.HCM

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), giai đoạn 2 Dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM (gọi tắt là Dự án) có quy mô và khối lượng thi công, các hạng mục công trình rất lớn, địa bàn thi công trải dài qua địa bàn 8 quận, huyện với tổng diện tích lưu vực hơn 2.500ha, dân số khoảng 1,8 triệu người.

nm binhhung 1240
Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng kỳ vọng là điểm đến xanh của người dân TP.HCM

Dự án khi hoàn thành có công suất xử lý nước thải đạt 469.000m3/ngày đêm, tăng lên gấp 3 lần so với giai đoạn 1 và Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng trở thành nhà máy có công suất lớn nhất Việt Nam đi vào hoạt động.

Theo thiết kế, các loại máy xử lý nước tiên tiến của Nhật Bản như máy thổi khí, máy khử nước ly tâm và máy cạo bùn đã được đưa vào sử dụng trong nhà máy. Ngoài ra, mạng lưới thu gom bao gồm 51 km cống thu gom truyền tải đã được xây dựng, trong đó có 26 km thi công bằng công nghệ khoan kích ngầm của Nhật Bản. Dự án còn xây dựng 3 trạm bơm thoát nước mưa và nạo vét xây kè kênh trong phạm vi dự án với tổng chiều dài 6.4 km.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc TCIP cho biết, Dự án Cải thiện môi trường nước TP, lưu vực kênh Tàu Hủ – Bến Nghé – Đôi – Tẻ (giai đoạn 2) có tổng mức đầu tư là 11.300 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 9.850 tỷ đồng, chiếm 87% tổng mức đầu tư; nguồn vốn đối ứng từ Ngân sách Thành phố là 1.450 tỷ đồng, chiếm 13% tổng mức đầu tư.

Dự án có các mục tiêu: Hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa, giải quyết tình trạng ngập tại các điểm ngập trong lưu vực; nạo vét, cải tạo các tuyến kênh Tàu Hũ, Bến Nghé, Kênh Ngang số 1,2,3 và một phần kênh Hàng Bàng; thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt trong lưu vực; nâng công suất trạm bơm Đồng Điền và Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng từ 141.000 m3/ngày của giai đoạn 1 lên thành 469.000 m3/ngày; chỉnh trang đô thị, khôi phục mặt nước một phần tuyến kênh Hàng Bàng; tái định cư cho các hộ dân sống ven và trên các tuyến kênh trong dự án; bảo vệ môi trường và góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân.

Những gói thầu xây lắp của Dự án đã lần lượt được khởi công trong các năm 2015, 2016 và hoàn thành trong các năm từ 2019 đến 2023 (riêng hạng mục nạo vét kênh Ngang số 1 và kênh Tàu Hủ thuộc Gói thầu F2 sẽ tiếp tục triển khai trong năm 2024).

Dự án mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện hệ thống thoát và xử lý nước thải của TP.HCM, qua đó giúp nâng cao năng lực xử lý nước thải và giảm thiệt hại do ngập lụt, góp phần cải thiện môi trường nước nói riêng và môi trường đô thị của thành phố nói chung. JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ TP.HCM thực hiện các dự án trong lĩnh vực môi trường nước đô thị.

Được biết, Dự án Cải thiện môi trường nước (giai đoạn 1) bắt đầu năm 2001, JICA hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại lưu vực kênh Tàu Hũ – Bến Nghé. Giai đoạn 1 đã hoàn thành vào năm 2009 với công suất 141.000 m3/ngày đêm, và Đại lộ Đông Tây (sau đổi tên thành đại lộ Võ Văn Kiệt) bao gồm hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn, giúp cải thiện đáng kể cảnh quan giao thông và môi trường của thành phố.

Nguồn: vietnamfinance

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *