Thị trường chứng khoán được dự báo có thể tiếp tục tăng điểm trong tuần giao dịch mới với thanh khoản vẫn duy trì ở mức cao. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể quay trở lại dẫn dắt thị trường.
Chỉ số VN-Index trong tuần qua ghi nhận diễn biến rung giật mạnh trong biên độ 1.235 – 1.280 điểm song vẫn ghi nhận tuần tăng điểm hồi phục. Dòng tiền “nâng đỡ” thị trường vẫn chủ yếu đến từ nhóm nhà đầu tư cá nhân và tự doanh khi mua ròng lần lượt là 1.050 tỉ đồng và 440 tỉ đồng trong tuần qua.
Nhiều chuyên gia đánh giá, thị trường chứng khoán đang vận động ở vùng rủi ro nhiều hơn cơ hội sau một nhịp tăng hơn 20% so với vùng đáy được thiết lập vào đầu tháng 11.2023, còn tính từ đầu năm 2024 tới nay với mức tăng 12% thì VN-index thuộc top 3 chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất trên thế giới, chỉ sau chỉ số chứng khoán của Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản.
Trong tuần này sẽ diễn ra các cuộc họp của các Ngân hàng Trung ương, trong đó có cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cùng hàng loạt dữ liệu lạm phát được công bố. Chứng khoán Mỹ (S&P 500) điều chỉnh 2 tuần liên tiếp trong bối cảnh nhà đầu tư lo lắng về sự dai dẳng của lạm phát trước thềm cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới.
Diễn biến từ chứng khoán Mỹ sẽ là nhân tố tác động đến thị trường trong nước trong bối cảnh chỉ số Vn-Index cũng đã có 2 tuần dập dình ở vùng 1.270 – 1.277 điểm. Dòng tiền nội đang là nhân tố hỗ trợ cho thị trường, bù đắp áp lực bán ròng mạnh từ khối ngoại.
Vẫn có nhiều ý kiến cho rằng thị trường chứng khoán có thể sẽ tiếp tục tăng điểm trong tuần giao dịch tới và chỉ số VN-Index được kỳ vọng sẽ sớm vượt hoàn toàn mức kháng cự 1.268 điểm. Đồng thời, thanh khoản vẫn duy trì ở mức cao và dòng tiền có thể sẽ lan tỏa đều giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể quay trở lại dẫn dắt thị trường trong tuần giao dịch tới.
Về nhóm ngành cổ phiếu đóng vai trò dẫn dắt thị trường, sự chú ý của nhà đầu tư đang dành sự ưu ái cho nhóm cổ phiếu ngân hàng. Mặc dù ngành ngân hàng đã ghi nhận một nhịp tăng giá khá mạnh kể từ đầu năm nhưng vẫn được nhìn nhận là vùng giá hấp dẫn so với mức trung bình trong 5 năm trở lại đây của toàn ngành trong khi kết quả kinh doanh nhìn chung vẫn ghi nhận sự tăng trưởng tích cực.
TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DG Capital đưa ra quan điểm, tăng trưởng tín dụng mặc dù vẫn còn yếu trong 2 tháng đầu năm 2024 nhưng vẫn có cơ sở tin tưởng rằng, bắt đầu từ quý II/2024 tăng trưởng tín dụng khả quan hơn nhờ các biện pháp của Chính phủ như khuyến khích tiếp tục giảm lãi suất cho vay, gia hạn thêm Thông tư 02, công bố lãi suất cho vay trung bình công khai, cho vay phát triển dự án bất động sản có xu hướng tăng lên do nhu cầu tăng và việc phát hành trái phiếu vẫn còn khó khăn.
Trong trường hợp thị trường chứng khoán điều chỉnh và đẩy mặt bằng cổ phiếu về mức định giá phù hợp hơn, thì nhóm Ngân hàng sẽ là mục tiêu hàng đầu bởi hai lý do tính thị trường cao và có nhiều lựa chọn khi quyết định đầu tư. Bao gồm những yếu tố như thông tin minh bạch, thanh khoản cao và độ biến động bám sát chỉ số VN-Index, TS Nguyễn Duy Phương nhận định.
Nhận định về xu hướng của thị trường, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SHS cho rằng, trong ngắn hạn VN-Index vẫn còn động lực tăng hướng tới cản mạnh 1.300 điểm nhưng không đánh giá cao khả năng vượt 1.300 điểm để hình thành uptrend mạnh mẽ. Thay vào đó, thiên về khả năng tại khu vực 1.300 điểm sẽ có rung lắc và rất có thể thị trường sẽ điều chỉnh giảm khi đà tăng ngắn hạn suy yếu và giảm hưng phấn.
Nguồn: laodong.vn