Bộ Y tế xác định việc phát triển mạng lưới cơ sở y tế theo hướng kết hợp hài hòa giữa y tế cơ sở và y tế chuyên sâu; giữa y học cổ truyền với y học hiện đại…

cở sở
Các bệnh viện phát triển năng lực chuyên môn kỹ thuật chăm sóc chuyên sâu hiện đại. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 201/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế), Giám đốc Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở đã có những chia sẻ với phóng viên VietnamPlus để hiểu rõ hơn về những định hướng chiến lược phát triển mạng lưới cơ sở y tế trên toàn quốc trong thời gian tới.

6 quan điểm phát triển cơ bản

– Phó giáo sư có thể cho biết vị trí của Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế trong tổng thể hệ thống quy hoạch hiện nay?

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng: Hệ thống quy hoạch hiện nay bao gồm 3 nhóm quy hoạch chính bao gồm: các Quy hoạch có tính chất tổng thể Quốc gia (Quy hoạch Tổng thể Quốc gia, Quy hoạch Không gian biển Quốc gia và Quy hoạch Sử dụng đất Quốc gia), các Quy hoạch ngành quốc gia và các Quy hoạch của địa phương (Quy hoạch vùng, Quy hoạch tỉnh/thành phồ trực thuộc Trung ương).

Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế được xác định thuộc nhóm Quy hoạch ngành quốc gia. Về thời kỳ quy hoạch: Thời kỳ quy hoạch là giai đoạn 2021-2030 và có tầm nhìn dài hạn (đến năm 2050). Nội dung chủ yếu của Quy hoạch là xác định phương hướng phát triển, phân bố, tổ chức không gian, nguồn lực cho các cơ sở y tế mang tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh, có phạm vi trên toàn quốc.

Về đối tượng quy hoạch bao gồm 5 cơ sở y tế cấp vùng, liên tỉnh và liên ngành thuộc các lĩnh vực: Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; Giám định y khoa, giám định pháp y và giám định pháp y tâm thần; Y tế dự phòng, y tế công cộng; Kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn về thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, vaccine và sinh phẩm y tế, thiết bị y tế, sản xuất dược phẩm, vaccine, sinh phẩm y tế và thiết bị y tế; Lĩnh vực dân số-sức khỏe sinh sản.

Như vậy, Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế không bao gồm các đơn vị quản lý nhà nước về y tế (Vụ, Cục, Tổng cục, Chi cục…) cũng như không bao gồm các cơ sở y tế địa phương (vốn thuộc phạm vi quy hoạch tỉnh). Thay vào đó, Quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở đưa ra những định hướng mang tính nguyên tắc để hướng dẫn các địa phương đưa hợp phần mạng lưới cơ sở y tế địa phương vào quy hoạch tổng thể của tỉnh.

– Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế được xây dựng dựa trên những quan điểm cơ bản gì thưa bà?

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng: Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế được xây dựng trên cơ sở 6 quan điểm phát triển cơ bản.

Đó là sự phù hợp với những định hướng lớn mang tính Quốc gia, bao gồm định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước; Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội; Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch cấp quốc gia khác có liên quan.

Anh man hinh 2024 03 01 luc 19.12.23
Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế), Giám đốc Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tiếp theo đó là yêu cầu bảo đảm cung ứng dịch vụ toàn diện, lồng ghép, liên tục với sự tiếp cận thuận lợi và khả năng bảo vệ tài chính, cùng với đó là yêu cầu bảo đảm an ninh y tế, ứng phó với biến đổi khí hậu và các tình huống khẩn cấp.

Đặc biệt, việc phát triển mạng lưới cơ sở y tế gắn liền với đổi mới tổ chức bộ máy và phương thức quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Phát triển mạng lưới cơ sở y tế bảo đảm tính cân đối, đồng bộ, kết nối hiệu quả giữa mạng lưới cơ sở y tế cấp quốc gia với mạng lưới cơ sở y tế địa phương.

Phát triển mạng lưới cơ sở y tế theo hướng kết hợp hài hòa giữa y tế cơ sở và y tế chuyên sâu; giữa y học cổ truyền với y học hiện đại; giữa y tế lực lượng vũ trang và dân y gắn với xây dựng tiềm lực y tế quốc phòng, an ninh.

Quan điểm tiếp theo là huy động tối đa nguồn lực đầu tư để phát triển mạng lưới cơ sở y tế theo quy hoạch, đi đôi với sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư.

Cuối cùng là nhằm bảo đảm tính công bằng, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các khu vực, vùng, miền, hướng tới mục tiêu mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng.

Tạo cú hích cho hoạt động đổi mới sáng tạo

– Mục tiêu phát triển được xác định trong Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế có gì đáng chú ý thưa bà?

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng: Có thể nói Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế xác định sự kiên định trong việc theo đuổi mục tiêu công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế, đảm bảo phát triển mạng lưới cơ sở y tế để làm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân và đủ năng lực đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong từng thời kỳ đồng thời từng bước tiệm cận hệ thống y tế của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế cũng xác định các chỉ tiêu phấn đấu rất cao về quy mô giường bệnh và nhân lực y tế chủ chốt, theo đó tới năm 2050 các chỉ số này của Việt Nam sẽ đạt mức bình quân của nhóm nước công nghiệp phát triển hàng đầu (các nước thuộc Tổ chức OECD).

– Bà có thể cho biết những định hướng mới trong phát triển mạng lưới cơ sở y tế trong thời gian tới?

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng: Đối với lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, việc phát triển mạng lưới cơ sở y tế theo định hướng công bằng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế thông qua phát triển năng lực chuyên môn kỹ thuật chăm sóc chuyên sâu; gia tăng tổng nguồn cung các dịch vụ chăm sóc chuyên sâu tuyến cuối; cải thiện sự phân bổ trên không gian địa lý của các bệnh viện cung ứng dịch vụ chăm sóc chuyên sâu tuyến cuối nhằm cải thiện khả năng tiếp cận địa lý; đảm bảo vai trò ứng phó cấp vùng khi có dịch bệnh, thảm hoạ.

Đối với lĩnh vực y tế dự phòng, y tế công cộng sẽ hình thành Cơ quan Kiểm soát Bệnh tật Trung ương (với hệ thống phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 4) và 03 Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật khu vực (với hệ thống phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 3) gắn với các Viện Vệ sinh dịch tễ và Pasteur hiện có để đảm nhận vai trò kết nối và hỗ trợ các trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh.

Đối với lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn: Phát triển năng lực chuyên môn kỹ thuật ở cả cấp quốc gia và cấp vùng thông qua năng cao năng lực các Viện chuyên ngành quốc gia, phát triển 6 Trung tâm Kiểm nghiệm vùng tại 06 vùng kinh tế-xã hội, nâng cấp các Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học đảm nhận chức năng vùng.

Đối với lĩnh vực giám định y khoa, giám định pháp y và giám định pháp y tâm thần: Nâng cao năng lực và cơ sở vật chất của các đơn vị giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần hiện có. Xây dựng mới 01 cơ sở giám định pháp y khu vực tại Thành phố Hồ Chí Minh; 02 cơ sở giám định pháp y tâm thần khu vực tại Nghệ An và Thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với lĩnh vực dân số-sức khỏe sinh sản: Phát triển 6 trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh khu vực hiện có tại các vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Hình thành 2 trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh cấp vùng tại vùng trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên. Phát triển các dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi gắn với các bệnh viện lão khoa, bệnh viện có chuyên khoa lão. Hình thành bệnh viện lão khoa tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế cũng đưa ra các định hướng đối với mạng lưới cơ sở y tế cấp địa phương, định hướng phát triển y tế tư nhân để phấn đấu đạt tỷ lệ giường bệnh tư nhân chiếm 15% vào năm 2030 và 25% vào năm 2050.

– Về định hướng dài hạn, Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế có đề cập tới sự hình thành 2 khu phức hợp y tế chuyên sâu khi có đủ điều kiện tại 2 miền Nam-Bắc, xin bà cho biết rõ thêm về định hướng này?

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng: Khu phức hợp y tế được nhiều chuyên gia xem là mô hình có thể giúp tạo cú hích cho hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển kỹ thuật cao của toàn ngành Y tế, phù hợp với mục tiêu kiến tạo một hệ thống y tế hiện đại, tiên tiến cũng như quan điểm coi y tế là một ngành dịch vụ có khả năng đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế.

Khu phức hợp y tế được xem phù hợp nhất với các cơ sở y tế có hệ thống phòng xét nghiệm lớn và phức tạp; các trung tâm nghiên cứu và phát triển y sinh học công nghệ cao; các cơ sở đào tạo nhân lực y tế lớn; các cơ sở khám chữa bệnh (bệnh viện và phòng khám) kỹ thuật cao; các cơ sở nghiên cứu sản xuất dược phẩm, chế phẩm sinh học và trang thiết bị y tế công nghệ cao…

Lợi thế của mô hình này sẽ tạo không gian cho sự hợp tác, chia sẻ hạ tầng kỹ thuật y tế dùng chung giữa các cơ sở y tế, đặc biệt là giũa các hệ thống labo; tạo không gian liên kết giữa nghiên cứu, phát triển, đào tạo nhân lực và thiết kế sản xuất các sản phẩm y dược công nghệ cao…

Nguồn: vietnamplus.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *