(FDI Việt Nam) – Kể từ đầu năm tới nay, giá trị M&A toàn cầu tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, đạt 846,8 tỷ USD. Trong đó, giá trị thương vụ M&A tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương tăng 54%.
Thị trường M&A quý III khởi sắc, quý IV khó lường
Dự báo thị trường M&A toàn cầu sẽ có sự chậm lại trong những tháng còn lại của năm 2025, khi các bên tham gia có thể tiếp tục theo dõi tình hình và trì hoãn các quyết định lớn cho đến khi Tổng thống Mỹ thứ 47 chính thức nhậm chức.
Theo dữ liệu từ Dealogic, tổng giá trị các thương vụ M&A toàn cầu tính đến ngày 25/9/2024 đạt 846,8 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá trị các thương vụ tại Mỹ giảm 8%, chỉ đạt 338 tỷ USD, chủ yếu do các quy định thắt chặt và động thái nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ảnh hưởng đến tâm lý của thị trường.
Ngược lại, các thị trường ngoài Mỹ vẫn duy trì sự lạc quan. Thị trường M&A khu vực châu Á – Thái Bình Dương ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 273 tỷ USD, tăng 54% so với năm ngoái nhờ một số thương vụ lớn. Tương tự, khu vực châu Âu cũng chứng kiến mức tăng trưởng 5%, với tổng giá trị thương vụ đạt 160 tỷ USD.
Các chuyên gia và luật sư tư vấn nhận định, nhiều doanh nghiệp hiện đang tạm dừng các kế hoạch M&A cho đến khi Tổng thống mới của Mỹ được xác nhận và quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra. Điều này phản ánh sự chờ đợi của các nhà đầu tư, mong muốn có thêm thông tin và sự rõ ràng hơn từ chính quyền mới trước khi đưa ra các quyết định quan trọng.
“Đây không phải là thời kỳ sôi động bậc nhất. Thị trường tương tự như chiếc cốc đang đầy một nửa, một số nhìn vào phần nước đầy, một số chú ý tới nửa còn vơi”, Adam Emmerich, đồng Chủ tịch hãng luật Wachtell, Lipton, Rosen & Katz.

Nhìn chung, số lượng các thương vụ M&A giá trị lớn (megadeals, tức các thương vụ có giá trị trên 25 tỷ USD) đã suy giảm do sự gia tăng của các quy định, đặc biệt là các quy định chống độc quyền trên thị trường toàn cầu. Đặc biệt, từ đầu năm 2025 đến nay, chưa có bất kỳ thương vụ nào có giá trị khoảng 50 tỷ USD được ghi nhận.
Tom Miles, người đứng đầu bộ phận M&A toàn cầu tại Morgan Stanley, cho biết các thương vụ lớn thường là động lực thúc đẩy số lượng các giao dịch trên thị trường. Việc thiếu vắng các thương vụ lớn là kết quả trực tiếp từ áp lực của các cơ quan quản lý và các quy định ngày càng nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, các giao dịch có giá trị trong khoảng 1 – 10 tỷ USD lại ghi nhận mức tăng trưởng 27% từ đầu năm đến nay, theo dữ liệu từ Dealogic. Trong quý III/2024, số lượng các thương vụ trị giá từ 5 đến 10 tỷ USD đã đạt 12 thương vụ, so với 10 thương vụ trong cùng kỳ năm ngoái.
Một số thương vụ M&A nổi bật cho đến nay bao gồm việc Mars, nhà sản xuất kẹo nổi tiếng, chi 36 tỷ USD để thâu tóm Kellanova. Thương vụ này giúp Mars mở rộng danh mục đồ ăn nhẹ của mình, bổ sung thêm hai thương hiệu tỷ USD, Pringles và Cheez-It, vào danh mục vốn đã có 15 thương hiệu tỷ USD, bao gồm các cái tên nổi tiếng như Snickers, M&M’s và Whiskas.
Ngoài ra, Blackstone đã chi 16 tỷ USD để mua lại đơn vị vận hành trung tâm dữ liệu AirTrunl tại Australia, trong khi Verizon thâu tóm Frontier Communications với giá 9,6 tỷ USD. Tại thị trường Canada, Alimentation Couche-Tard, công ty sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi, cũng đang cố gắng thâu tóm Seven & i của Nhật Bản với giá 38 tỷ USD.
Kỳ vọng nhu cầu tăng trưởng trong thị trường M&A
Không ít chuyên gia kỳ vọng, thị trường M&A chậm lại trong quý IV chỉ là tạm thời và sẽ có cú bật trong năm tới sau khi chính trường nước Mỹ ổn định hơn, đồng thời Fed tiếp tục hạn lãi suất hỗ trợ nền kinh tế hạ cánh mềm.
Frank Aquila, đối tác M&A tại Sullivan & Cromwell cho rằng, các thương vụ xuyên biên giới nhiều khả năng sẽ hồi phục khi doanh nghiệp Mỹ chứng kiến lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với doanh nghiệp khu vực châu Âu, khiến doanh nghiệp tại đây trở thành đối tượng của các thương vụ mua bán và sáp nhập.

Trong khi đó, Eric Tokat, đồng chủ tịch ngân hàng đầu tư Centerview Partners chia sẻ: “Tôi kỳ vọng 2025 sẽ chứng kiến sự trở lại đầy hưng phấn của thị trường M&A. Hiện tại, các hoạt động M&A đang trở nên sôi động hơn đối với lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, nhưng câu hỏi đặt ra là khi nào các thương vụ đi đến chặng cuối”.
Đáng chú ý, môi trường lãi suất thấp hơn đã kích thích các quỹ đầu tư tư nhân (PE) quay trở lại thị trường M&A. Các quỹ PE lớn nhất thế giới đang sở hữu lượng tiền mặt lớn và chịu áp lực giải ngân, mang lại hiệu suất đầu tư tích cực hơn.
“Chúng tôi đang chứng kiến các quỹ PE quay lại thị trường tìm tới các doanh nghiệp. Hiện tại, họ tập trung vào một số công ty quy mô nhỏ và vừa”, Dietrich Becker, Chủ tịch và người đứng đầu thị trường châu Âu tại Perella Weinberg Partners cho biết.
Trong quý III/2024, các quỹ PE toàn cầu đã chi 166,2 tỷ USD cho các hoạt động M&A, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn: Báo đầu tư