(FDI Việt Nam) – Theo Chi cục Thống kê TP. Hà Nội, trong quý I/2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Hà Nội đạt 1,4 tỷ USD, tăng 49,5% so với cùng kỳ năm trước.
GRDP của Hà Nội đạt mức tăng cao trong 5 năm gần đây
Theo Chi cục Thống kê TP. Hà Nội, hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục là điểm sáng, với tổng vốn thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1,4 tỷ USD, tăng mạnh 49,5% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này cho thấy sức hấp dẫn và môi trường đầu tư ngày càng cải thiện của Thủ đô.
Cùng với dòng vốn FDI tăng trưởng ấn tượng, GRDP quý I/2025 của Hà Nội ước tăng 7,35% – mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 49,5% dự toán năm, tăng 69,3%, phản ánh hiệu quả trong điều hành tài chính và thu hút nguồn lực.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách địa phương cũng đạt mức cao nhất cả nước, với hơn 14.300 tỷ đồng, tăng 43,8%. Đây là nền tảng quan trọng giúp thành phố tiếp tục cải thiện hạ tầng, nâng cao năng lực thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước.
Bức tranh thương mại cũng ghi nhận tín hiệu tích cực. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong quý I đạt 14,3 tỷ USD – cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, tăng 7% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đạt 4,3 tỷ USD (tăng 2,6%), còn nhập khẩu đạt trên 10 tỷ USD (tăng 9,1%), góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp và thương mại nội địa.
Xét theo khu vực kinh tế, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,09%, đóng góp 0,06 điểm % vào tăng trưởng chung. Công nghiệp – xây dựng tăng 5,54%, đóng góp 0,96 điểm %, trong khi khu vực dịch vụ tiếp tục đóng vai trò chủ lực với mức tăng 8,34%, đóng góp tới 5,82 điểm % vào GRDP toàn TP.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I tăng 4,3%, riêng tháng 3 tăng 5,2% so với cùng kỳ, cho thấy hoạt động sản xuất đang trên đà phục hồi vững chắc nhờ sự gia tăng đơn hàng xuất khẩu và nỗ lực chỉ đạo sát sao của chính quyền TP.
Thành phố cũng duy trì tốt công tác bình ổn thị trường, kết nối cung cầu, đảm bảo an toàn thực phẩm và kiểm soát giá cả, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I thấp hơn 2,37 điểm % so với cùng kỳ, tạo điều kiện thuận lợi để ổn định kinh tế vĩ mô.
Lĩnh vực du lịch – dịch vụ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Khách du lịch đến Hà Nội do các cơ sở lưu trú phục vụ tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2024. Để đạt được kết quả này, TP đã đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch mới trên các nền tảng số, mạng xã hội và truyền thông trực tuyến, góp phần nâng cao sức hút của Hà Nội trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, TP tiếp tục thúc đẩy phát triển thủy sản bền vững, thân thiện môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Các mô hình nuôi trồng sinh thái, hữu cơ, đạt chuẩn GAP được khuyến khích nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, TP định hướng xây dựng các vùng nuôi trồng tập trung công nghệ cao, tăng năng suất và giá trị gia tăng.
Tổng thể, những kết quả tích cực trong quý I/2025, đặc biệt là trong thu hút đầu tư nước ngoài, cho thấy hiệu quả từ các chính sách chỉ đạo, điều hành và thực hiện quyết liệt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của Hà Nội. Đây là nền tảng quan trọng để Thủ đô bứt phá trong những quý tiếp theo của năm 2025.
Hà Nội tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực trong quý I/2025, kinh tế Hà Nội dự báo sẽ đối mặt với không ít thách thức trong thời gian tới. Biến động địa chính trị, căng thẳng thương mại và các biến số từ kinh tế toàn cầu đang tạo áp lực lớn lên triển vọng tăng trưởng của cả nước nói chung và Thủ đô nói riêng.
Việc nhiều nền kinh tế lớn điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ, cùng áp lực tỷ giá và lạm phát chưa giảm sâu, đang khiến đà phục hồi kinh tế thế giới chậm lại. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến dòng vốn đầu tư, xuất khẩu, cũng như triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong đó có Hà Nội.
Theo kết quả điều tra xu hướng sản xuất – kinh doanh do Chi cục Thống kê TP. Hà Nội thực hiện, trong quý I/2025, có 16,7% doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá tình hình kinh doanh khởi sắc hơn so với quý IV/2024; 49,1% doanh nghiệp cho rằng tình hình ổn định, trong khi 34,3% vẫn gặp khó khăn.
Trước bối cảnh đó, để duy trì đà tăng trưởng và tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Chi cục Thống kê kiến nghị Hà Nội kiến nghị thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực. Đây sẽ là yếu tố then chốt giúp tạo môi trường đầu tư thông thoáng, ổn định và cạnh tranh hơn.

Thành phố cần bảo đảm tiến độ xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai hiệu quả Luật Thủ đô (sửa đổi), đồng thời nhanh chóng xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Việc phân cấp, ủy quyền rõ ràng trong từng ngành, lĩnh vực, cùng với tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp sẽ góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn trong sản xuất – kinh doanh.
Ngoài ra, TP. Hà Nội cần kiểm soát tốt chỉ số giá tiêu dùng, giữ mức dưới 4,5%, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Việc chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh sẽ giúp doanh nghiệp tăng sức chống chịu.
Đặc biệt, tập trung khai thác thị trường nội địa, phát triển thương hiệu Việt và nâng cao sức tiêu dùng trong nước là những giải pháp thiết thực nhằm giữ vững đà tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều rủi ro, TP. Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng, trong đó chú trọng theo dõi sát biến động thị trường quốc tế, chính sách thuế quan và thương mại, đặc biệt từ các nền kinh tế lớn như Mỹ. Việc xây dựng các kịch bản ứng phó linh hoạt với từng tình huống cụ thể được đặt lên hàng đầu, nhằm đảm bảo ổn định sản xuất và duy trì khả năng thích ứng của nền kinh tế Thủ đô.
Song song đó, Hà Nội tập trung phát triển các ngành có tiềm năng tạo giá trị cao như du lịch, nông nghiệp chất lượng cao, và sản phẩm OCOP.
Việc ứng dụng nền tảng địa chỉ số vào hoạt động du lịch, tái cơ cấu sản xuất trong trồng trọt, và ưu tiên phát triển sản phẩm đặc sản vùng miền, làng nghề truyền thống đang là những hướng đi bền vững, vừa góp phần nâng cao thu nhập nông thôn, vừa tạo sức hút mới với các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường tiêu dùng nội địa Việt Nam.
Đặc biệt, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Các dự án được yêu cầu hoàn thành nhanh, gọn, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng công trình, đồng thời xử lý dứt điểm các thủ tục thanh, quyết toán đúng quy định. Việc khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đầu tư cho các dự án mới cũng được chỉ đạo sát sao, tạo tiền đề tốt cho quá trình phát triển hạ tầng trong năm 2025.
Nhằm triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công với mục tiêu giải ngân vượt mức vốn được giao, TP. Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị thi công và chủ đầu tư tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ tại các công trình, dự án trọng điểm. Hiện nhiều dự án lớn đang được thi công khẩn trương để kịp tiến độ đề ra.
Đáng chú ý, loạt công trình hạ tầng giao thông quan trọng sẽ được khởi công trong thời gian tới như: cầu Tứ Liên, cầu Ngọc Hồi, cầu Trần Hưng Đạo (dự kiến tháng 5/2025), hay dự án thành phần 3 thuộc tuyến Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, dự kiến khởi công trong quý II/2025. Đây là những dự án có tính kết nối cao, kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho giao thương, logistics và thu hút đầu tư nước ngoài vào các khu vực tiềm năng.
Nguồn: Báo đầu tư